Mùi thơm đặc trưng của gạo nếp, nhân đỗ xanh phả vào không gian, ngay khi bước chân đến đầu làng bánh chưng Diệm Xuân (xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường) khiến chúng tôi cảm nhận như Tết Nguyên Đán đã về nơi đây.
Về Diệm Xuân những ngày giáp Tết, chứng kiến không khí tấp nập làm bánh trong mỗi gia đình làm nghề mới thấu hiểu hết tình cảm và sự gắn bó của người dân nơi đây với nghề truyền thống được truyền lại từ thời cha ông. Trong những ngày này, từ người già đến trẻ nhỏ đều được huy động rửa lá, thái thịt, trộn nhân, gói, luộc và vớt bánh. Ông Nguyễn Đình Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Việt Xuân cho biết: Nghề gói bánh chưng xuất hiện ở làng Diệm Xuân vào khoảng đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Ban đầu, người dân chỉ gói những chiếc bánh chưng nhỏ để bán cho khách đi tàu nghỉ ở ga Bạch Hạc (Việt Trì) để ăn và làm quà biếu. Dần dần, các hộ không chỉ bán tại địa phương mà làm với số lượng lớn, bán buôn và bán lẻ cho các tiểu thương tại các chợ trong tỉnh và Phú Thọ. Trải qua nhiều thế hệ đúc kết kinh nghiệm, người dân Diệm Xuân đã thuần thục kỹ năng đong đếm gia vị vừa miệng và đặc biệt là gói bánh không cần khuôn mà vẫn vuông đẹp, bánh cầm chắc nịch. Tuy nhiên, trước những thay đổi của cơ chế thị trường, số hộ làm nghề trong làng ngày càng ít đi. Nếu như trước đây có đến hàng trăm hộ trong làng làm nghề thì đến nay, cả thôn chỉ còn trên 20 hộ giữ nghề. Nguyên nhân chủ yếu là do sự phát triển nhanh của các khu công nghiệp trong tỉnh và Phú Thọ, kéo theo một lực lượng lớn thanh niên đi làm. Bên cạnh đó, không ít các hộ khác chuyển sang các nghề mới, cho thu nhập khá hơn, chỉ còn lại một số gia đình trung niên đã gắn bó lâu đời với nghề.
Từ lâu, bánh chưng Diệm Xuân truyền thống nức tiếng xa, gần với chất bánh dền, dẻo đặc trưng nhờ những bí quyết riêng. Theo anh Phan Bá Miền, người đã có thâm niên 20 năm gói bánh chưng trong làng, để có được bánh ngon, đều chằn chặn, chắc nịch tới tay khách hàng phải chọn nguyên liệu làm bánh ngon, nước luộc bánh phải là nước trong lấy từ trên đồi và tuân thủ nghiêm ngặt đầy đủ quy trình nấu từ lúc đun lửa to, lửa nhỏ để bánh không quá mềm hay cứng. Gạo gói bánh người làng hay chọn mua là loại nếp cái hoa vàng hoặc nếp thơm, dẻo, hạt đều, được trồng ở các tỉnh: Hà Nam, Thái Bình, Nam Định… Lá dong phải là lá bánh tẻ, cuống mỏng, lá dày, được lấy từ: Hà Giang, Yên Bái. Đỗ cũng phải là loại đỗ ngon, thơm, dẻo; nhân bánh sánh quyện giữa đỗ xanh với thịt nửa nạc, nửa mỡ khiến người thưởng thức bánh cảm thấy không quá ngấy. Tưởng chừng như cái nghề cần sự khéo khéo, tỉ mỉ là thế chỉ dành cho các chị, các mẹ nhưng ở làng nghề Diệm Xuân thì tài nghệ của những đấng “mày râu” không hề kém cạnh. Tay vừa thoăn thoắt cắt, gấp lá dong và múc từng bát gạo kèm nhân đỗ thịt, chỉ trong vài phút, anh Miền đã gói xong một chiếc bánh. Chia sẻ với chúng tôi, anh Miền cho biết: “Gia đình tôi làm bánh chưng quanh năm, trung bình mỗi ngày chỉ làm từ 50 - 60kg gạo, song vào thời điểm giáp Tết, tùy theo số lượng đơn đặt hàng mà lượng bánh làm cũng tăng cao gấp 2-3 lần so với ngày thường. Chính vì vậy, gia đình phải thuê thêm 3-4 nhân công để kịp tiến độ giao hàng”. Còn với gia đình ông Hà Trọng Tấn, trú cùng thôn, thứ nghề truyền thống này đã gắn bó 2 thế hệ của gia đình. Mỗi ngày, trung bình gia đình bác Tấn gói 20kg gạo, vào những ngày cận Tết, số lượng bánh đặt tăng gấp 3 lần, chủ yếu là khách lấy buôn trong tỉnh. Vì thế, nếu như ở các vùng quê khác, giáp Tết là thời điểm các gia đình tất bận đi chợ, mua sắm, trang hoàng nhà cửa thì ở Diệm Xuân đó lại là những ngày bận bịu nhất trong năm. Mọi công việc chuẩn bị cho Tết đã được các gia đình tranh thủ làm từ nhiều ngày trước đó để tập trung làm đủ đơn hàng, xuất bán cho các tiểu thương đúng hẹn.
Theo các hộ làm bánh trong làng, năm nay, giá cả các loại nguyên liệu vẫn bằng năm ngoái nên giá mỗi chiếc bánh so với mọi năm cũng không thay đổi; bánh loại nhỏ giá từ 10-15 ngàn đồng/chiếc bánh và 20 ngàn đồng/chiếc bánh loại lớn. Với hương vị thơm ngon đặc trưng, từ nhiều năm nay, bánh chưng Diệm Xuân đã có mặt ở nhiều địa phương: Từ các địa phương trong tỉnh như: Yên Lạc, Vĩnh Yên, Phúc Yên đến thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Tuyên Quang… Không chỉ được bán tại các chợ truyền thống, những năm gần đây, nhiều khách sạn, nhà hàng, trong các hội nghị hay tiệc cưới hỏi của bà con các vùng lân cận, bánh chưng Diệm Xuân cũng đã có mặt trên mâm cỗ. Không chỉ gói bánh chưng, các hộ trong làng còn gói cả bánh dày, bánh giò… để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người dân, giúp tăng thêm thu nhập. Nhờ thứ nghề truyền thống này, biết bao thế hệ gia đình làm nghề trong làng đã nuôi nấng con em khôn lớn, học hành và thành đạt.
Chúng tôi dời Diệm Xuân khi những căn bếp bập bùng lửa cháy luộc bánh suốt ngày đêm. "Không có bánh chưng, dưa hành thì chưa thành Tết". Và bánh chưng Diệm Xuân vẫn sẽ mãi tồn tại như một nét văn hóa ẩm thực truyền thống, một thức quà "đặc sản" níu chân mỗi thực khách mỗi khi dừng chân nơi đây
ST