Cập nhật: 06/12/2016 09:19:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ở Sơn La, dân tộc Mông có dân số khá đông, chiếm 13%, đứng sau người Thái và người Kinh. Họ có 3 nhóm: Mông hoa, Mông đen và Mông trắng. Trong nền kinh tế cổ truyền, người Mông có một số nghề thủ công truyền thống đặc sắc, phục vụ đắc lực cho cuộc sống hàng ngày của đồng bào, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc vẫn được bảo lưu cho tới ngày nay như: Nghề dệt vải lanh, in hoa văn bằng sáp ong, nghề rèn, làm đồ mộc... và một nghề mà sản phẩm của nó không thể thiếu được trong cuộc sống tâm linh của đồng bào, đó là nghề làm giấy thủ công.

Giấy rất quan trọng trong cuộc sống tâm linh của đồng bào, họ quan niệm nếu lễ tết, cúng cầu mùa không có giấy cúng do tự mình làm ra thì tổ tiên sẽ không nhận. Mỗi gia đình người Mông có 1 góc thờ, chỉ dán 1 tờ giấy lên vách giá phía sau đối diện với cửa chính đánh dấu góc thờ nhưng rất đỗi linh thiêng. Trong tất cả các lễ cúng đều phải cắt giấy thành những hình nhân, hoa lá, cỏ cây mong cho gia đình chủ khỏe mạnh, làm ăn thuận lợi. Khi mùa xuân về, tết đến con người được nghỉ ngơi sau 1 năm làm lụng vất vả, cúng cơm mới, trong những ngày này không chỉ con người mà tất cả các vật dụng trong gia đình đều được nghỉ ngơi. Trừ công cụ sản xuất, nồi xoong, bếp lò cho tới nhà cửa, chuồng lợn, gà, nhà kho.... đều được dán 1 mẩu giấy do họ tự làm ra cũng là để thông báo với tổ tiên là đã kết thúc 1 năm cũ, chuẩn bị cho 1 năm mới và là kết quả của 1 năm làm việc.

Giấy thường được làm vào thời gian nông nhàn đặc biệt là vào dịp Tết đồng bào làm giấy để ăn Tết, làm giấy cúng mừng năm mới. Người ta thường làm giấy vào mùa khô ráo, trời nắng mới phơi được giấy, giấy mới trắng và đẹp. Nghề làm giấy chủ yếu do người phụ nữ đảm nhiệm, không yêu cầu kỹ thuật cao lắm. Người Mông thường sử dụng các loại chất liệu làm giấy như: Cây dướng, tre non, rơm... là những loại chất liệu có rất nhiều ở nơi họ cư trú.

Dân tộc Mông ở Sơn La.

Dụng cụ làm giấy rất đơn giản, do đồng bào tự chế ra để dùng trong gia đình. Dụng cụ cơ bản nhất là 1 cái khuôn để tráng giấy, khuôn được làm bằng vải căng trên 1 cái khung bằng tre hoặc gỗ, mặt khuôn bằng vải bông, có độ thoáng, kích cỡ tùy thuộc vào ý định của gia chủ, thường là 60 x 1,2m. Ngoài ra còn có 1 nồi nấu chất liệu giấy, 1 cục kê và thanh gỗ để đập giấy, 1 chậu đựng nước pha bột giấy.

Quy trình làm các loại giấy có khác nhau 1 chút. Giấy dướng được làm từ vỏ loại cây dướng, cây dướng chặt về tước lấy vỏ cho vào nồi nấu (có thể dùng vỏ tươi hoặc khô)  phải nấu thật nhừ khoảng 7 - 8h là được, vớt ra để nguội, dùng cục kê và thanh gỗ đập kỹ cho vỏ dướng tơi ra như bông ruốc. Trong quá trình nấu thỉnh thoảng đảo lên cho 1 ít tro bếp vào có tác dụng làm cho vỏ dướng nhanh nhừ và chất tẩy tạo cho giấy trắng, mịn.

