Cập nhật: 09/02/2017 09:21:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đình Sơn Bao (đình Bàu) tọa lạc tại làng Bàu - Liên Bảo - Vĩnh Yên. Đình thờ ba vị thành hoàng là: Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn Đại Vương, Quý Minh Đại Vương. Tương truyền là ba vị thần sinh ở vùng núi Tản Viên, có công giúp vua Hùng Duệ Vương đánh giặc, bảo vệ đất nước nên khi hóa được phong là “Tản viên sơn tam vị đại vương”.

Ngược dòng thời gian sử sách lưu truyền lại:

Nước Việt ta thời kỳ mở nước, vào đời vua Hùng 18, dưới sự trị vì của Hùng Duệ Vương, ở Gia Viễn, Hưng Hoá đạo Sơn Tây có một gia đình họ Nguyễn, sinh được 2 người con trai, cả 2 anh em tuổi đã cao nhưng vẫn chưa có con để nối dõi.

Một hôm hai anh em ông gặp một ông già râu tóc bạc, đầu đội mũ Bách Tinh. Ông già thấy hai người phúc hậu nên nói với hai người: ta thấy gò đất ở Kim Nhanh núi Thu Tính thuộc Hoan Châu rất đẹp, nếu hai người mang hài cốt thân phụ các ngươi táng ở đó sẽ ắt sinh ra bậc thánh từ, nói xong, ông già biến mất.

 

Lễ đón nhận bằng di tích lịch sử Đình Sơn Bao

Hai ông trở về nhà làm theo lời ông già dặn, chưa đầy 2 năm sau quả nhiên phu nhân của hai ông đều mang thai và vợ ông anh sinh được 1 người con trai, vợ ông em sinh được 1 bọc 2 con trai, cả 3 người đều có phong thái đĩnh đạc, khí chất hiên ngang khác thường. Hai nhà vui mừng đặt tên cho con của ông anh là Nguyễn Tuấn, còn 2 con của người em đặt tên là Nguyễn Sùng và Nguyễn Hiền. Đến tuổi trưởng thành cùng tìm thầy để học, nhờ tư chất thông minh cả 3 người đều rất tài giỏi, cả cung tên và binh pháp khiến cho bạn bè trang lứa ai nấy đều khâm phục. Đến năm 3 anh em 17 tuổi, chỉ trong 1 năm cả thân phụ, thân mẫu 3 người đều lần lượt qua đời. 3 anh em rất thương xót chọn phần đất quý làm lễ an táng, giữ việc hương đèn, phụng thờ theo nghi thức. Sau 3 năm khi đã mãn tang cha mẹ, việc hiếu đã trọn, 3 anh em cùng nhau lên núi Tản Viên linh thiêng và được Ma thị Thần Nữ nhận làm con nuôi.

Một ngày nọ trên núi Tản linh thiêng, có một ông già tay cầm gậy trúc từ trên trời giáng thẳng xuống. Nguyễn Tuấn lấy làm kinh sợ, ông cúi đầu bái tạ nhờ ông tiên cứu giúp. Ông già trao gậy thần và truyền phép chú của mình rồi dặn rằng “gậy này đầu trên cứu chúng sinh, đầu dưới trừ ác. Chỉ vào núi, núi sạt; chỉ vào sông, sông cạn; chỉ vào lửa, lửa tắt; chỉ vào gỗ, gỗ gãy. Khanh hãy cẩn thận giữ gìn chớ có xem thường”. Nói xong ông già biến mất.

Từ đó Nguyễn Sùng và Nguyễn Hiền ở nhà phụng dưỡng mẹ nuôi, còn Nguyễn Tuấn chu du thiên hạ cứu vớt dân sinh, quá trình chu du ông đã cứu được rất nhiều người. Một hôm ông cứu được long cung Thái tử con vua Thuỷ tề, vua Thuỷ Tề rất cảm kích mà ban tặng cho ông cuốn “ước thư”. Phán là ước điều gì sẽ được như ý. Nguyễn Tuấn lúc đó vừa có gậy vừa có ước thư nên thường cứu hoạ đem phúc cho đời. Được người đời gọi là Tản Viên Sơn Thánh.

Ngày đó, đời vua Hùng thứ 18 (Hùng Duệ Vương) sinh được 20 hoàng tử và 6 nàng công chúa nhưng đều qua đời chỉ còn lại 2 nàng công chúa, một nàng tên Tiên Dung được gả cho Chử Đồng Tử, một nàng là Ngọc Hoa công chúa đang đến tuổi kén chồng. Nhà vua ban chiếu trong thiên hạ tìm người thông minh tài trí, đức độ, anh hùng lập làm phò mã.

Tản Viên Sơn Thánh cùng 2 người em tìm đường về kinh thành dự thi và được nhà vua kén làm phò mã. Sơn Thánh đón công chúa về Sơn Động, 2 người em lại giúp việc chính sự cho nhà vua và được nhà vua cho đi khắp mọi nơi, giúp đỡ dân chúng trong thiên hạ, dạy dân làm ăn, phát triển sản xuất.

