Cập nhật: 24/03/2017 14:31:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Khách du lịch nước ngoài trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm ở bản Tả Van. Ảnh: LÊ VĂN 

Chuyến xe đưa chúng tôi lên đến hai xã Lao Chải và Tả Van thuộc huyện Sa Pa (Lào Cai) vào sáng sớm, khi sương mù còn bao trùm khắp cỏ cây, đồi núi. Cảnh vật hiện lên huyền ảo như một bức tranh thủy mặc với những mái nhà thấp thoáng ẩn hiện trong các vườn đào nở muộn, khoe sắc hồng.

Lao Chải và Tả Van nằm trong thung lũng, giữa dãy Hoàng Liên Sơn và núi Hàm Rồng, cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng bảy km. Đây là nơi sinh sống của các dân tộc thiểu số như: Mông, Dao, Tày, Giáy… Không gian nơi đây yên bình, không náo nhiệt như Sa Pa với các thửa ruộng bậc thang canh tác lúa và hoa màu trải dài khắp các triền núi, đồi, kéo dài đến tận cửa nhà. Người Giáy ở Tả Van và một số dân tộc thiểu số khác sinh sống chủ yếu bằng việc trồng trọt ở vùng đất thấp thuộc thung lũng gần nguồn nước để trồng lúa nước. Còn người Mông lại trồng ngô, sắn, lúa nương trên sườn đồi cao và những sườn núi phía sau bản. Thời gian ở Tả Van, chúng tôi được thưởng thức các món ăn truyền thống của người dân địa phương như: gà đồi nướng, thịt lợn bản, các loại bánh lá, xôi ngũ sắc, xôi nếp và hương vị đậm đà của rượu ngô, rượu táo mèo và nhất là rượu làm từ mận đỏ chỉ có ở đây. Không những thế, khách du lịch còn được hướng dẫn để tự mình chuẩn bị bữa ăn bằng những sản vật có sẵn từ núi rừng. Tại Tả Van, có một điều làm khách du lịch rất hào hứng, đó là được hóa thân thành những trai bản người Giáy hay người Dao, người Mông trong những bộ trang phục dân tộc đẹp mắt để chụp ảnh. Gần đó là bãi đá cổ với nhiều họa tiết hoa văn bí ẩn khắc trên phiến đá, chứa đựng những thông điệp của các cư dân cổ bản địa...

Loại hình du lịch - dịch vụ cộng đồng (homestay) lần đầu được triển khai ở Tả Van là vào năm 1997 do ông Hoàng Văn Mục, một cựu chiến binh người Giáy khởi xướng. Nhận thấy nhu cầu của khách du lịch ngày càng quan tâm tìm hiểu văn hóa, lối sống của người dân bản mình và nhờ sự tích cực hướng dẫn của một số hướng dẫn viên du lịch, ông Mục đã bắt tay vào kinh doanh, cung cấp dịch vụ này cho khách. Riêng bản du lịch Tả Van hiện có khoảng hơn 150 hộ dân sinh sống và có tới hơn 50 hộ đăng ký làm mô hình du lịch cộng đồng (homestay), mỗi nhà sẽ có sức chứa từ 10 đến 20 người, trung bình vào mùa cao điểm mỗi ngày phục vụ từ 200 đến 300 khách. Du khách đến tham quan bản Tả Van sẽ được trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt với gia đình chủ nhà và tìm hiểu trực tiếp các phong tục tập quán của họ. Giá lưu trú một đêm tại Tả Van khá rẻ, dao động chỉ từ 50 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng tùy hạng phòng. Tuy nhiên, cũng có những phòng lưu trú cao cấp do các doanh nghiệp đầu tư xây dựng có giá lên tới hơn một triệu đồng/đêm.

Theo nhiều gia đình đang kinh doanh dịch vụ homestay ở hai xã Lao Chải và Tả Van cho biết: “Khách du lịch nước ngoài rất thích cảnh quan thiên nhiên và hứng thú tìm hiểu đời sống của dân địa phương, họ không quan trọng lắm các tiện nghi sinh hoạt. Còn đối với khách người Việt Nam thì chủ yếu là giới trẻ, những người yêu thích sự khám phá”. Những bữa ăn dân dã với món thịt rừng gác bếp, giấc ngủ chông chênh trên căn gác gỗ cùng tiếng chim rừng kêu có sức hút đặc biệt với khách du lịch. Việc giao tiếp với khách du lịch nước ngoài ban đầu khá khó khăn do người dân bản địa không biết tiếng Anh, việc gì cũng phải nhờ tới hướng dẫn viên du lịch. Dần dần, do nhu cầu, nhiều người trong bản đã đi học ngoại ngữ và về bản dạy lại cho những người khác, nhờ vậy mà sự giao tiếp trở nên dễ dàng hơn. Đến Lao Chải và Tả Van, khách còn được thưởng thức các màn ca múa đặc sắc, mang đậm bản sắc dân tộc, giúp đa dạng hóa và mang lại sức hấp dẫn cho du lịch cộng đồng, chứ không đơn thuần chỉ là dịch vụ lưu trú.

Tuy vẫn còn tình trạng chèo kéo khách mua đồ lưu niệm nhưng với sự nỗ lực từ chính quyền địa phương, Lao Chải và Tả Van đang vận động nhân dân chấm dứt tình trạng này để khách du lịch thật sự cảm thấy thoải mái và hòa nhập cuộc sống cùng đồng bào các dân tộc nơi đây.

 

Sưu tầm

 

Tệp đính kèm