Là địa phương nằm cách xa trung tâm huyện lỵ, điều kiện phát triển kinh tế khó khăn nhưng Quang Sơn hội tụ đầy đủ những nét đặc trưng văn hóa truyền thống Lập Thạch. Một trong những nét đặc sắc đó là tục hát soọng cô và gói bánh chưng gù trong ngày Tết của đồng bào Sán Dìu.
Là địa phương nằm cách xa trung tâm huyện lỵ, điều kiện phát triển kinh tế khó khăn nhưng Quang Sơn hội tụ đầy đủ những nét đặc trưng văn hóa truyền thống Lập Thạch. Một trong những nét đặc sắc đó là tục hát soọng cô và gói bánh chưng gù trong ngày Tết của đồng bào Sán Dìu.
Xã Quang Sơn có 12 thôn với 4 dân tộc anh em cùng sinh sống là Kinh, Sán Dìu, Cao Lan và Mường. Đồng bào Sán Dìu chiếm khoảng 10% dân số, tập trung ở 2 thôn Quảng Cư và Kiên Đình. Đoàn kết, hòa nhập với nhau nhưng đồng bào các dân tộc ở đây vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình.
Hát soọng cô là tục hát có từ lâu đời được người Sán Dìu truyền từ đời này sang đời khác. Đó là kiểu hát đối đáp với 3 cách: Hát vào ngày Tết, ngày hội để chúc tụng, hỏi thăm sức khỏe của nhau; hát khi tổ chức đám cưới để chúc mừng cho gia chủ, chúc phúc cho cô dâu, chú rể và hát trao duyên. Cả ba cách hát trên đều là nam hát- nữ ứng khẩu trả lời, có khi hát say sưa 3 đêm liền vẫn muốn hát tiếp không ngừng. Ngày nay, soọng cô được bổ sung thêm những lời hát ca ngợi cảnh đẹp quê hương đất nước, ca ngợi tình cảm sâu đậm của người dân tộc Sán Dìu đối với Bác Hồ.
Từng làn điệu soọng cô khi cất lên đều mang theo hơi thở của mùa xuân, của tình yêu thương con người, tình yêu cuộc sống và phảng phất âm hưởng núi rừng. Ai muốn hiểu và học được các cách hát soọng cô đều phải học thuộc một nguyên tắc bất biến của nó. Đó là khi hát đối, nam nữ phải cách xa nhau 2m; không được ngồi, đứng gần nhau; bên nào thua phải xin hát đối lại trong lần hát đối sau. Chính nguyên tắc này đã làm nên nét đẹp, sự trong sáng trong văn hóa hát đối của người Sán Dìu.
Bên cạnh làn điệu soọng cô đằm thắm, làm say lòng người, đến Quang Sơn vào mùa xuân này, du khách còn được thưởng thức vị ngon của bánh chưng gù mà đồng bào Sán Dìu ở đây quen gọi là nu may chỏng.
Đây là loại bánh không thể thiếu vào hai dịp tết chính của đồng bào là Tết đoan ngọ mùng 5- 5 và Tết nguyên đán. Nguyên liệu để làm bánh chưng gù vẫn là lá dong, lá chít, gạo nếp, đỗ xanh và thịt lợn ba chỉ. Lá dong, lá chít được rửa sạch bằng xơ mướp khô. Gạo nếp, đỗ xanh được đãi sạch bụi bẩn và ngâm qua rồi vớt ra để ráo. Công đoạn gói bánh chưng gù không khác công đoạn làm bánh chưng dài của người Kinh là mấy; vẫn là đặt lá dong xuống cuối cùng, trải lá chít lên trên, tiếp sau đó đổ gạo, đỗ xanh, thịt vào và gói lại. Điều khác biệt duy nhất giữa bánh tày của người Kinh và bánh chưng gù của người Sán Dìu là thay vì gói bánh dài ra và tròng đều 2 đầu thì chiếc nu may chỏng sẽ bẹt và nhọn 2 đầu giống như 2 sừng trâu, còn ở giữa sẽ nhô gù lên. Bánh được luộc trong khoảng 8 tiếng. Sau 4 tiếng đầu vớt ra thay nước và luộc tiếp, 4 tiếng sau, vớt ra nia và nhúng vào chậu nước lã, sau đó lại vớt ra, lăn đều trên nia, cuốn dây lạt lại. Thế là hoàn tất các công đoạn làm bánh.
Sau một thời gian bị mai một bởi nhiều lý do, mấy năm gần đây, với sự quan tâm của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, phong trào hát soọng cô đang dần phát triển trở lại không chỉ ở Quang Sơn mà cả các xã khác có đông đồng bào Sán Dìu sinh sống. Với người Sán Dìu ở Quang Sơn, nhất là các cụ cao niên, đây thực sự là niềm vui lớn bởi món ăn tinh thần của người lao động Sán Dìu, cũng là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, chất keo gắn kết xóm làng đã được khôi phục và gìn giữ, được lưu truyền cho các thế hệ sau.
Mùa xuân đang về mang theo hơi ấm và xóa dần đi cái lạnh giá của mùa đông. Xuân này lại mong có dịp trở lại Quang Sơn để vừa đắm mình trong từng câu hát, vừa thưởng thức vị ngon, vị béo của bánh chưng gù. Còn gì ấm áp hơn khi bên bếp lửa bập bùng, nồi bánh chưng sôi sùng sục, lắng nghe câu hát soọng cô cất lên dặt dìu, réo rắt, khi trầm ấm, lúc ngân cao:
Xuân cũ qua đi, xuân mới đến
Hoa mận đã tàn, hoa đào nở
Hoa mận đã tàn gió thổi bay
Hoa đào đang nở chờ em tới
để lại thấy lòng mình được gieo niềm hy vọng, niềm lạc quan khi một mùa xuân mới đang về.
Sưu tầm