Tết đến xuân về là điểm khởi đầu cho một năm mới với nhiều mong ước, khát vọng mới tốt đẹp. Và vào dịp đầu xuân năm mới, người Việt Nam thường có phong tục đi lễ chùa và xin chữ đầu năm. Phong tục này đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống mỗi người Việt Nam.

Tục đi lễ chùa và xin chữ đầu xuân năm mới
Cửa chùa đất Phật là chốn bình yên, thanh tịnh. Với mong muốn tìm được sự bình an, gạt bỏ đi những muộn phiền, lo âu của năm cũ và cầu mong những may mắn, hạnh phúc trong năm mới, vào đêm 30, sau khoảnh khắc giao thừa vừa đến hoặc sang năm mới, mọi người lại rủ nhau đi lễ chùa, hái lộc cầu may.
Người Việt tin rằng, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ là để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Về nơi cửa phật, giữa không gian thanh tịnh, mùi khói nhang, sắc màu của đèn hoa, mỗi chúng ta sẽ cảm thấy lòng mình trở nên nhẹ nhàng, thanh thản hơn.
Không chỉ có tục đi lễ chùa đầu năm, người Việt Nam còn có một nét đẹp văn hóa nữa là xin chữ đầu năm. Hình ảnh ông đồ bày mực tàu giấy đỏ, nắn nót thảo từng nét chữ đã và đang được tái hiện lại trong dịp đầu năm mới. Những hình ảnh tưởng xưa cũ thì nay đang dần được khôi phục lại. Đây là nét văn hóa thể hiện sự trọng chữ nghĩa, tri thức và cũng là mong muốn xin cho được con chữ lấy may mắn, cầu một năm tài lộc, phúc thọ.

Xin chữ đầu năm thể hiện sự trọng chữ nghĩa, tri thức và cũng là mong xin được con chữ lấy may mắn
Tết Nguyên Đán đang đến rất gần, chúng ta chỉ còn đếm từng ngày để đón chờ thời khắc chuyển gia năm cũ sang năm mới. Cùng đón một cái Tết ấm áp và hạnh phúc bên người thân, cùng nhau đi lễ chùa đầu năm, đi xin chữ, đi trẩy hội xuân…
ST