Vĩnh Phúc - Vùng đất địa linh nằm ở góc Đông và Đông Bắc của xứ Đoài, một vùng đất cổ nằm trong cái nôi phát triển sớm của văn minh sông Hồng. Đây cũng là vùng đất cận kề với các trung tâm kinh tế - chính trị - văn hoá: Kinh đô Văn Lang thời Hùng Vương; kinh đô Cổ Loa thời Thục - An Dương Vương; kinh đô Mê Linh của Trưng Nữ Vương; kinh đô Thăng Long thời Lý Trần, Đông Đô thời Lê sơ (nay là thủ đô Hà Nội).
Ảnh minh họa
Đây cũng là nơi có dấu ấn của cư dân Việt cổ từ rất sớm với các Di chỉ khảo cổ học thời kỳ tiền - sơ sử và các địa điểm đã được biết đến như: Đồng Đậu, Đinh Xá, Gò chùa Biện Sơn, Gò Mả Hòn, Quán Đôi, Gò Gai, Đồng Cốc, Đồng Hai Cây, Ngõ Bút (huyện Yên Lạc); Nghĩa Lập, Lũng Hoà, Đồng Hương, Ma Cả, Gò Đuông (huyện Vĩnh Tường); Thành Dền, Thành Vượn (huyện Mê Linh); Gò Hội, Đôn Nhân, Đồng Chăm, Gò Đặng, Gò Sỏi (huyện Lập Thạch), Gò Ngành, Hương Ngọc (huyện Bình Xuyên), Suối Trại, Minh Quang, Đạo Trù (huyện Tam Đảo)…
Với vị trí địa lý và tiềm năng như vậy việc nghiên cứu sưu tầm những hiện vật khảo cổ học thời kỳ tiền sơ sử là một việc làm rất cần thiết để góp phần khẳng định những nét bản sắc địa - văn hoá về vùng đất và con người Vĩnh Phúc trong những nét chung của văn hoá Việt Nam. Đặc biệt kể từ khi tái lập tỉnh Vĩnh Phúc (năm 1997) đến nay công tác nghiên cứu sưu tầm hiện vật khảo cổ học tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc đã có những thành tựu quan trọng. Thống kê tính đến tháng 9/2009 Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc đã sưu tầm hiện vật thời kỳ tiền sơ sử thông qua các cuộc khai quật khảo cổ học được 4688 hiện vật bao gồm các chất liệu đá, gốm, xương, đồng trong đó nhiều hiện vật được sưu tầm qua những năm gần đây tại các cuộc khai quật di chỉ Đồng Đậu, Lũng Hoà, Thành Dền, gò Hội, Nghĩa Lập bước đầu đã có những khẳng định vững chắc về vùng đất và con người Vĩnh Phúc, làm phong phú thêm các địa điểm khảo cổ, các sưu tập hiện vật cũng như các nét văn hóa mang đậm bản sắc đất và người Vĩnh Phúc.
Tháng 12/1999 Bảo tàng lịch sử Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành khai quật di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu (thôn Đông Hai, thị trấn Yên Lạc). Đây là lần thứ 6 di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu được khai quật. Tầng văn hoá ở đây có chỗ dày hơn 4m, bao gồm 4 lớp thuộc các giai đoạn khác nhau. Lớp dưới cùng thuộc văn hóa Phùng Nguyên, lớp giữa thuộc văn hoá Đồng Đậu, lớp trên thuộc văn hoá Gò Mun, đồng thời lớp trên cùng đã tìm thấy nhiều loại hình công cụ của văn hoá Đông Sơn. Di vật ở đây rất phong phú bao gồm đồ gốm, nhiều công cụ sản xuất, vũ khí, bằng đá, xương sừng và bằng đồng. Có nhiều xương, răng cá và thú vật, nhiều tượng tròn hình động vật như trâu, gà, chim được nặn bằng đất nung. Tìm thấy nhiều hạt lúa gạo cháy từ lớp văn hoá Phùng Nguyên - chứng tỏ nghề trồng lúa nước và chăn nuôi đã có rất sớm ở buổi đầu dựng nước của các Vua Hùng.
Đặc biệt trong lần khai quật thứ 6, trong lớp văn hoá Phùng Nguyên đã phát hiện một huyệt mộ, trong có một bộ di cốt còn bảo tồn tương đối tốt. Tử thi ở tư thế nằm ngửa, mặt nghiêng sang trái, tay phải đeo chiếc vòng đá mặt cắt ngang hình tam giác (vòng đá Phùng Nguyên) khá điển hình. Theo các nhà khoa học bộ di cốt của người nam giới cao 1,59m, khoảng 40 đến 45 tuổi. Đây là tiêu bản quý hiếm giúp cho việc tìm hiểu nhân chủng học của người Việt cổ thời kỳ này cũng như cách chôn cất, cách làm đẹp bằng các đồ trang sức… (Hiện tại bộ di cốt này đang được trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh).
