Cửu đỉnh Huế không chỉ là báu vật quốc gia thể hiện cho quyền uy và sức mạnh của vương triều nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, mà còn được đánh giá là một bộ dư địa chí, một bộ bách khoa thư độc đáo về Việt Nam hồi đầu thế kỉ 19.
Đặc biệt, trên Cửu đỉnh nhiều địa danh sông núi, biển đảo... của đất nước được thể hiện rất rõ ràng, minh xác. Điều đó cho thấy cha ông ta ngày trước rất ý thức về chủ quyền quốc gia, trong đó có vấn đề biển đảo.
Thời phong kiến, ở những nước Á Đông như Việt Nam, đỉnh được xem là thứ bảo vật, tượng trưng cho quyền lực thống trị của nhà vua. Hiện ở cố đô Huế vẫn còn tồn tại bộ Cửu đỉnh (9 đỉnh đồng) có từ thời nhà Nguyễn, và đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2012.
Cửu đỉnh của nhà Nguyễn được vua Minh Mạng ra lệnh đúc vào mùa Đông năm 1835 và hoàn thành vào ngày 1 tháng 3 năm 1837. Cả thảy gồm có 9 cái đỉnh lớn bằng đồng, đặt ở trước sân Thế Miếu (miếu thờ các vị vua triều Nguyễn) trong Hoàng thành Huế.
Mỗi đỉnh tượng trưng cho một vị vua triều Nguyễn và được đặt tên ứng với thụy hiệu (tên của vua sau khi băng hà) của vị vua ấy. Ví dụ như Cao đỉnh tượng trưng cho vua Gia Long được đặt theo thụy hiệu Cao Hoàng đế, Nhân đỉnh tượng trưng cho vua Minh Mạng được đặt theo thụy hiệu Nhân Hoàng đế...
Cửu đỉnh đặt thành một hàng ngang trước thềm Hiển Lâm Các, đối diện với Thế Miếu. Trong đó Cao đỉnh được đặt trên đường thần đạo (trục đường chính) chạy từ Miếu Môn qua Hiển Lâm Các đến gian giữa của Thế Miếu - nơi đặt án và khám thờ vua Gia Long. Cao đỉnh kê ở chính giữa trong số Cửu đỉnh và là đỉnh duy nhất được đặt nhích về phía trước 3 mét với hàm ý tôn vinh vị vua sáng lập nên triều Nguyễn.
Trên mỗi đỉnh, theo lệnh vua Minh Mạng, các nghệ nhân đúc đồng phường Đúc ở Huế đã chạm khắc 17 bức họa và 1 bức thư họa mô tả các chủ đề về vũ trụ, núi sông, chim thú, sản vật, vũ khí... Tổng thể trên 9 đỉnh có cả thảy 162 bức chạm khắc, tập hợp lại thành một bức tranh toàn cảnh về đất nước Việt Nam thống nhất thời nhà Nguyễn. Có lẽ vì thế mà các nhà nghiên cứu cho rằng Cửu đỉnh là bộ dư địa chí, là bách khoa thư bằng hình khắc về nước Việt Nam thời kì ấy.
Điều đặc biệt là mỗi hình khắc bao giờ cũng có tên gọi được khắc kèm rất rõ ràng. Nhờ đó mà khi xem trên Cửu đỉnh, tuy các hình khắc được thể hiện khái lược, mang tính biểu tượng, nhưng người ta vẫn có thể dễ dàng nhận biết được đó là sông gì, đảo gì, cây gì, con gì, hoặc địa danh nào...
Điều này cũng dễ hiểu, bởi trước khi đúc Cửu đỉnh, vua Minh Mạng đã yêu cầu rõ ràng rằng: "Nay đúc đỉnh, khắc các hình tượng sông, núi và mọi vật cũng không cần phải khắc đủ cả (tức chỉ mang tính giản lược, mô phỏng - PV), duy phải khắc rõ tên, hiệu và xứ sở để tiện nhận xét".
Như vậy có thể thấy tính minh xác về nguồn gốc, tên gọi của các hình khắc trên Cửu đỉnh rất được vua Minh Mạng coi trọng, vì thế nó rất có ý nghĩa đối với giới nghiên cứu sau này.
Theo nhà nghiên cứu Huế Phan Thuận An, hình ảnh chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam được khắc rõ nét nhất trên bề mặt Cao đỉnh với 3 hình ảnh là Biển Đông (Đông Hải), ô thuyền (loại thuyền tuần tiễu trên biển của thủy binh thời vua Gia Long) và con ba ba. Ngoài ra, trên Nhân đỉnh còn có chạm khắc hình ảnh Biển Nam (Nam Hải), cá voi, đồi mồi. Trên Chương đỉnh có hình ảnh Biển Tây (Tây Hải), thuyền rồng, con rùa. Và trên Nghị đỉnh, Dụ đỉnh, Thuần đỉnh... có hình cửa biển Thuận An, cửa biển Đà Nẵng, biển Cần Giờ...
Qua quan sát thực tế trên Cửu đỉnh, chúng tôi cũng nhận thấy rằng, ba vùng biển Đông Hải, Nam Hải và Tây Hải của Việt Nam được khắc với hình ảnh sóng nước nhấp nhô, ẩn hiện rất nhiều đảo lớn nhỏ và chính giữa hình khắc có các chữ Hán nổi thể hiện rõ tên của mỗi vùng biển.
