Cập nhật: 26/08/2017 10:50:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

(Ảnh minh họa: DUY LINH)

Chẳng phải đến bây giờ, câu chuyện ngành sư phạm mới được nóng lên. Việc một số trường cao đẳng sư phạm tuyển sinh với điểm chuẩn quá thấp đâu phải bây giờ mới có. Và cũng có không ít trường đại học, cao đẳng của các ngành khác hoàn cảnh cũng chẳng mấy khả quan hơn. Giải quyết vấn đề bằng quy hoạch lại hệ thống các trường sư phạm đã được đặt ra từ lâu và có thể nói các cơ sở pháp lý cũng như sự quan tâm của Chính phủ đã đầy đủ, thế nhưng đến nay kết quả cũng chỉ mới dừng lại ở “khẩu hiệu” mà thôi.

Nhân Dân điện tử xin giới thiệu ý kiến của TS Trần Văn Dũng sau sự việc hàng loạt trường CĐ, ĐH sư phạm tuyển sinh đầu vào thấp từ 9 đến 15 điểm.

Con đường dẫn tới sự lựa chọn

Trước hết, nói về tâm lý lựa chọn. Sự lựa chọn của học sinh và định hướng của phụ huynh hiện nay không còn chịu ảnh hưởng quá nhiều theo quan niệm truyền thống của người xưa. Việc vào ngành sư phạm không phải “chuột chạy cùng sào”. Ngày nay, người ta đua nhau thể hiện tài năng và khổ luyện để theo nghề múa hát, nghề thể thao dù nghề này người xưa coi là “xướng ca vô loài”.

Vì sao các thí sinh lại chen chân vào các trường quân sự, công an khiến điểm chuẩn các trường của khối ngành này cao chót vót? Phải chăng đây là nhận thức và là ý thức của thanh niên trong công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia và quốc phòng được đẩy lên một mức cao? Có thể thẳng thắn nói với nhau một điều, mọi sự lựa chọn, trước hết trong thời điểm hiện nay là đầu ra, là công ăn việc làm, là cuộc sống của họ chứ chưa hẳn đã là sở trường, sở thích, là ý nguyện thực sự.

Ngành sư phạm cũng nằm trong bối cảnh đó. Nhiều người cho rằng, người học không muốn theo ngành sư phạm vì làm giáo viên sẽ phải chấp nhận khó khăn về kinh tế, trong khi phải chịu nhiều áp lực trong công việc… Nhưng có lẽ nguyên nhân chính nằm ở chỗ ngành sư phạm là ngành nhất thời đặc biệt gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm.

Sinh viên các ngành khối công an, quân đội ra trường có ngay công việc do ngành sắp xếp, mà sở dĩ sắp xếp được là do các ngành này cơ bản cân đối được cung cầu. Sinh viên ngành y, tài chính, kế toán, nông, lâm nghiệp, du lịch, luật…ra trường nếu không được tuyển vào các cơ quan nhà nước có thể tự tìm kiếm cơ hội tham gia công việc trong phạm vi môi trường lao động linh hoạt hơn, thậm chí trong phạm vi gia đình. Còn sản phẩm của ngành sư phạm khó có thể làm được như vậy. Họ phải hoạt động trong một môi trường không dễ dàng cho mỗi cá nhân có quyền lựa chọn.

Nhìn vào thông báo chỉ tiêu tuyển giáo viên hàng năm của các địa phương, chứng kiến cảnh hàng loạt các anh chị tốt nghiệp những khóa trước đang “dồn toa”, cộng thêm cảnh một số giáo viên đang giảng dạy đột nhiên phải chấm dứt hợp đồng lao động… thì giáo viên mới tốt nghiệp ra trường hầu như mất hết tự tin. Nếu như không nằm trong diện được ưu tiên đặc biệt thì có thể nói họ hoàn toàn bất lực trước việc theo đuổi nghề giáo, và rồi phải nghĩ đến một lối rẽ khác, thậm chí “cho quên” cái bằng tốt nghiệp đại học để đi làm các công việc của lao động phổ thông.

Như vậy, mấy ai lại nghĩ đến việc đầu tư thời gian 3-4 năm trời, với số tiền cha mẹ bỏ ra không hề nhỏ để rồi cầm chắc trong tay cái bằng “thất nghiệp”, nhất là đối với những học sinh học giỏi, học khá ở phổ thông.

