(Ảnh minh họa: TTXVN)
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm tổ chức đánh giá về kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, tuyển sinh đại học năm 2017 và công bố phương án thi năm 2018 ngay đầu năm học. Đây là ý kiến kiến nghị của nhiều địa phương, nhằm giúp học sinh, giáo viên có sự chủ động trong kế hoạch năm học.
Phải đánh giá lại kỳ thi
Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017 nhìn chung đã được tổ chức khá thành công, giảm áp lực cho học sinh là nhận định của nhiều lãnh đạo các sở giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, vẫn cần phải đánh giá, nhìn nhận lại để có thể tổ chức tốt hơn trong năm tới.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang, trong những năm qua, Bộ đã liên tục có những cải tiến trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Đặc biệt, kỳ thi năm 2017 đã có thành công căn cơ, được xã hội đồng tình, kỳ thi nghiêm túc nhưng không áp lực.
“Bộ nên chỉ đạo đánh giá rút kinh nghiệm, phân tích sâu sắc các mặt hạn chế, khiếm khuyết và đưa ra giải pháp kịp thời. Nên làm sớm để kịp triển khai trong giảng dạy từ đầu năm học hiệu quả hơn, giúp học sinh phụ huynh yên tâm,” bà Giang kiến nghị.
Đây cũng là ý kiến của bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long. Theo bà Thanh, dư luận tại Vĩnh Long đánh giá rất cao việc tổ chức kỳ thi tổ chức ngay tại địa phương đã giúp giảm áp lực thi cử, giảm chi phí tài chính trong khi vẫn đảm bảo kỳ thi nghiêm túc. “Người dân ví như kỳ thi đình được tổ chức tại xã,” bà Thanh chia sẻ.
Giám đốc Sở Vĩnh Long cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có tổng kết kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017 và đưa ra phương án tổ chức cho kỳ thi năm 2018 để công bố sớm. “Trên cơ sở đó, các nhà trường, giáo viên và học sinh có sự chuẩn bị cho năm học mới tốt hơn,” bà Thanh nói.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: TTXVN)
Năm 2018: Giữ ổn định như 2017, có điều chỉnh kỹ thuật
Theo bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia vừa qua "là một nỗ lực rất lớn của ngành giáo dục.”
“Còn một số điểm chủ yếu về kỹ thuật nên tiếp thu chỉnh sửa, nhưng năm 2018 cơ bản nên duy trì phương án như năm nay. Chúng tôi sẽ nỗ lực cùng Bộ để kỳ thi năm sau hoàn thiện hơn,” bà Chi nói.
Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội Hoàng Minh Sơn cũng cho biết ông đánh giá rất cao kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học năm 2017. “Việc đổi mới phương thức thi và xét tuyển thực sự đã thành công. Tất nhiên, trong quá trình này cũng có một số bất cập, nhưng phần lớn là những bất cập đã tồn tại từ trước đến nay nhưng nay nhìn thấy rõ hơn,” ông Sơn nói.
Theo đó, ông Sơn kiến nghị Bộ cần điều chỉnh một số yếu tố để hoàn thiện hơn trong năm tới.
“Tôi kiến nghị năm 2018 Bộ tiếp tục giữ ổn định phương thức tuyển sinh, tổ chức thi. Một số chi tiết cần điều chỉnh như việc làm tròn điểm, đề thi phân hóa cao hơn, xem xét cơ chế ưu tiên phù hợp hơn với bối cảnh mới,” ông Sơn nói.
Trước đó, trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 sẽ cơ bản giữ ổn định như 2017 và chỉ điều chỉnh về kỹ thuật.
Phó Thủ tướng đánh giá kỳ thi trung học phổ thông năm học vừa qua đã tiếp tục đổi mới rất mạnh mẽ, kết hợp với tuyển sinh, dù không hài lòng hết được nhưng cơ bản tốt.Theo đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục cần tập trung vào khâu ra đề sao cho tốt hơn.
Xem xét lại việc chia nhỏ bài thi
Phó Thủ tướng yêu cầu đổi mới phải trên tinh thần vì học sinh và việc tuyển sinh là vấn đề tự chủ của các trường đại học.
Theo đó, ông đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với các trường đại học về việc có nhất thiết chia nhỏ hai bài thi Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội, mỗi bài thành ba môn nhỏ, với mục đích để có điểm từng môn, đáp ứng nhu cầu tuyển sinh của các trường. “Điều này làm cho công tác ra đề, in đề, tổ chức thi rất phức tạp, học sinh thi cũng rất mệt,” Phó Thủ tướng nói.
Ông Đam cho rằng, kỳ thi cung cấp dữ liệu cho các trường tham khảo để tuyển sinh. Việc tuyển sinh là do các trường tự chủ. Vì thế, thí sinh ảo là chuyện của các trường và không nên kêu ca.
“Ở phương tây, một học sinh nhận được giấy của cả chục trường và chỉ chọn một trường, trường khác thành ảo. Tất nhiên các thầy cũng có lý của mình nhưng phải đặt trên chung hết là đổi mới phải vì người học. Trên tinh thần đó, đề nghị các trường chung sức chung lòng, phải cố hơn vì học sinh,” Phó Thủ tướng nói./.
Theo LÊ HÀ/nhandan.com.vn