Các sưu tập hiện vật khai quật lần thứ 6 tại Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu cùng với các hiện vật đã khai quật những lần trước đã trở thành một nguồn sử liệu quan trọng về thời kỳ dựng nước, minh chứng cho một kiến giải hợp lý trong quá trình vận động dựng nước của dân tộc ta - từ miền núi tiến về đồng bằng, từ du canh du cư của từng bộ lạc đến định canh định cư với những xóm làng. Với 4 tầng văn hoá nối tiếp nhau từ Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn, hiện vật khai quật tại đây vô cùng phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình đủ các chất liệu: Đồ đá (chiếm số lượng lớn là rìu, bôn, bàn mài, khuôn đúc, khuyên tai, vòng..); xương, sừng (mũi tên, mũi nhọn, mũi lao…); gốm (ngoài các loại đồ đựng như bình bát, nồi, dọi xe chỉ, bi gốm, chạc gốm còn có nhiều tượng trâu bò gà bằng đất nung khá độc đáo; đồ đồng (mũi tên, mũi lao có ngạnh, búa, dũa…). Đặc biệt trong đợt khai quật này còn phát hiện nhiều bếp than tro lớn trong đó có nhiều hạt gạo cháy và xương răng thú vật chứng tỏ thời kỳ này nhân dân ta đã biết trồng lúa nước và thuần dưỡng động vật.
Tháng 1/2000 Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp đào thám sát di chỉ Lũng Hoà với diện tích 23m2. Di chỉ có toạ độ địa lý 2006’15’’ vĩ độ Bắc, 105027’50’’ kinh độ Đông, thuộc cánh đồng Đầu, thôn Hoà Loan, xã Lũng Hoà, huyện Vĩnh Tường. Tổng số hiện vật thu được trong lần thám sát này gồm 43 hiện vật đá nhiều mảnh gốm các loại. Hiện vật ở di chỉ Lũng Hoà đã cho thấy những nét tương đồng giữa di chỉ này với lớp dưới di chỉ Đồng Đậu.
Cũng trong năm 2000 Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành khảo sát tại Gò Đồn, xã Hải Lựu; Gò Trâm Dài, xã Đôn Nhân huyện Lập Thạch (nay thuộc huyện sông Lô), các nhà Khảo cổ học đã phát hiện và sưu tầm được một số công cụ chặt rìa lưỡi dọc dạng 1/4 viên cuội làm từ chất liệu đá cuội quarzit được ghè đẽo thủ công mang đặc trưng của Văn hoá Sơn Vi. Điều này đã chứng tỏ Vĩnh Phúc là một vùng đất cổ, nơi có dấu ấn của cư dân Việt cổ từ rất sớm, đó là những cư dân đầu tiên khai phá vùng gò đồi trung du Vĩnh Phúc từ giai đoạn hậu kỳ đá cũ, cách ngày nay khoảng 23.000 đến 12.000 năm.
Tháng 12/2002 Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch Sử - Trường ĐH KH XH &NV Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Vĩnh Phúc đã tiến hành khai quật trên ba hố đào tại khu vực phía Tây Nam và Đông Bắc Gò Hội và đào thêm một hố thám sát, tổng diện tích khai quật và thám sát là 151m2.Tháng 12/2003 tiếp tục khai quật lần thứ 2 di chỉ này, tổng diện tích khai quật là 116 m2 với ba hố đào ở các khu vực Đông Nam và Tây Nam của gò.
Di chỉ khảo cổ học Gò Hội là một gò đất cao có toạ độ địa lý 21O54’30’’ vĩ độ Bắc, 105O20’50’’ kinh độ Đông, thuộc địa phận thôn Đồng Soi, xã Hải Lựu, huyện Sông Lô. Gò Hội nằm trong hệ thống những đồi gò thấp ở ven sông và được bao bọc xung quanh bằng những dải ruộng trũng cách trung tâm xã Hải Lựu khoảng 1 km về phía Tây Nam và cách sông Lô khoảng 300m.