Những vấn đề khác như lương thấp, áp lực công việc,… đặt trong tương quan một số không ít các ngành nghề khác thì đây không phải là yếu tố quyết định để mọi người quay lưng với nghề dạy học. Xét về mức lương, nhiều ngành nghề thuộc khối hành chính và sự nghiệp có mức thu nhập về lương thấp hơn lương của giáo viên hiện nay, nhất là các vùng miền núi, trung du. Về áp lực, không ít công việc có thể nói là áp lực lớn hơn rất nhiều, nhất là những ngành nghề trong lĩnh vực kinh doanh. Nhìn chung tuổi trẻ thường không sợ áp lực công việc bằng sự nhàm chán và bấp bênh.

Nghịch lý cung cầu

Nguyên nhân của tồn tại này chắc ai cũng có thể nhận ra, đó là quan hệ cung cầu. Nhìn vào chỉ tiêu tuyển giáo viên các bậc học phổ thông do các địa phương thông báo hàng năm và chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở đào tạo giáo viên trong cả nước sẽ thấy một sự chênh lệch rất lớn, thậm chí đến mức tưởng chừng chúng ta đang làm một việc hết sức phi lý. Ấy vậy mà vẫn cứ làm, và vẫn làm được bình thường, bởi vì hầu như không có ai kiểm soát.

Sơ bộ, có thể thấy một số nghịch lý sau: Thứ nhất, số lượng tuyển sinh tỷ lệ nghịch với nhu cầu và mất cân đối giữa các địa bàn.

Thứ hai, một số địa phương đã có trường đại học sư phạm do Bộ GD-ĐT quản lý đóng trên địa bàn, có khả năng đáp ứng nhu cầu giáo viên tất cả các bậc học nhưng vẫn duy trì sự tồn tại của trường cao đẳng sư phạm do địa phương quản lý, thậm chí có địa phương còn “khai sinh” loại hình trường này sau cả thời điểm ra đời của trường đại học nói trên.

Thứ ba, nhiều địa phương có trường cao đẳng sư phạm và vẫn giao chỉ tiêu tuyển sinh đều đặn hàng năm nhưng trong thông báo tuyển giáo viên các bậc phổ thông thì chỉ tuyển những đối tượng có bằng tốt nghiệp đại học. Rõ ràng, đã đến lúc địa phương không có nhu cầu sản phẩm từ các trường cao đẳng nhưng vẫn duy trì hệ đòa tạo này.

Không phủ nhận vai trò của loại hình trường này bởi sự đóng góp rất lớn của nó cho giáo dục nước nhà trong một thời gian khá dài vừa qua. Tuy nhiên, đến nay chúng ta cần phải mạnh dạn thay đổi cho phù hợp với thực tế hiện tại cũng như lâu dài. Việc sắp xếp các trường cao đẳng sư phạm trở thành hệ thống vệ tinh xung quanh trường đại học sư phạm về cơ bản vẫn không giải quyết được tình trạng dôi dư lãng phí, bất cập. Nếu lo ngại việc không còn tồn tại hệ thống các trường cao đẳng sư phạm làm nảy sinh vấn đề khó khăn trong sắp xếp công việc cho bộ máy và đội ngũ giáo viên của các trường này nhưng cần mạnh dạn giải quyết dôi dư một bộ phận nhỏ để ngăn ngừa một sư dôi dư theo cấp số nhân, làm lãng phí ngân sách địa phương khi loại hình trường này tiếp tục đào tạo ra sản phẩm cơ bản thất nghiệp.

Về quy hoạch và sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên, đã có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Số 121/2007/QĐ-TTg) về việc Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006-2020, sau đó là Quyết định số 37/2013/QĐ-TTg ngày 26-06-2013 về việc Điều chỉnh Quy hoạch trên. Vừa qua, Chính phủ đã ra Nghị định 46/2017/NĐ-CP, Quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong việc xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn 2030. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ lại yêu cầu Bộ GD-ĐT quy hoạch lại mạng lưới trường đại học. Có thể nói cơ sở pháp lý cũng như sự quan tâm của Chính phủ đã đầy đủ, thế nhưng đến nay kết quả cũng chỉ mới dừng lại ở “khẩu hiệu” mà thôi.

TS. TRẦN VĂN DŨNG

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm