Cập nhật: 10/06/2017 10:14:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhiều phụ huynh đã xin nghỉ làm để đưa con đi thi vào lớp 10. Họ đều rất lo lắng vì năm nay tỷ lệ “chọi” vào các trường THPT công lập rất cao.

Từ ngày 9 đến 11/6, học sinh THCS ở Hà Nội chính thức tham gia vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên và không chuyên.

Với mong muốn con đạt điểm cao, có được một suất học trường công lập, nhiều phụ huynh đã gần như “quên ăn, không ngủ” cùng con. Đặc biệt là trong những buổi thi, nhiều người đã xin nghỉ làm để đưa con đi thi và chầu trực ở ngoài cổng trường, đếm từng phút giây chờ đợi con xem có làm được bài hay không.

Lo lắng con trượt cả 2 nguyện vọng

Chị Nguyễn Thị Hương trú tại phố Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội là nhân viên ngành Y ở quận Thanh Xuân hàng ngày rất bận rộn với công việc nhưng trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm nay, chị đã xin phép cơ quan nghỉ 2 ngày để lo cho con đi thi.

Giám thị gọi thí sinh vào phòng thi

Năm nay, tỷ lệ chọi vào nhiều trường công lập được đánh giá là cao. Thành phố Hà Nội có 51.000 chỉ tiêu với gần 76.300 hồ sơ đăng ký nguyện vọng 1 và trên 71.300 hồ sơ đăng ký nguyện vọng 2.

Các trường có tỷ lệ chọi tương đối lớn là THPT Chu Văn An chỉ tuyển 240 học sinh nhưng có đến 734 hồ sơ đăng ký nguyện vọng 1.

Trường THPT Kim Liên chỉ tiêu tuyển 600 em nhưng có 1.437 hồ sơ đăng ký nguyện vọng 1. Trường có số lượng thí sinh đăng ký nhiều nhất ở nguyện vọng 2 là trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân) chỉ tiêu tuyển sinh là 480 học sinh, thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 là 731 hồ sơ nhưng ở nguyện vọng 2 lên tới trên 3.200 hồ sơ. Tiếp đến là THPT Chương Mỹ B chỉ tiêu 600 học sinh, nguyện vọng 1 có 686 nhưng nguyện vọng 2 là gần 2.940 hồ sơ, THPT Đoàn Kết (Hai Bà Trưng) chỉ tiêu là 560 học sinh, nguyện vọng 1 hơn 700 hồ sơ, nhưng nguyện vọng 2 trên 2.600 hồ sơ...

Điều đặc biệt là nhiều trường trong cùng một khu vực có tỷ lệ thí sinh đăng ký rất đông nên nhiều khả năng học sinh trượt nguyện vọng 1 thì cũng không đỗ nguyện vọng 2.

Chị Nguyễn Thị Hương chia sẻ: “Năm nay, con tôi thi vào lớp 10 chọn nguyện vọng 1 ở trường THPT Trần Phú-Hoàn Kiếm nhưng nguyện vọng 2 là đăng ký vào trường THPT Hai Bà Trưng. Hai trường này cùng một khu vực, đều có thí sinh đăng ký vào đông. Nếu cháu không trúng tuyển vào nguyện vọng 1 thì có thể không đỗ tiếp ở nguyện vọng 2. Vì bao giờ trường tuyển sinh nguyện vọng 2 cũng lấy điểm cao hơn nguyện vọng 1 là 1,5 điểm trở lên”.

Phụ huynh trầu trực ở ngoài cổng trường đợi con thi xong

Để con có thể ổn định tâm lý, làm bài thi tốt, từ nhiều tháng nay, gia đình chị Hương đều tất bật lo cho con đi học thêm, tìm thầy cô giáo ôn luyện môn Toán và Ngữ văn, chăm lo sức khỏe cho cháu để đạt kết quả thi cao nhất.

Thức đêm cùng con là chuyện bình thường

Dù sức học của con được đánh giá là giỏi nhưng chị Phạm Thị Viện (trú tại phố An Dương, quận Tây Hồ, Hà Nội) vẫn lo lắng vì năm nay, nhiều trường trong một khu vực tuyển sinh có tỷ lệ chọi rất cao. Thấy con cả ngày học tập, tối muộn vẫn làm bài đến tận 2h sáng, chị Viện rất lo lắng cho sức khỏe của cháu. Nhiều hôm, chị phải thức cùng con vì sợ con học thâu đêm, ảnh hưởng tới sức khỏe. Để con có tinh thần thoải mái, không quá căng thẳng vì học hành, cứ đến Chủ nhật là chị lại tranh thủ rủ cháu đi chơi.

Nỗi lo lắng kéo dài cho đến ngày thi tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT công lập, chị Viện cũng phải xin nghỉ làm để đưa đón con đi thi và chăm sóc cháu ăn nghỉ để có sức khỏe tốt, làm bài thi đạt kết quả cao nhất.

Là người làm trong ngành Bưu điện, anh Trần Mạnh Tuấn ở phố Huế, Hà Nội cũng xin nghỉ làm để đưa con đi thi. Mặc dù nhà gần với trường con thi nhưng anh vẫn ngồi chờ từ sáng cho đến khi hết thời gian con làm bài xong, để xem con có làm được bài không. Buổi chiều thi môn thứ 2 cũng như vậy.

Phụ huynh bàn tán, trao đổi về tỷ lệ học sinh thi vào lớp 10 các trường THPT công lập

Năm nay, con anh cũng đăng ký vào 2 trường cùng một khu vực là trường THPT Việt Đức và Hai Bà Trưng mà hai trường này có tỷ lệ chọi cao nên khả năng nếu không đỗ nguyện vọng 1 thì có thể trượt luôn nguyện vọng 2 nên anh rất lo lắng.

Anh Tuấn tâm sự: “Các cháu học hết lớp 9 mà không thi được vào lớp 10 thì không biết sẽ làm gì nên cả năm nay, gia đình tôi rất lo lắng cho việc ôn luyện, chăm sóc sức khỏe cho cháu với hy vọng con sẽ đạt điểm cao và đỗ vào trường công lập. Năm nay, tỷ lệ chọi vào các trường công lập rất cao nên nếu không đỗ vào trường nào thì gia đình tôi cũng phải lo cho cháu học trường dân lập”.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở các trường công lập năm nay ở nhiều khu vực có tỷ lệ học sinh đăng ký rất đông nên nhiều phụ huynh có tâm trạng lo lắng không biết con có đỗ vào trường công lập hay không là điều dễ hiểu. Bởi với họ, con cái là “của để dành”, là sự đầu tư sinh lợi nhất trong tương lai./.

Theo Bích Lan/VOV.VN

Tệp đính kèm