Qua 2 lần khai quật, tổng diện tích 267 m2 đã phát hiện và sưu tầm số lượng hiện vật rất phong phú bao gồm nhiều loại hình khác nhau mang đặc trưng của thời kỳ văn hoá Phùng Nguyên, giai đoạn sơ kỳ thời đại đồng thau cách ngày nay khoảng 4000 năm và kéo dài liên tục trong khoảng 700 năm.
Đồ gốm chiếm số lượng lớn nhất với hàng trăm hiện vật và hàng ngàn mảnh gốm lớn nhỏ bao gồm nhiều loại hình khác nhau như: nồi, bình, bát, dọi xe chỉ, bi gốm, chạc gốm, chì lưới...Bên cạnh đó là các tượng động vật bằng đất nung chứng tỏ việc chăn nuôi và thuần dưỡng động vật ở đây khá phổ biến.
Đồ đá trong di chỉ Gò Hội cũng khá đa dạng, gồm 433 hiện vật với nhiều loại hình, chiếm số lượng lớn là bàn mài làm từ chất liệu sa thạch, đá cuội và bên cạnh đó còn khá nhiều rìu, bôn, đục, mũi nhọn, mảnh vòng… được chế tạo từ đá ngọc Nephrite và đá bazan. Các bàn mài đá ở đây rất nhiều, bao gồm nhiều kích thước khác nhau, trên thân bàn mài có các dấu mài rãnh, mài phá phản ánh kỹ thuật mài của cư dân Gò Hội thời kỳ Phùng Nguyên, bên cạnh đó là các loại rìu, bôn đá kích thước nhỏ, hình tứ giác được mài nhẵn toàn thân và các mảnh vòng đá được chế tác tinh xảo thể hiện trình độ kỹ thuật chế tác đồ đá đã đạt đến đỉnh cao với các kỹ thuật cưa, khoan, mài... cũng như tư duy thẩm mỹ của cư dân Gò Hội thời bấy giờ.
Tháng 12 năm 2004 Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch Sử - Trường ĐH KH XH &NV Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Vĩnh Phúc đã tiến hành khai quật di chỉ khảo cổ học Thành Dền với 2 hố đào với diện tích 36 m2.
Di chỉ thành Dền thuộc thôn Phú Mỹ, xã Tự Lập huyện Mê Linh (nay thuộc thủ đô Hà Nội). Cách thị xã Phúc Yên 4km về phía đông bắc, cách sông Hồng 4km về phía nam, sông Cà Lồ 1, 5km về phía tây, cách thành Hạ Lôi, Mê Linh 6km về phía đông nam và đồi Thanh Tước 2km về phía đông. Di chỉ có toạ độ địa lý là 210121’48’’ vĩ độ Bắc và 105040’420’’ kinh độ Đông, nằm trên một khu đất cao xung quanh những ruộng trũng thấp hơn so với gò trung bình khoảng 0,8m.
Kết quả khai quật cho thấy ngoài sự phong phú về loại hình di tích, hiện vật cũng chiếm số lượng lớn với đồ đá, đồ đồng, xương, gốm… đồ gốm chiếm số lượng lớn nhất về hiện vật, phong phú về loại hình như: nồi, bát, dọi xe chỉ, bi gốm, chạc gốm, tượng gốm, chì lưới, mảnh khuôn, mảnh nồi nấu đồng và rất nhiều các mảnh gốm thuộc các giai đoạn từ Phùng Nguyên, Đồng Đậu đến Gò Mun trong đó đồ gốm Đồng Đậu chiếm số lượng nhiều nhất điều đó chứng tỏ tính chất của di chỉ thành Dền thuộc giai đoạn văn hoá Đồng Đậu.
Cùng với đồ gốm là 198 hiện vật đá bao gồm: rìu, bôn, đục, mũi nhọn, dũa, bàn mài, chày nghiền, đồ trang sức, khuôn đúc.. và rất nhiều mảnh vỡ công cụ. Đồ đá ở đây rất đẹp, phản ánh trình độ chế tác đá đạt đến đỉnh cao phản ánh trình độ và thẩm mỹ của cư dân thành Dền.
Hiện vật đồng gồm 51 hiện vật bao gồm rìu, mũi nhọn, mũi tên, lưỡi câu, dây đồng... và rất nhiều xỉ đồng. Hiện vật đồng ở đây một lần nữa cho thấy cư dân thành Dền có nghề đúc đồng khá phát triển. Ngoài ra còn một số hiện vật xương bao gồm các mũi nhọn và các mảnh xương vỡ khó xác định loại hình.
