Kết quả điểm chuẩn của các trường ĐH phải được công bố chậm nhất vào 17h ngày 1/8 trên website của từng trường ĐH hay trên các phương tiện thông tin.
Cuối ngày hôm nay (30/7), công đoạn lọc thí sinh ảo chung toàn quốc sẽ hoàn tất. Như vậy, các trường có thể công bố điểm chuẩn vào từng ngành và danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức vào trường.
Kết quả điểm chuẩn của các trường ĐH phải được công bố chậm nhất vào 17h ngày 1/8 trên website của từng trường ĐH hay trên các phương tiện thông tin đại chúng.
PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đơn vị chủ trì nhóm xét tuyển 56 trường phía Bắc cho biết: Dữ liệu mà ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì của nhóm xét tuyển miền Bắc đã nhập về và do công tác tập dượt tốt nên phần mềm chạy ngay.
Kết quả xét tuyển dự kiến các trường đã có trong tay nhưng chưa thể công bố được. Kết quả của nhóm sẽ lên phần mềm lọc ảo của Bộ để tiếp tục lọc. Dữ liệu sẽ được lọc đi lọc lại thật kỹ càng nhiều lần nữa và chiều 30/7 là kết thúc.
Sau khi kết thúc công đoạn lọc thí sinh ảo chung toàn quốc, các trường ĐH có thể công bố điểm chuẩn vào từng ngành (Ảnh minh họa)
Theo PGS.TS Trần Văn Tớp, về nguyên tắc là sau 6h chiều 30/7, các trường có được danh sách thí sinh trúng tuyển, nên khi đó các trường có thể công bố và quyết định trúng tuyển để thông báo cho học sinh.
PGS.TS Trần Văn Tớp cũng cho biết, dự kiến vào 12h ngày 31/7, trường ĐH Bách Khoa sẽ công bố điểm chuẩn cho thí sinh. Điểm chuẩn dự kiến của các ngành đều tăng so với năm ngoái. Việc tăng điểm các ngành hoàn toàn nằm trong dự báo của trường, ngành nào cũng tăng và có ngành tăng từ 1 điểm, có ngành tăng hơn. Các ngành sẽ tăng so với năm ngoái từ 1-1,5 điểm.
Một số ngành như Công nghệ thông tin, Cơ điện tử, Điều khiển tự động hóa, Điện tử viễn thông điểm chuẩn sẽ tăng. Nhưng rất có thể, nhóm ngành cao nhất sẽ không tăng nhiều vì năm ngoái xấp xỉ 9 điểm (tổng 3 môn 27 điểm) rồi thì năm nay nếu có tăng thì chỉ tăng 9,2 - 9,3 (27,4 - 27,6 điểm/3 môn) chứ không thể lên tới 10 (30 điểm).
Để giúp thí sinh tự đánh giá năng lực học tập của mình mà điều chỉnh nguyện vọng cho hợp lý, ĐH Bách khoa Hà Nội đã đặt ra ngưỡng điểm nhận hồ sơ vào các ngành này là từ 24 điểm.
Về phía ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, PGS. TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Đào tạo của trường nhận định, điểm chuẩn năm nay ở các trường tốp trên sẽ tăng. Dự kiến điểm chuẩn sẽ ngang với mức điểm của năm 2015, so với năm 2016, mức điểm chuẩn có thể tăng từ 1,5 - 2,5 điểm.
Ông Đức Triệu cũng cho rằng, việc tăng điểm chuẩn sẽ diễn ra ở tất cả các ngành, từ ngành cao đến ngành thấp. Trong đó, những ngành năm ngoái lấy thấp thì có xu hướng sẽ tăng mạnh hơn những ngành tốp đầu. Nguyên nhân vì thí sinh trượt ở nguyện vọng vào các ngành "hot", sẽ chuyển nguyện vọng ở ngành thấp hơn, đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Dự kiến, các ngành tốp đầu có thể ở mức 26,5 điểm (tăng 1 điểm so với 2016), các ngành ở nhóm thấp hoặc nhóm giữa sẽ tăng nhiều hơn từ 1 - 1,5 điểm, một số ngành hot có thể tăng cao hơn.
TS Phạm Thu Hương - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngoại thương Hà Nội cho biết: Phân tích sơ bộ của trường cho thấy, năm nay ước tính số thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường tăng gấp đôi so với năm 2017.
Điểm thi tăng, thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường nhiều hơn, thống kê sơ bộ cho thấy, số lượng hồ sơ thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường là 14.000 trong khi chỉ tiêu của trường năm nay là 3.750 trong đó 2.850 ở cơ sở miền Bắc và 900 miền Nam.
Với các thông số này, chắc chắn mức điểm ở các tổ hợp xét tuyển cũng cao hơn các năm trước nên dự kiến điểm chuẩn sẽ tăng và tăng ở tất cả các ngành và tổ hợp đào tạo của trường chứ không chỉ ở một vài ngành.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, từ ngày 1 đến 7/8, các trường ĐH sẽ bắt đầu tiếp nhận hồ sơ của thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1. Khi có tên trong danh sách trúng tuyển, từ ngày 1/8 đến trước ngày 7/8, thí sinh phải nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi (trực tiếp tại trường hoặc qua đường bưu điện) để khẳng định nhập học tại trường đã trúng tuyển./.
Theo Bích Lan/VOV.VN