Đập càng kỹ thì giấy càng mịn, đập xong cho vào 1 ống tre hoặc chậu, đổ nước vào quấy kỹ cho tờ dướng tan ra. Khuôn tráng giấy được đặt xuống 1 vũng nước, xâm xấp mặt khuôn, đổ chậu tờ dướng lên mặt khuôn, dùng tay khua nhẹ cho tờ dướng dàn đều mặt khuôn. Dùng 1 thanh tre đập khẽ trên mặt nước để cho tờ dướng lắng xuống mặt khuôn, cứ làm như vậy khoảng 15 phút là được. Lấy 2 tay đỡ 1 đầu khuôn nâng nhẹ lên khỏi mặt nước sao cho tờ dướng không bị xô, khi toàn bộ mặt khuôn đã được nâng lên khỏi mặt nước thì nhấc ra sân phơi, để khuôn nghiêng 45o cho mau ráo nước. Thời gian phơi giấy khoảng 2h là được. Theo kinh nghiệm của đồng bào, chừng nào tấm vải khuôn khô là giấy khô, dùng 2 tay lách nhẹ 2 góc trên đầu khuôn, đưa giấy ra khỏi khuôn vải. Giấy phơi xong được gấp cất đi, dùng dần.

Loại giấy thứ 2 làm bằng tre, chọn loại tre non chưa có lá (chặt vào khoảng tháng 12 Dương lịch là vừa), mỏng, đưa về chặt ngắn ra theo kích cỡ của nồi nấu, trẻ thành thanh mỏng như que đóm rồi cho vào nồi ninh nhừ lên, phải đun từ 2 - 4 ngày mới được. Vừa đun vừa cho thêm tro bếp vào cho tre nhanh nhừ, thỉnh thoảng lại đưa ra ngoài đập, vừa đập vừa rũ vào chậu nước để các tờ tre tan ra, phần nào tan trước thì tráng giấy trước, cho tới tận khi cả nồi tre nhừ thành bột phải đập rất nhiều lần. Khuôn tráng giấy được kê lên cao để cho thoáng, thoát nước nhanh, bột tre được quấy kỹ, cho nhiều nước cho thật loãng, dùng 1 cái muôi múc nước bột tưới lên mặt khuôn, tưới xong 1 lượt nếu chưa đều phải lấy 1 chiếc thìa nhỏ tưới vào những chỗ chưa có. Trong quá trình tưới, nước chảy hết, trên mặt khuôn đọng lại lớp bột và tơ tre, tráng xong đem giấy ra phơi như giấy dướng.

Một trong những công đoạn làm giấy của người Mông ở Sơn La.

Loại giấy thứ 3 làm bằng rơm: rơm phải chọn lấy từ các cụm lúa đã dùng hái gặt về để trên gác bếp, khi nào làm giấy thì mang xuống chặt lấy cuộng rơm để làm, rơm làm giấy phải  không được lẫn lá. Qui trình làm giấy rơm cũng giống giấy tre nhưng thời gian đun ít hơn, chỉ khoảng 2 ngày.

Giấy thành phần của 3 loại chất liệu có những đặc điểm khác nhau: giấy rơm có màu vàng nhạt dày, có độ xốp cao, dai, mịn; Giấy tre có màu trắng ngà, trên mặt nổi rõ những sợi tơ tre, bóng, mỏng, dai; Giấy dướng có màu trắng ngà, thô, dai, dày. Dân tộc Mông ở Sơn La không có chữ viết riêng, giấy sản xuất ra không phải để viết mà chủ yếu làm giấy cúng nên không cần có độ mịn, trắng cao.

Thời gian nấu một nồi bột giấy phải kéo dài trong một buổi. Khi bột giấy nhừ là đến công đoạn tráng giấy. Người Mông đặt chiếc khung vải xuống hố nước sao cho nước lấp xấp mặt vải trên khung, dùng muôi múc bột giấy dàn đều trên mặt vải, cầm hai đầu khung lắc nhẹ, nước sẽ làm cho bột giấy dàn đều trên mặt khung. Khi bột giấy đã dàn đều thì nhấc nhẹ khung lên khỏi mặt nước, dựng khung nghiêng để phơi giấy cho khô. Khi giấy khô thì gỡ mép giấy trước, sau đó lột cả tờ giấy lên. Giấy làm bằng rơm có độ mịn cao nhất, màu vàng tươi đẹp mắt. Giấy tre thô, gai, có màu trắng ngà. Giấy dướng thô, dày, có màu trắng đục. Giấy dó mịn, dai, mỏng, có màu trắng ngà.

Ngày nay, không phải gia đình người Mông nào cũng làm giấy nhưng trong tất cả các bản đều vẫn duy trì nghề này vì sản phẩm giấy đã đi vào tâm linh của họ, là sự gắn kết giữa người sống với tổ tiên và nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn.

ST

Tệp đính kèm