Cập nhật: 17/05/2017 14:27:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chúng tôi về xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường vào một ngày đầu tháng 6. Khác với các địa phương khác, câu chuyện chào buổi sáng được người dân nơi đây bàn tính nhiều nhất khi ngồi nhâm nhi bên chén trà là bài toán làm giàu từ nghề nuôi...

Chúng tôi về xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường vào một ngày đầu tháng 6. Khác với các địa phương khác, câu chuyện chào buổi sáng được người dân nơi đây bàn tính nhiều nhất khi ngồi nhâm nhi bên chén trà là bài toán làm giàu từ nghề nuôi, chế biến rắn–một nghề nhọc nhằn, nguy hiểm và đòi hỏi người nuôi phải có“ tinh thần thép”.

Ông Hà Văn Tục, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn cho biết: Những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ vốn, kỹ thuật của các cấp chính quyền, các ngành nghề nuôi, chế biến rắn ở Vĩnh Sơn rất phát triển. Hiện toàn xã có trên 1.000 hộ nuôi rắn, hằng năm, xã cung cấp hàng vạn con rắn hổ mang, hổ trâu cho thị trường trong nước, xuất khẩu 150 - 200 tấn rắn thương phẩm sang thị trường các nước châu Á, với tổng doanh thu trên 70 tỷ đồng. Con rắn đối với người dân Vĩnh Sơn vô cùng quan trọng. Nó mang lại giá trị kinh tế cao, tăng nguồn thu nhập và giải quyết công ăn việc làm cho phần lớn lực lượng lao động đã thoát ly nông nghiệp. 

Vừa lôi con rắn dài hơn 2m đang thè lưỡi, bạnh mang, phun phì phì, anh Phùng Văn Tiến có hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi rắn ở Vĩnh Sơn cho biết: “Đây là giống hổ mang thường, tên khoa học là Naja Naja. Nuôi từ lúc nó cắn trứng chui ra đến khi được khoảng 2 kg như thế này phải mất gần ba năm. Lúc đầu, tôi chỉ nuôi vài chục con sau đó tăng dần lên, hiện nay có trong chuồng nuôi lúc nào cũng có trên dưới 3.000 con, năm ngoái, trừ chi phí, tôi thu lãi hơn 200 triệu đồng. Mấy năm đầu tôi phải mua rắn con về nuôi, nay đã chủ động được con giống nhờ cho rắn đẻ và ấp nở trứng thành công.”

Anh Tiến cũng cho biết, giá trị của con rắn phụ thuộc vào độ độc và trọng lượng của nó. Có rất nhiều loại rắn độc trong tự nhiên, nhưng hợp nuôi và cho lãi nhiều nhất là rắn hổ mang. Nghề nuôi rắn rất công phu, đòi hỏi người nuôi phải có kinh nghiệm và kỹ thuật tốt. Vào giữa mùa đông, rắn bố mẹ được ghép đôi trong các chuồng nuôi. Đến tháng 3, tháng 4, khi tiết trời ấm áp, rắn cái sẽ đẻ trứng. Khoảng 60 - 70 ngày sau, trứng sẽ nở ra rắn con. Thông thường một trại nuôi rắn khoảng 3000 con như của anh mỗi ngày tiêu thụ 70kg cóc, chuột, ngóe…Các loại thức ăn cho rắn phải đảm bảo tươi sống. Khi cho rắn ăn, thức ăn được băm nhỏ để dễ tiêu hóa và trộn các loại thuốc phòng, chữa bệnh. 

Thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 9/2005, HTX nông nghiệp chăn nuôi chế biến rắn Thịnh Hưng ở thôn 3 không chỉ chăn nuôi rắn sinh sản, rắn thương phẩm mà còn trở thành địa chỉ tin cậy trong việc cung cấp vật tư, rắn giống, thu mua và chế biến các sản phẩm từ rắn cho xã viên. Anh Nguyễn Văn Thịnh, Chủ nhiệm HTX cho biết: Nuôi rắn không khó, không quá vất vả nhưng phải đầu tư lớn và khá mạo hiểm. Ví dụ, muốn nuôi 300 con rắn thì chi phí xây chuồng trại cũng mất sáu, bảy chục triệu đồng. Chuồng rắn thường có kính thước: dài 50 cm, rộng 30 cm, sâu 30 cm, mỗi chuồng chỉ nuôi một con. Thức ăn chủ yếu của rắn là cóc và chuột, trung bình ba ngày rắn ăn một lần, chi phí mỗi bữa cho 300 con mất hơn 400 nghìn đồng, khi rắn lớn hơn mỗi bữa phải tiền triệu. Rắn phát triển mạnh từ đầu mùa xuân đến cuối thu, sang đông là chúng nghỉ không ăn. Vào thời điểm này ,chúng gầy và chậm lớn. Vì thế người nuôi thường bán rắn thịt nhiều nhất vào đầu đông.

Từ năm 2009 đến nay, được sự giúp đỡ của Sở Khoa học và Công nghệ, HTX đã thí điểm thành công mô hình Trung tâm xuất rắn hổ mang giống cho kết quả cao. Năm 2010, HTX cung cấp ra thị trường gần 30.000 con rắn giống, trên 9.000 rắn thương phẩm, lợi nhuận ước đạt 2 tỷ đồng. Dự kiến năm 2011, HTX tiếp tục cung ứng ra thị trường trên 40.000 con rắn giống, trên 10.000 rắn thương phẩm. 

Mỗi năm thu lãi trên 100 triệu đồng từ nghề nuôi “tử thần”, anh Nguyễn Văn Ban ở thôn 2 chia sẻ: “Rắn là loài ở rất sạch nên chuồng trại phải xây dựng rất công phu, bảo đảm mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Nếu không chúng rất dễ mắc bệnh viêm phổi, viêm gan, sưng mật. Những người mới vào nghề đều phải trả " học phí" rắn chết, ít thì vài chục con, nhiều tới cả trăm. Người nuôi rắn khi cho rắn ăn nếu không cẩn thận, rất dễ bị rắn cắn. Nếu bị rắn hổ mang cắn mà không chữa chạy kịp thời sẽ bị tử vong hoặc vết thương bị hoại tử, còn rắn cạp nong, cạp nia cắn thì dễ chữa hơn.” 

Theo các hộ chăn nuôi rắn ở đây, hiện nay, việc tiêu thụ rắn thịt khá thuận lợi do nhu cầu thị trường rất lớn, rắn không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu sang Trung Quốc. Rắn thịt được chia làm ba loại: Loại 1 có trọng lượng từ 1,5 kg/con trở lên hiện có giá khoảng 720.000 đồng/kg; loại 2 từ 1 - 1,4 kg/con có giá 620.000 đồng/kg; loại 3 dưới 1 kg/con giá 520.000 đồng/kg. Nuôi rắn đã trở thành nghề đem lại thu nhập chính, làm giàu cho trên 85%  hộ gia đình ở Vĩnh Sơn.

Để thương hiệu "rắn Vĩnh Sơn” ngày càng có uy tín và phát triển trên thị trường trong và ngoài nước, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, chính quyền địa phương đã và đang có chủ trương phát triển du lịch đối với Làng nghề truyền thống rắn Vĩnh Sơn. Hội Làng nghề rắn Vĩnh Sơn cũng đã có kế hoạch kết nạp hội viên mới, mở rộng quy mô chăn nuôi, chế biến; ban hành các quy chế, quy trình chăn nuôi, chế biến, bảo quản, đóng gói sản phẩm…

          

Sưu tầm

 

Tệp đính kèm