Cập nhật: 18/04/2017 15:26:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Một trong những vấn đề có tính đột phá trên là phải thực hiện tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào sáng 18/4. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH vừa trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 18/4.

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) đề cập vấn đề thanh niên học nghề nhưng ra trường lại không có việc làm và đặt câu hỏi: “Bộ trưởng có giải pháp giải quyết tình trạng này thế nào?”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, các vấn đề liên quan tới đào tạo nghề và chất lượng nhân lực được pháp luật quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), được Quốc hội ban hành ngày 27/11/2014.

Hiện nay, hệ thống văn bản pháp lý hướng dẫn thực hiện Luật GDNN đã được ban hành khá đầy đủ (Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng LĐTB&XH đã ban hành 10 văn bản hướng dẫn thi hành Luật GDNN, gồm 3 nghị định của Chính phủ, 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 6 thông tư của Bộ LĐTB&XH). Những văn bản còn lại liên quan tới giáo dục, đào tạo trong lĩnh vực nghề nghiệp sẽ được các bộ, ngành tiếp tục xây dựng, thực hiện để tạo thuận lợi cho học sinh, sinh viên.

Cũng để triển khai Luật, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ LĐTB&XH đã xây dựng Đề án đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng GDNN với 10 nhóm giải pháp cơ bản: Xác định chuẩn GDNN; tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào GDNN; đổi mới cơ chế hoạt động cơ sở GDNN theo hướng tăng cạnh tranh, tự chủ, bảo đảm hiệu quả; đổi mới chương trình tuyển sinh; tổ chức đào tạo và đánh giá kết quả đào tạo; tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng nhu cầu đổi mới nâng cao chất lượng GDNN; quản lý chất lượng GDNN; tăng cường quản lý nhà nước GDNN; tăng cường truyền thông.

Trong 10 giải pháp này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chọn trọng tâm 3 vấn đề có tính đột phá. Thứ nhất là tìm cách tăng cường tính tự chủ trong hoạt động của cơ sở GDNN. Bộ trưởng cho rằng: “Tự chủ không phải khoán trắng, Nhà nước không hỗ trợ nữa mà là khuyến khích các trường hạch toán như doanh nghiệp, tự đào tạo, tự quyết định bộ máy, mã ngành. Nhà nước từng bước chuyển việc giao dự toán ngân sách Nhà nước sang đặt hàng dịch vụ của các cơ sở GDNN qua hình thức đấu thầu”.

Ông Đào Ngọc Dung cũng cho biết, từ nay tới năm 2020 Nhà nước chỉ cấp ngân sách như năm 2017 cho các cơ sở GDNN, cũng có nghĩa là ngân sách Nhà nước giảm 7% khi chi cho các đơn vị này, để thúc ép và khuyến khích các cơ sở tăng cường tính tự chủ.

Trọng tâm thứ hai là tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo. Doanh nghiệp được phép tham gia ký kết với cơ sở giáo dục trong giảng dạy, thực thành, thực tập (có trả lương cho học sinh, sinh viên) và tiếp nhận sinh viên ngay khi ra trường. “Hiện đã có 6 trường đào tạo nghề cam kết sinh viên ra trường thì sẽ có việc làm. Nếu không có việc làm, trường hoàn tiền lại cho sinh viên”, ông Dung nói.

Trọng tâm thứ ba, theo Bộ trưởng là tập trung nâng cao chất lượng của GDNN để hệ thống này tiếp cận được chuẩn giáo dục đào tạo nghề của quốc tế thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế để xác định chuẩn kiểm định nghề và chuẩn của giáo viên dạy nghề.

“Chúng tôi hy vọng, với các giải pháp trên sẽ tạo ra chuyển động mới trong GDNN”, ông Dung bày tỏ.

Ngoài ra, theo ông Đào Ngọc Dung, đào tạo nghề phải dự báo được việc làm và mức thu nhập. Chủ tịch UBND địa phương là người phải chịu trách nhiệm về việc này. Nếu không xác định được thì không tổ chức thực hiện đào tạo nghề.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng phối hợp giải trình thêm một số nội dung liên quan tới phát triển GDNN.

Theo đó, hai Bộ đã phối hợp phân luồng học sinh vào các cơ sở GDNN và đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, học sinh trong các trường giáo dục thường xuyên được học văn hóa tăng trên 40%. Trong số học sinh tốt nghiệp phổ thông thì trên 50% chọn hướng học nghề, thay vì chỉ tập trung chọn học đại học như trước đây.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhìn nhận việc phân luồng vẫn còn chậm, chưa đáp ứng được yêu nhân lực trực tiếp của các ngành sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.Để đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả của việc phân luồng học sinh, Bộ GD&ĐT đang nâng cao hướng nghiệp tại bậc phổ thông để học sinh sớm tiếp cận với thị trường lao động và các trường nghề. Cùng với đó, hoạt động hướng nghiệp gắn với đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật, công nghệ trong giảng dạy để tạo đầu vào nhiều hơn và nâng cao chất lượng giáo dục nghề. Bộ GD&ĐT cũng dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có tăng cường các môn học hướng nghiệp, môn nghề để các học sinh lựa chọn hướng đi tiếp theo là đại học hay trường nghề.

Hai Bộ sẽ phối hợp trình Thủ tướng ban hành quyết định cho phép liên thông giữa giáo dục đại học với GDNN để học viên trường nghề có thể chuyển lên đại học để nâng cao hơn trình độ.

Ông Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, hiện có 5 trường đại học kỹ thuật trong cả nước đang tăng cường đào tạo lại giáo viên nghề để củng cố đội ngũ giáo sinh thạo kỹ thuật, nghề nghiệp.

 

Theo Thành Chung/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm