Quảng Uyên (tỉnh Cao Bằng) có nghê làm ngói máng truyền thống (còn gọi là ngói âm dương). Không ai nhớ chính xác nghề làm ngói máng ở xã Tự Do có từ bao giờ, nhưng sản phẩm ngói máng ở xã Tự Do xuất hiện trên những mái nhà sàn của đồng bào Tày, Nùng khắp các bản làng gần xa đã có thâm niên hàng trăm năm lịch sử. Trải qua bao thăng trầm, đến nay người dân ở xã Tự Do vẫn duy trì, gìn giữ nghề truyền thống của cha ông để lại
LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG TRĂM NĂM TUỔI
Đến đầu xã Tự Do, những lán trại dựng lên để làm ngói chạy dọc hai bên đường bên cạnh những lò nung được xây dựng bằng đá. Khi được hỏi về nghề truyền thống này, ông Hoàng Văn Cầu, xóm Lũng Rì - người có kinh nghiệm gần 50 năm làm ngói cho biết: theo các cụ kể lại, nghề làm ngói máng có lịch sử khoảng 200 năm trước ở xóm Lũng Rì và Lũng Các, sau đó lan xuống xóm Kéo Rỏn. Gia đình ông có 5 đời làm ngói máng. Thời kỳ hưng thịnh nhất của nghề làm ngói máng là từ sau năm 1979 đến khoảng đầu những năm 2000. Cả xã có khoảng 150 hộ làm ngói, tập trung ở 3 xóm: Kéo Rỏn, Lũng Rì, Lũng Các. Mỗi hộ làm trung bình 2 - 4 vạn viên ngói/năm. So với một số địa phương khác, sản phẩm ngói máng Tự Do có màu sắc đẹp và chất lượng tốt, dùng lợp mái nhà rất thoáng mát nên một thời sản phẩm làm ra không kịp đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ngói được chở đi khắp các chợ phiên trong tỉnh, nhờ đó đời sống của người dân cũng được nâng lên.
Những ngôi nhà sàn được lợp bằng ngói máng là hình ảnh thường thấy ở nhiều địa phương trong tỉnh Cao Bằng.
Theo ông Cầu, để làm ra sản phẩm ngói máng đạt chất lượng tốt phải trải qua rất nhiều công đoạn phức tạp, mất vài tháng trời. Khâu đầu tiên và cũng rất quan trọng để làm ngói máng là người thợ phải đi tìm nguồn đất, xác định được khu vực có đất tốt rồi đào, bỏ lớp đất mặt lên, lấy tay lăn viên đất cho dài ra nhỏ bằng đầu ngón tay út mà không bị đứt gãy thì đất đó mới đạt tiêu chuẩn để làm ngói. Sau đó tiến hành đào hố, bóc tơi đất, lọc đất sao cho không được dính đất tạp, cát, đá rồi cho nước vào ngâm. Sau 10 ngày ngâm đất thì đưa trâu vào dẫm đất khoảng 4 - 5 ngày cho nhuyễn. Đất sau khi đã làm nhuyễn chuyển về đắp thành đống trong lán làm ngói, phủ nilon kín để không bị khô. Trước khi tiến hành làm ngói, lấy đất ra đắp thành một khối trụ, dùng một phần đất tạo thành hình hộp chữ nhật, cắt đất thành những lát mỏng có bề dày chừng 1cm rồi đem miếng đất đấy đặt vào một chiếc khuôn gỗ. Sau khi lấy miếng đất xếp vào khuôn, khéo léo miết quanh thành khuôn cho đều đặn rồi mang ra phơi. Sân phơi được rải một lớp trấu tạo mặt phẳng và để ngói không bị dính xuống nền đất. Khâu cuối cùng là đem xếp ngói vào lò nung. Với những người có kinh nghiệm lâu năm, khi xếp ngói vào lò phải biết cách xếp các loại ngói chịu được lửa nhiều và ít cho hợp lý. Nhóm lửa đun khoảng 4 ngày, 4 đêm, đun lửa đều để ngói không bị sống hoặc cháy. Mỗi lò sẽ cho ra khoảng 15.000 - 18.000 viên ngói. Ngói máng sản xuất ở Tự Do có chất lượng tốt, khi lợp mái nhà nếu không bị gió lốc làm vỡ hay bị lá cây rơi xuống làm ẩm ướt nhiều thì độ bền có thể lên đến vài chục năm.