Lúc bấy giờ Hùng Duệ Vương đã 105 tuổi, các hoàng tử đã lần lượt về nơi tiên cảnh, Chúa Thục thấy vậy liền thừa cơ dậy binh, cầu viện các nước láng giềng đến xâm lấn. Nhận được tin cấp báo, Tản Viên Sơn Thánh cùng các tướng lãnh về triều bàn kế đánh giặc. Tản Viên Sơn Thánh xin thay nhà vua cầm quân đánh giặc, quân ta chiến đấu dũng cảm phi thường, quân Thục thất bại, nhà vua ban chiếu thu quân rồi phong thưởng cho các tướng sĩ theo cấp bậc khác nhau.

 

Sau khi đánh thắng quân Thục, nhà vua triệu con rể là Tản Viên Sơn Thánh về triều để nhường ngôi, Sơn Thánh từ chối không nhận, tấu lên vua rằng: Cơ đồ 18 đời vua do trời định đoạt, vả lại chúa Thục Phán cũng thuộc tôn phái nhà Hùng chẳng bằng cách nhường nước cho ông ta. Vua Hùng Duệ Vương nghe theo, liền triệu Thục Phán đến nhường ngôi rồi cùng Sơn Thánh, Cao Sơn, Quý Minh thăng thiên hoá sinh bất diệt.

Cũng như nhiều nơi khác trên đất Vĩnh Phúc, nhân dân thôn Sơn Bao (làng Bàu) xưa cũng theo lệnh vua mà lập một nơi thờ cúng các ngài. Sau này, nơi đây nhân dân dựng thành đình tôn thờ các vị làm thành hoàng làng, hương hoả muôn đời không dứt.

Đình Sơn Bao thuộc loại di tích kiến trúc nghệ thuật. Dựa vào các tài liệu còn lại có thể khẳng định được khởi xây dựng từ đời vua Cảnh Hưng năm thứ 18 - 1758. (Hiện nay tại đình vẫn còn lưu giữ một bia đá ghi lại việc ông Hoàng Bá Trực công đức cho đình nhân việc làng dựng đình). Ngôi đình Sơn Bao trước đây có quy mô lớn, khung đình chịu lực được làm bằng gỗ Tứ Thiết, năm 1943, khu vực đình bị ném bom gây hư hại cho đình. Sau đó nhân dân đã tiến hành tu sửa lại. Năm 1951 thực dân Pháp tiến hành xây lô cốt tại khu vực núi Bàu, chúng cho đốt phá ngôi đình cổ, năm 1952 nhân dân đã tiến hành dựng lại đình tạm bằng tre, gỗ để thờ cúng thành hoàng.

Đầu những năm 1990 của thế kỉ XX, được sự quan tâm của Đảng, chính quyền các cấp. Nhân dân làng Bàu đóng góp tiền của công sức để xây dựng tại ngôi đình Sơn Bao gồm 2 toà kiểu chuôi vồ, năm 2004 xây dựng thêm 3 toà tiền tế gan dĩ. Hiện nay đình Sơn Bao có quy mô 3 toà tiền tế 3 gian 2 dĩ, trung tế 3 gian và hậu cung 1 gian, diện tích sử dụng 109,5m2 gồm 16 cột chịu lực bằng bê tông, vì kèo dàn tay được làm bằng gỗ, mái lợp ngói mũi ở các góc mái tạo thành các đầu đao với những hình rồng, trên bờ nóc lắp hình lưỡng long chầu nguyệt tạo nên vẻ thâm nghiêm cổ kính của một ngôi đình làng truyền thống.

Về di vật trong di tích, trong kháng chiến chống thực dân Pháp đã bị phá huỷ hoàn toàn,  các tài liệu quý như sắc phong cũng không còn nữa, hiện nay đình chỉ còn lưu trữ được một bia đá khắc chữ: “ Hậu thần bi kí”, bia một mặt, dài 74cm, rộng 38cm, dày 10cm gồm 12 dòng chữ mỗi dòng có 3 đến 28 chữ. Bia được tạo từ năm Vua Cảnh Hưng thứ 19.

Hiện vật mới gồm: đồ gỗ, đồ sứ, đồ đồng như ngai thờ, đài nước, hạc đứng trên lưng rùa, hạc nhỏ, án gian, kiều dài, hoành phi câu đối, bộ chấp kích, trống, chuông, đỉnh đồng … đều được mua sắm công đức vào đình đầy đủ theo lễ nghi.

Trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử và biến cố của thời gian, ngọc phả đình Sơn Bao được hàng ngàn thế hệ lưu truyền gìn giữ, vào những năm 1949, 1950 trong cuộc kháng chiến chống Pháp đình Sơn Bao bị tàn phá, sắc phong vua ban cho đình cũng bị thất lạc. Trong những năm gần đây nhân dân làng Bàu đoàn kết chung sức chung lòng và được các cấp chính quyền quan tâm, các doanh nghiệp cùng các nhà hảo tâm, khách thập phương công đức tiền của, công sức để trùng tu sửa sang, xây dựng ngôi đình trên đất cũ ngày càng đàng hoàng to đẹp hơn. Việc quản lý di tích được thực hiện giao cho chi hội người cao tuổi làng Bàu, tại đình còn có cụ từ thường xuyên trông coi lo việc đèn hương, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của nhân dân và du khách thập phương./.

ST

Tệp đính kèm