Tháng 12 năm 2006 Bảo tàng Lịch sử Việt Nam kết hợp với Viện khảo cổ & Văn vật Tứ Xuyên; Viện khảo cổ & Văn vật Thiểm Tây (Trung Quốc); Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) tiến hành khai quật Di chỉ Nghĩa Lập với 9 hố đào, tổng diện tích khoảng 200m2.
Di chỉ khảo cổ học Nghĩa Lập là một gò đất cao (gọi là Gò Chùa) thuộc thôn Nghĩa Lập, xã Nghĩa Hưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Di chỉ rộng khoảng 26.000m2, có toạ độ địa lý vào khoảng 1050 29’35’’ vĩ độ Bắc, 21017’57’’ kinh độ Đông, cách sông Phan khoảng 200m về phía Tây, cách sông Phó Đáy khoảng 2, 5 km về phía Tây Bắc.
Di chỉ được phát hiện vào năm 1962, cho đến nay đã có ba lần thám sát (từ năm 1963-1967) và hai lần khai quật.
Qua báo cáo khai quật sơ bộ của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thì trong lần khai quật thứ 2 này, trên 6 hố đào đã phát hiện số lượng di vật hết sức phong phú.
Đồ đá với hơn 100 hiện vật chiếm số lượng lớn hơn cả là rìu, bôn, bàn mài… Có những hiện vật mới được phát hiện thêm trong đợt khai quật này như: Bàn đập vỏ cây, mũi tên, mảnh vòng đa giác và một chiếc trâm cài tóc.
Đồ gốm với số lượng hiện vật rất phong phú, bao gồm các mảnh vỡ của các loại: Nồi, bình, thố, bát, dọi xe chỉ, chạc gốm, bi gốm và tượng động vật. Đồ gốm ở đây mang đặc trưng gốm Phùng Nguyên với hoa văn thừng, hoa văn khắc vạch từ đơn giản đến phức tạp... Ngoài các loại hoa văn nói trên còn có nhiều hiện vật gốm được trang trí bằng cách tô thổ hoàng hay tô chì.
Điều đặc biệt trong đợt khai quật này các nhà Khảo cổ học còn phát hiện được một ngôi mộ cổ, huyệt mộ chạy theo trục Đông - Tây, lệch nam khoảng 100. Di cốt được chôn theo tư thế nằm ngửa, hai tay bó sát thân, đầu quay hướng đông, mặt hơi nghiêng về phía bên tay phải. Di cốt còn khá nguyên vẹn, hiện vẫn chưa xác định được tuổi, giới tính của di cốt này. Tuy nhiên cũng có thể giám định được niên đại của di cốt qua đồ tuỳ táng được chôn theo trong mộ là một bát bồng có chân hình trụ cao 23 cm, đường kính miệng 30 cm. Bát được làm từ chất liệu gốm thô pha nhiều cát, xương gốm màu hồng nhạt, mặt ngoài bát trang trí hoa văn khắc vạch mang đặc trưng thời kỳ Văn hoá Phùng Nguyên.
Qua lần khai quật này có thể thấy Di chỉ Nghĩa Lập không chỉ là một di chỉ cư trú mà còn là di chỉ mộ táng. Có thể nói ngay từ thời kỳ Phùng Nguyên ở đây đã hình thành một làng nông nghiệp và có sự trao đổi giao lưu với các khu vực lân cận. Người Nghĩa Lập sớm có cuộc sống ổn định với nghề nông nghiệp và nghề chăn nuôi bên cạnh đó là các nghề thủ công làm gốm, xe sợi, dệt vải…
Như vậy sưu tập hiện vật qua các đợt khảo sát và khai quật khảo cổ học đã cho thấy được đời sống vật chất và tinh thần phong phú của cư dân Việt cổ ở Vĩnh Phúc. Bên cạnh nền kinh tế nông nghiệp, các nghề thủ công nghiệp như: chế tác đồ đá, đồ gốm, đồ đồng, xe sợi và dệt vải cũng phát triển mạnh mẽ.
Nhìn chung qua các sưu tập hiện vật đã được sưu tầm và các di tích được phát hiện, khai quật đã góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu văn hoá tiền sơ sử Vĩnh Phúc nói riêng và văn hoá Việt Nam nói chung, góp phần quan trọng trong việc bổ sung sưu tập hiện vật tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc.
Hiện nay các di vật trên đã và đang được Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc lập hồ sơ khoa học, kiểm kê bảo quản và trưng bày tại gian long trọng của Bảo tàng tỉnh nhằm giới thiệu cho khách tham quan hiểu thêm về vùng đất và con người Vĩnh Phúc trong tiến trình lịch sử dân tộc.
ST