Năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) đã công bố đề thi minh họa, thử nghiệm và tham khảo. Đây là một trong những điểm mới trong công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2017 nhằm góp phần giúp thí sinh, giáo viên dựa vào đó để ôn tập và giảng dạy tốt hơn.
Tiến sĩ Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD - ĐT, đại diện Ban xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa cho biết: Năm 2017, Bộ GD - ĐT có ba lần công bố đề thi minh họa, thử nghiệm, tham khảo để các em học sinh có định hướng ôn tập cho tốt phục vụ kỳ thi THPT quốc gia. Trong đó, lần cuối là đề thi tham khảo với mục đích giúp học sinh có một cái nhìn tổng quát về hình thức thi theo năm bài thi, từ đó các em có thể hình dung ra một cấu trúc chung về đề thi, tránh những bỡ ngỡ khi tiếp cận với đề thi chính thức. Ngoài ra, việc công bố đề thi tham khảo còn giúp các địa phương nắm được số lượng cơ bản của các trang đề thi để chuẩn bị các phương án sớm nhất cho công tác in sao, đóng gói, vận chuyển đề thi và bảo mật đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.
Nhận xét về đề thi tham khảo, thầy giáo dạy môn Lịch sử Đặng Danh Hướng, Trường THPT Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: Đề thi tham khảo môn Lịch sử gồm hai phần: Kiến thức lịch sử Việt Nam từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đến năm 2000 và lịch sử thế giới hiện đại sau năm 1945. Câu hỏi về lịch sử thế giới chiếm 30%, câu hỏi về lịch sử Việt Nam chiếm 70%. Trong số 40 câu hỏi của đề thi được thiết kế dưới ba dạng chủ yếu là tìm lựa chọn đúng (sắp xếp theo trật tự thời gian và điền khuyết). Tất cả dữ liệu đưa ra đều là các “kiến thức lịch sử” được trình bày trong sách giáo khoa dưới dạng giản lược. Nhiều câu hỏi về nội dung sự kiện không đòi hỏi nhiều về khả năng tư duy, học sinh chỉ cần có những hiểu biết cơ bản về kiến thức là có thể trả lời được. Nội dung kiến thức trong đề thi chủ yếu nằm trong chương trình sách giáo khoa Lịch sử lớp 12, thí sinh chỉ cần nắm được kiến thức cơ bản là đạt được điểm cao.
Tuy nhiên, theo thầy giáo Hướng, đề thi tham khảo môn Lịch sử chưa đánh giá được năng lực tư duy (nhất là tư duy ngôn ngữ, tư duy so sánh, tư duy lô-gích, tư duy hệ thống, tư duy phân tích tổng hợp…). Để phân loại và chọn được học sinh chất lượng cho xét tuyển đại học, đề thi nên bổ sung các câu hỏi đọc hiểu các tư liệu dưới dạng văn bản (tư liệu gốc), bảng biểu, số liệu thống kê; câu hỏi so khớp; câu hỏi tìm vị trí,... từ đó yêu cầu thí sinh phải tư duy, suy luận để chọn lấy câu trả lời thích hợp nhất trong các phương án được đưa ra.
Nội dung các đề thi khác cũng chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Thầy giáo Nguyễn Trọng Đức, Trường THPT chuyên Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) cho rằng: Nhìn chung về cấu trúc, đề tham khảo của Bộ GD - ĐT ở phần đọc hiểu gồm bốn câu hỏi theo mức độ tăng dần từ dễ đến khó. Ở phần làm văn, câu một thuộc phần nghị luận xã hội yêu cầu dung lượng phù hợp, đánh giá năng lực vận dụng kiến thức, thể hiện suy nghĩ của cá nhân về vấn đề có ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống. Với phương pháp ra đề như năm nay, nếu có cách viết hay, cách thể hiện khác lạ, độc đáo chắc chắn thí sinh sẽ đạt điểm cao. Ở câu hai trong đề lần này tuy không mới, nhưng đây là dạng bài không dễ, yêu cầu ở mức vận dụng cao, sẽ phân loại học sinh khá, giỏi. Ngoài ra, để làm được đề thi, học sinh cần lưu ý nắm vững kiến thức về tác giả, tác phẩm trong chương trình lớp 12.
Cô giáo Nguyễn Thụy Khánh Vy, Trường THPT Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, dạy môn Giáo dục công dân, đề xuất khi công bố đề thi minh họa hay thử nghiệm, tham khảo, Bộ GD - ĐT cần công bố luôn đáp án để giáo viên và học sinh có cơ sở giải quyết những vấn đề còn tranh cãi trong đề thi. Khi tổ chức ra đề thi trong kỳ thi chính thức, việc chọn lựa nội dung kiến thức nào sẽ phải làm với quy trình rất chặt chẽ.
Theo Bộ GD - ĐT, bộ đề tham khảo có cấu trúc giống như đề thi chính thức của kỳ thi THPT quốc gia nhưng không có tác dụng định hướng cụ thể vào nội dung kiến thức nào sẽ thi. Vấn đề hiện nay là các sở GD - ĐT, các cơ sở giáo dục cần nghiên cứu và giúp học sinh làm quen với các bộ đề thi tham khảo trong quá trình ôn luyện. TS Sái Công Hồng cho biết, Bộ GD - ĐT sẽ thành lập hội đồng đề thi gồm các chuyên gia có kinh nghiệm chuyên môn và trong công tác xây dựng đề thi để làm việc theo hình thức cách ly hoàn toàn, chọn lựa các câu hỏi từ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa để xây dựng các đề thi phục vụ cho kỳ thi THPT quốc gia. Đặc biệt, trước khi hội đồng đề thi làm việc thì việc xây dựng câu hỏi thi chuẩn hóa được thực hiện theo tám bước nghiêm ngặt. Hiện tại, Bộ GD - ĐT đang tiếp tục triển khai các bước tiếp theo của quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, bảo đảm kịp tiến độ phục vụ kỳ thi chính thức vào tháng 6-2017.
Theo QUỲNH NGUYỄN và THANH TÂM
nhandan.com.vn