Về nghề làm ngói máng, anh Lâm Văn Bào, Trưởng xóm Lũng Rì, cũng là một hộ làm ngói máng cho biết: Trước đây, cả xóm có trung bình trên 60 hộ làm ngói, nghề làm ngói máng đã giúp cho nhiều hộ dân thoát khỏi đói nghèo, thế nhưng khoảng 2 - 3 năm gần đây, tình hình tiêu thụ sản phẩm có xu hướng giảm mạnh, số hộ bỏ nghề tăng, hiện cả xóm chỉ còn khoảng 10 hộ duy trì.
CẦN TÌM HƯỚNG ĐI MỚI CHO SẢN PHẨM NGÓI MÁNG
Cùng với Lũng Rì, xóm Kéo Rỏn cũng là một trong những xóm trước đây có nhiều hộ làm ngói. Ông Lục Văn Mậu, Bí thư Chi bộ xóm Kéo Rỏn cho biết thêm, những năm trước đây, cả xóm có khoảng 80% số hộ làm ngói. Tại các lò ngói ở xóm, người dân mọi lứa tuổi đều miệt mài với nghề, bởi ngói máng lúc đó được xem là một nghề mang lại thu nhập cao. Cứ vào dịp tháng 10, tháng 11 âm lịch hằng năm, thợ làm ngói làm ngày, làm đêm cũng không hết việc, vì thời gian này, đồng bào các dân tộc thường dựng nhà mới. Làm ngói máng rất vất vả, thậm chí nguy hiểm. Để có đất tốt làm ngói phải dậy từ sáng sớm lên núi tìm đất sét rồi gánh về, mỗi ngày gánh được hơn 10 gánh. Trung bình, phải gánh hơn 150 gánh đất sét rồi pha thêm một lượng đất tương đương mới đủ để làm được 1 lò ngói. Trước đây, giá ngói ổn định, 1.000 viên ngói có giá 1,6 - 1,7 triệu đồng. Những năm gần đây, giá ngói có lúc xuống 1,2 triệu đồng/1.000 viên. Hiện nay, đất trong xóm cạn dần, phải đi mua đất ở các xã khác, giá củi đốt lò cũng cao. Trung bình mỗi lò ngói phải tốn vài xe củi, người dân phải bỏ tiền ra gần chục triệu đồng nên mỗi lò ngói bán ra lãi không được nhiều. Dù biết giá củi đắt nhưng đây là nguyên liệu không thể thay thế bởi nếu dùng than đốt sẽ không điều chỉnh được nhiệt độ trong từng giai đoạn khi nung lò. Do sản phẩm làm ra khó cạnh tranh nên tất cả các hộ trong xóm đã bỏ nghề.
Người dân xóm Lũng Rì, xã Tự Do làm ngói máng.
Theo Phó Chủ tịch HĐND xã Tự Do Lương Văn Câu, vài năm trở lại đây, các sản phẩm gạch ngói cùng loại tiện dụng, giá thành lại rẻ đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường khiến ngói làm bằng thủ công của người dân nơi đây bị mất dần vị trí. Cả xã chỉ còn khoảng 20 hộ duy trì làm ngói ở xóm Lũng Rì và Lũng Các, nhưng các hộ cũng sản xuất ít, mỗi năm khoảng 1 lò. Mong mỏi của bà con nơi đây là nghề làm ngói được các cơ quan, ban, ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ để vực dậy, tìm đầu ra cho sản phẩm ngói máng, như vậy làng nghề làm ngói máng truyền thống mới tồn tại và phát triển bền vững. Thời gian tới, để tiếp tục duy trì, phát triển và bảo tồn nghề truyền thống làm ngói máng, xã sẽ tuyên truyền cho những thợ làm ngói chịu khó học hỏi kinh nghiệm làm ngói ở các tỉnh, thành trong cả nước để cải tiến mẫu mã, tạo ra sản phẩm phong phú, chất lượng hơn mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Không chỉ đàn ông, nhiều phụ nữ trong xã Tự Do cũng biết làm ngói máng.
Sưu tầm