Góp ý vào Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, một số giáo viên băn khoăn về sách giáo khoa mới liệu có đáp ứng được chương trình mới.
Ban soạn thảo chương trình – sách giáo khoa (SGK) mới cho biết, Dự thảo chương trình tổng thể đã đưa lên mạng lấy ý kiến từ 12/4. Sau đó, dự kiến sẽ được ký chính thức vào tháng 9/2017 và việc soạn sách giáo khoa sẽ được gấp rút thực hiện.
Dự kiến, đến tháng 4/2018 sẽ phát hành SGK lớp 1 và lớp 6 mới để tập huấn cho giáo viên và triển khai vào năm học 2018-2019. Tuy nhiên, đến nay, Bộ GD-ĐT mới đang trưng cầu ý kiến xã hội về Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Liệu rằng, từ tháng 9/2017 đến tháng 4/2018, việc biên soạn SGK có thể đáp ứng được nội dung và từng môn học của chương trình giáo dục phổ thông mới hay không?
Góp ý kiến vào việc biên soạn SGK khi Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang được lấy ý kiến xã hội, bà Lê Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng trường THCS Thực nghiệm, quận Ba Đình, Hà Nội cho rằng, đối với các tác giả viết SGK, một năm vừa viết vừa thử nghiệm cũng khá khó khăn để đáp ứng những thay đổi của chương trình tổng thể, trong khi đến thời điểm này vẫn còn đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo chương trình (thời gian lấy ý kiến đóng góp đã được kéo dài thêm).
Nếu các tác giả đã triển khai viết SGK theo chương trình mới rồi thì có thể còn chưa tiếp cận được những thay đổi mới nhất sau khi lấy ý kiến góp ý của dư luận và các nhà khoa học. Còn nếu chưa viết SGK và đợi đến khi chương trình được ban hành thì khó có thể kịp.
Bên cạnh đó, nếu thực hiện ngay trong năm học 2018-2019 thì việc bồi dưỡng giáo viên cũng khá gấp. Hiện tại, vấn đề dạy học tích hợp liên môn vẫn còn mới mẻ và khó khăn với giáo viên, đặc biệt là trong việc tổ chức dạy học.
Nếu không có những hướng dẫn cẩn thận thì một số môn có tính tích hợp như khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, công nghệ và hướng nghiệp ở cấp THCS sẽ dễ được tổ chức dạy theo kiểu từng môn riêng rẽ chứ không phải là dạy theo chủ đề tích hợp.
Cơ sở vật chất cũng là một khó khăn khi thực hiện sự thay đổi chương trình. Nhiều trường học hiện tại còn khó khăn về cơ sở vật chất cũng cần một lộ trình phấn đấu để đạt chuẩn tối thiểu.
Dự kiến, đến tháng 4/2018 sẽ phát hành SGK lớp 1 và lớp 6 mới (ảnh minh họa)
Sách giáo khoa mới liệu có đáp ứng được chương trình mới?
“Nếu dự kiến tháng 4/2018 có SGK mới thì chắc chắn việc biên soạn sách đã phải viết từ cách đây vài năm rồi. Liệu rằng Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã có từ vài năm trước hay chưa?” - cô Ngô Thị Lan Anh (giáo viên dạy Ngữ văn, trường THPT Trần Phú, Hà Nội) băn khoăn.
Chúng ta phải có chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trước, rồi mới đến có SGK mới. Chương trình phải đưa ra mục tiêu cung cấp tri thức đạt được ở từng cấp học như thế nào, rồi mới đưa ra khung chương trình chi tiết cho từng môn học với số lượng bài phù hợp.
Là giáo viên dạy Ngữ văn, cô Ngô Thị Lan Anh cho rằng, nếu việc biên soạn sách mà quá tập trung vào những tác phẩm hàn lâm, uyên bác thì sẽ khiến học sinh cảm thấy quá tải, nặng nề khi học tập.
Thực tế, việc rèn luyện về tâm hồn, cảm thụ văn học cho học sinh đã được định hình từ cấp Tiểu học. Vì vậy, SGK môn Ngữ văn nên được biên soạn theo hướng cập nhật xu hướng dạy và học hiện đại của các nước trên thế giới như: phát triển tư duy sáng tạo, năng lực cảm thụ của học sinh...
Ngoài ra, số lượng bài trong SGK môn Ngữ văn nên được giảm tải, không nên bao gồm nhiều chi tiết và ôm đồm nhiều kiến thức./.
Theo Bích Lan/VOV.VN