Theo các nhà nghiên cứu, thời vua Minh Mạng, ranh giới hành chính các địa phương và các vùng biển được phân chia rất rõ ràng trong phân cấp quản lý nhà nước. Theo đó, Biển Đông (Đông Hải) kéo dài từ phía Bắc cho đến Bình Thuận, bao gồm cả dải cát vàng Hoàng Sa, Trường Sa hay còn gọi là Vạn lý Ba Bình. Biển Nam (Nam Hải) bao gồm từ Bình Thuận đến Hà Tiên có nhiều hòn đảo như Đại Kim, Mảnh Hảo, Nội Trức, Côn Đảo, Phú Quốc, Thổ Châu... tiếp giáp với hải phận của các nước Malaysia, Indonesia… Biển Tây (Tây Hải) là vùng biển giáp với vịnh Thái Lan.
Như vậy, cùng với hàng loạt tài liệu Hán-Nôm cổ, trong đó có Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, những hình ảnh biển đảo được khắc trên bộ Cửu đỉnh sẽ là một nguồn tư liệu quý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa./.
Cửu đỉnh đặt ở dưới thềm Hiển Lâm Các (phía trước sân Thế miếu) trong Hoàng thành Huế. (Ảnh: Trần Thanh Giang)
Cửu Đỉnh được vua Minh Mạng ra lệnh đúc vào mùa Đông năm 1835 và khánh thành vào ngày 1/3/1837. (Ảnh: Trần Thanh Giang)
Đỉnh ở chính giữa có tên là Cao Đỉnh được đặt cao hơn các đỉnh còn lại. (Ảnh: Trần Thanh Giang)
Cao Đỉnh được đặt cao hơn 8 đỉnh còn lại với hàm ý tôn vinh công lao to lớn của vị vua đầu tiên của triều Nguyễn là Nguyễn Ánh, niên hiệu Gia Long. (Ảnh: Trần Thanh Giang)
9 đỉnh khác nhau về trọng lượng, bộ chân, cũng như bộ quai ở trên, đặc biệt khác ở hình chạm xung quanh mỗi đỉnh. (Ảnh: Trần Thanh Giang)
Du khách thăm quan tìm hiểu và lưu lại những họa tiết trên Cửu đỉnh. (Ảnh: Trần Thanh Giang)
Khách thăm quan ngồi nghỉ trên bậc thềm của Hiền Lâm Các và ngắm nhìn Cửu đỉnh. (Ảnh: Trần Thanh Giang)
Hình tượng biển Đông Hải được khắc trên Cao đỉnh. Biển Đông Hải có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa được khắc vào năm 1836 dưới triều vua Minh Mạng. (Ảnh: Hoàng Quang Hà)
Hình tượng biển Nam Hải được khắc trên Nhân đỉnh. Nam Hải là phần lãnh hải nằm ở phía Nam của Nam bộ, tiếp giáp với hải phận của các nước Malaysia, Indonesia... (Ảnh: Hoàng Quang Hà)
Năm Minh Mạng thứ 17, nhà vua cho khắc hình tượng Ô thuyền lên Dụ đỉnh. Vào triều Nguyễn có trang bị loại thuyền này cho quân tuần tiễu dọc bờ biển bởi nó có buồm, có tay chèo nên tốc độ lướt sóng nhanh. (Ảnh: Trần Thanh Giang)
Hình tượng Thuyền lâu được khắc trên Nhân đỉnh, là loại thuyền lớn đóng bằng gỗ tốt có tầng lầu đẹp (đây là thành tựu nổi bật của ngành đóng tàu thuyền của nước ta dưới thời nhà Nguyễn). Thuyền được dùng cho vua, hoàng gia hoặc các quan đại thần đi hộ giá. (Ảnh: Trần Thanh Giang)
Hình tượng thuyền Hải đạo được khắc trên Nghị đỉnh. Thủy binh nhà Nguyễn điều động loại thuyền này rất linh hoạt trong chiến đấu và diễn tập trên sông nước. (Ảnh: Trần Thanh Giang)
Hình tượng Lê thuyền được khắc trên Tuyên đỉnh. Đây là loại thuyền có 12 tay chèo dùng để đi trên biển khi có gió to và nước lớn chảy xiết khá an toàn. (Ảnh: Trần Thanh Giang)
Hình tượng Đa tác thuyền được khắc trên Cao đỉnh. Vì thuyền lớn nên cũng gọi là tàu có khả năng đi biển được dài ngày, vượt đại dương. (Ảnh: Trần Thanh Giang)
Hình tượng Hỏa phún đồng được khắc trên Huyền đỉnh. Đây là loại ống đồng đốt đạn, một loại vũ khí trang bị cho quân đội và cấp cho các đài quan sát trên núi cao dùng để phát hỏa lệnh khi có việc cấp báo. (Ảnh: Trần Thanh Giang)
Hình tượng cửa biển Thuận An được khắc trên Nghị đỉnh. (Ảnh: Trần Thanh Giang)
Hình tượng chi chít hạt mưa (vũ) được khắc trên Huyền đỉnh. Theo Kinh Dịch, mưa thuộc về quẻ Khảm, tượng nước. Mưa là hiện tượng thời tiết, khí hậu do hơi nước bốc lên, ngưng tụ lại, rồi rơi xuống. Mưa tạo nên cân bằng sinh thái và sự sống của muôn loài. (Ảnh: Trần Thanh Giang)
Hình ảnh Hải Vân sơn và Hải Vân quan được khắc trên Dụ đỉnh. (Ảnh: Trần Thanh Giang)
Phía mặt sau của Cao đỉnh được khắc hình súng Thần công. (Ảnh: Trần Thanh Giang)
Phía mặt sau của Cao đỉnh được khắc hình mặt trời. (Ảnh: Trần Thanh Giang)
(BÁO ẢNH VIỆT NAM/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/hinh-anh-quan-dao-hoang-sa-va-truong-sa-tren-cuu-dinh-o-hue/420709.vnp