Cập nhật: 16/05/2017 14:35:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Các giáo viên nhận định rằng đề thi bám sát với chương trình SGK, có tính phân hóa cao, tuy nhiên một số câu hỏi có đáp án chưa rõ ràng.

Nhiều giáo viên cho biết, khác với đề thi thử 2 lần trước, đề thi tham khảo của 5 bài thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và hai bài thi tổ hợp là khoa học tự nhiên (Hóa học, Vật lý, Sinh học), Khoa học xã hội (Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý) lần này đều hoàn chỉnh hơn và gần giống như đề thi chính thức.

Đề thi được nhận định là phù hợp để xét tốt nghiệp và Đại học. (Ảnh minh họa).

Điểm mới của đề thi là việc sắp xếp thứ tự các câu hỏi từ dễ tới khó và được biên soạn đảm bảo ở 4 mức độ gồm nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Nội dung câu hỏi đều nằm trong chương trình sách giáo khoa.

Nhận xét về đề thi tham khảo môn Toán học, thầy Trần Mạnh Tùng, Trưởng bộ môn Toán Trường THPT Lương Thế Vinh cho biết các câu hỏi yêu cầu học sinh học kỹ các khái niệm cơ bản, biết tổng hợp kiến thức và cần tư duy linh hoạt, giải quyết nhanh vấn đề không phải sử dụng nhiều tới máy tính để tính toán trong quá trình làm bài.

“Tôi thấy đề có tính phân hóa khá mạnh đáp ứng được cả mục tiêu tuyển sinh của các trường đại học. Chúng tôi sẽ tăng cường thêm câu hỏi khó trong một đề. Học sinh căn cứ theo tinh thần này rèn luyện thêm kỹ năng tính toán nhanh tiếp cận ở những câu hỏi sâu ở mức độ sâu hơn”, thầy Tùng cho biết thêm.

Hầu hết đề thi các môn đều phù hợp với nội dung và phương pháp dạy học, đảm bảo sự phân hóa để làm căn cứ xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng, nhất là môn Ngữ văn. Các câu hỏi bao quát hết chương trình tránh được tình trạng giáo viên và học sinh học lệch, học thuộc lòng máy móc. Để học sinh làm bài tốt các môn, đòi hỏi giáo viên và học sinh phải đổi mới phương pháp, tư duy thích ứng với đề thi mới.

Cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa cho rằng đề thi lần này khoa học và công phu, phủ sóng được tất cả các thể loại văn học mà học sinh đã được học ở lớp 12. Trong đó phần đọc hiểu khá vừa sức, hầu hết học sinh tại các vùng miền đều có thể đạt được mức điểm trung bình khá. Phần nghị luận văn học yêu cầu bàn về hai ý kiến liên quan đến nhân vật Tràng “rất có đất cho học sinh có năng lực thể hiện”.

Tuy nhiên theo phản ánh của một số giáo viên, đề thi các môn Lịch sử, Địa lý... vẫn còn một số câu hỏi có đáp án còn chung chung khiến học sinh khi làm bài còn băn khoăn và đưa ra đáp án không đúng.

Cô Tống Thị Thoa, giáo viên dạy môn Địa lý, Trường THPT Đống Đa cho biết: “Đề phù hợp với học sinh. Số lượng câu không dài độ khó vừa tầm. Nếu học sinh học ổn có thể được 7 đến 8  điểm. Đề cũng có những câu hỏi mang tính chất cập nhật thời sự.

Tuy nhiên có một tới hai câu đáp án không rõ ràng các cô phải thảo luận để đưa ra đáp án cuối cùng. Câu 37 trong đề 209 cho hai biểu đồ hình tròn về số liệu lao động hoạt động trong các ngành kinh tế của Việt Nam sau đó đưa ra 4 đáp án lựa chọn. Đáp án đưa ra độ đúng sai không rõ ràng và chưa chuẩn nên các con trả lời đều sai”.

Chỉ còn hơn một tháng nữa, các sỹ tử trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi tham khảo sẽ giúp giáo viên và học sinh khối 12 có thêm nhiều gợi ý để đổi mới phương pháp dạy học, biên soạn các đề hướng dẫn cho học sinh ôn tập để đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới./.

 

Theo Thu Hiền/VOV.VN

Tệp đính kèm