Cập nhật: 19/07/2017 14:50:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.

Ảnh minh họa

Trong đó, để bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, cơ sở giáo dục cần bảo đảm an ninh trật tự; an toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích; an toàn, phòng, chống cháy, nổ; an toàn phòng, chống thảm họa, thiên tai; xây dựng, công khai và thực hiện nghiêm túc bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong cơ sở giáo dục có sự tham gia của người học.

Bên cạnh đó, thiết lập kênh thông tin như hộp thư góp ý, đường dây nóng và các hình thức khác để tiếp nhận, xử lý các thông tin của người học; bảo mật cho người cung cấp thông tin; tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hoạt động giáo dục kỹ năng sống, hoạt động ngoài giờ chính khóa, hoạt động xã hội, từ thiện vì cộng đồng, hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể thao an toàn, lành mạnh, thân thiện, bình đẳng, phù hợp với độ tuổi, đặc điểm sinh lý, tâm lý của người học.

Đồng thời, thực hiện công tác y tế trường học, công tác tư vấn, công tác trợ giúp người học; thường xuyên trao đổi thông tin với gia đình người học và cộng đồng trong việc bảo đảm an toàn tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự và bí mật đời sống riêng tư của người học.

Phòng, chống bạo lực học đường

Nghị định quy định rõ biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường. Cụ thể, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục, gia đình người học và cộng đồng về mối nguy hiểm và hậu quả của bạo lực học đường; về trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực học đường; ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường phù hợp với khả năng của bản thân.

Giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại người học; phòng, chống bạo lực học đường; bạo lực trẻ em trên môi trường mạng cho người học, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên của cơ sở giáo dục và gia đình người học; giáo dục, tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho người học; công khai kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường và các kênh tiếp nhận thông tin, tố giác về bạo lực học đường; tổ chức kiểm tra, giám sát, thu thập và xử lý thông tin liên quan đến bạo lực học đường; thực hiện các phương pháp giáo dục tích cực, không bạo lực đối với người học.

Biện pháp hỗ trợ người học có nguy cơ bị bạo lực học đường gồm: Phát hiện kịp thời người học có hành vi gây gổ, có nguy cơ gây bạo lực học đường, người học có nguy cơ bị bạo lực học đường; đánh giá mức độ nguy cơ, hình thức bạo lực có thể xảy ra để có biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ cụ thể; thực hiện tham vấn, tư vấn cho người học có nguy cơ bị bạo lực và gây ra bạo lực nhằm ngăn chặn, loại bỏ nguy cơ xảy ra bạo lực.

Khi xảy ra bạo lực học đường cần đánh giá sơ bộ về mức độ tổn hại của người học, đưa ra nhận định về tình trạng hiện thời của người học; thực hiện ngay các biện pháp trợ giúp, chăm sóc y tế, tư vấn đối với người học bị bạo lực; theo dõi, đánh giá sự an toàn của người bị bạo lực; thông báo kịp thời với gia đình người học để phối hợp xử lý; trường hợp vụ việc vượt quá khả năng giải quyết của cơ sở giáo dục thì thông báo kịp thời với cơ quan công an, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các cơ quan liên quan để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Theo Chí Kiên/Chinhphu.vn

Tệp đính kèm