Cập nhật: 05/08/2017 15:46:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Xét tuyển đại học, nhiều ý kiến băn khoăn về chính sách cộng điểm ưu tiên khu vực liệu có còn phù hợp trong điều kiện hiện nay.

Những ngày này, thí sinh trúng tuyển đợt 1 vào các trường đại học đang làm thủ tục xác nhận nhập học. Thế nhưng câu chuyện điểm chuẩn trúng tuyển vào các trường khối công an, quân đội, y dược tăng cao và một số thí sinh khu vực 3 trượt nguyện vọng 1 vào trường top trên vì kém điểm ưu tiên và tiêu chí phụ vẫn là đề tài được thí sinh và dư luận xã hội quan tâm. Nhiều ý kiến băn khoăn về chính sách cộng điểm ưu tiên khu vực liệu có còn phù hợp trong điều kiện hiện nay.

Quy định về điểm cộng ưu tiên của Bộ Giáo dục và Đào tạo gồm có điểm cộng ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng, trong đó điểm cộng ưu tiên khu vực cao nhất là 1,5 điểm và ưu tiên đối tượng cao nhất là 2 điểm. Ngoài ra còn một chính sách ưu tiên với thí sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi... Chính sách cộng điểm ưu tiên này được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện từ nhiều năm nay, nhằm tạo cơ hội tiếp cận giáo dục công bằng cho tất cả học sinh ở các vùng miền khác nhau.

 

Một số thí sinh trượt NV1 vào trường top trên vì kém điểm ưu tiên và tiêu chí phụ vẫn là đề tài được thí sinh và dư luận xã hội quan tâm.

Tiến sỹ Phạm Thu Hương, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Ngoại thương cho biết: "Về chế độ ưu tiên là cần thiết, để đảm bảo cho các bạn có khả năng tiếp cận với giáo dục đại học ở các điều kiện khác nhau về mặt kinh tế xã hội. Với Đại học Ngoại thương, qua phân tích thì tỷ lệ các bạn vào theo các khu vực, khu vực 3, khu vực 2 khu vực 2 nông thôn… thì tương đối đồng đều, phù hợp với việc phân bổ về mặt điều kiện học tập… Theo chúng tôi nhìn nhận, ở các trường đại học trên thế giới cũng vậy, họ cũng có những đối tượng ưu tiên".

Tuy nhiên, từ khi tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, việc cộng điểm ưu tiên lại khiến nhiều người băn khoăn vì đã xảy ra tình trạng thí sinh có điểm thi thực 3 môn cao, thậm chí là đạt điểm tối đa 30 điểm nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1, còn những thí sinh khác điểm thi thấp hơn lại trúng tuyển do được cộng điểm ưu tiên.

Qua phân tích của Trường Đại học Y Hà Nội, chỉ có 5% thí sinh trúng tuyển ngành Y đa khoa không được cộng điểm ưu tiên do ở khu vực 3 (gồm các quận nội thành của thành phố trực thuộc trung ương) trên tổng số 476 thí sinh trúng tuyển. Trong số 451 thí sinh được cộng điểm có tới 51 thí sinh được cộng đến 3,5 điểm ưu tiên khu vực, đối tượng.

 

Nhiều thí sinh thấy bất công trong việc cộng điểm ưu tiên.

Đối với ngành Y đa khoa của Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh, chỉ có 32 thí sinh trong số 404 thí sinh trúng tuyển thuộc khu vực 3, tức là thí sinh có điểm thi thực trúng tuyển không được cộng điểm. Ngành Y đa khoa của Đại học Y dược Hải Phòng cũng chỉ có 56 thí sinh khu vực 3 trúng tuyển. Thực tế này cho thấy, việc cộng điểm ưu tiên khiến nhiều thí sinh ở khu vực 3 hầu như không được tiếp cận những trường top đầu, có điểm chuẩn cao như công an, quân đội, hay ngành Y đa khoa.

Tiến sỹ Vũ Thu Hương, giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng chính sách cộng điểm hiện nay không còn phù hợp và đang tạo ra sự bất bình đẳng giữa các thí sinh: "Theo tôi đây là một chủ trương đã rất cũ, nó đã có rất nhiều ưu điểm, lợi thế cho nhiều thí sinh vùng sâu, vùng xa tiếp cận giáo dục đại học. Tuy nhiên, đến nay cũng phải thừa nhận rằng nền kinh tế các khu vực đã khá hơn rất nhiều và đã xuất hiện một số sự bất cập khi áp dụng cách cộng điểm này. Đây chính là sự thiếu công bằng đối với các bạn trẻ. Theo tôi nên bỏ chế độ cộng điểm này, nếu không thì nên điều chỉnh làm sao cho điểm cộng có thể ít hơn, không nên để điểm cộng quá nhiều, nhiều hơn 1 điểm".

Theo ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, việc cộng điểm ưu tiên trong xét tuyển hiện nay vẫn có yếu tố tích cực đó là góp phần đào tạo nguồn nhân lực theo địa chỉ mà chúng ta mong muốn. Tuy nhiên, việc cộng điểm ưu tiên bao nhiêu cho hợp lý cần phải xem xét thấu đáo.

"Rõ ràng đã đến lúc chúng ta phải xác định một ngưỡng cộng thế nào cho phù hợp. Về nguyên lý điểm để xác định thí sinh có vào trường hay không cơ bản là điểm thi, điểm cộng là phần cộng thêm chiếm tỷ trọng nhỏ trong điểm mà thí sinh trúng tuyển. Đến thời điểm này, chúng ta nên xác định ngưỡng cộng như thế nào, khoảng cộng bao nhiêu cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, sự chênh lệnh điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa, học tập của các em thí sinh ở các địa bàn khác nhau" - ông Thắng nói.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, cách đây 2 năm, khi vấn đề điểm ưu tiên gây tranh cãi trong dư luận, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động họp với các Bộ, ngành liên quan để nhìn nhận, đánh giá. Cuối cùng, tất cả ý kiến toàn diện nhất đều đưa đến kết luận chưa bỏ được điểm ưu tiên. Tuy nhiên, không phải điểm ưu tiên sẽ được giữ nguyên trong các kỳ thi tới. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lắng nghe ý kiến sẽ có những nghiên cứu sâu hơn qua những khảo sát, thống kê về chỉ số chênh lệch điều kiện vùng miền trong học tập, nhằm mục đích xác định điểm ưu tiên sao cho phù hợp./.

Minh Hường/VOV-Trung tâm TinKH

Tệp đính kèm