Vài năm trở lại đây, do biến đổi khí hậu nên nhiều cửa sông, cửa biển ở khu vực các tỉnh miền Trung như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Phú Yên… bị cát biển vùi lấp, làm đảo lộn cuộc sống của hàng vạn ngư dân. Nhiều nơi, ngư dân buộc phải chấp nhận đầu hàng với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, bán tàu, bán thuyền bỏ nghề đi biển.
Nước mắt nghề đi biển
Ở cửa biển Roòn, xã Cảnh Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình, nơi hàng ngàn tàu thuyền ngư dân miền Trung thường đậu đỗ cũng bị cát biển bồi lấp nghiêm trọng. Hàng loạt tàu thuyền của ngư dân gặp nạn bị cát, sóng đánh tan ở cửa biển này. Sau nhiều lần kiến nghị lên huyện, tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn song cửa biển vẫn chưa được khơi thông, mới đây, hàng ngàn hộ ngư dân ở Cảnh Dương đã thống nhất tự đóng tiền nạo vét cửa biển để những con tàu tiếp tục ra khơi.
Điêu đứng vì cửa biển
Cửa biển sông Roòn là nơi giáp ranh giữa hai thôn Đông Cảng, xã Cảnh Dương và thôn Phú Xuân, xã Quảng Phú, thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Trên cửa biển này hằng ngày có hàng ngàn tàu thuyền của ngư dân Quảng Bình và các tỉnh miền Trung neo đậu. Chỉ tính riêng 2 xã Cảnh Dương và Quảng Phú của huyện Quảng Trạch đã có gần 90% hộ dân sống cùng nghề biển với gần 300 tàu đánh bắt xa bờ.
Chính vì số lượng tàu thuyền vào ra lớn nên cửa biển sông Roòn được ngư dân xem như một âu thuyền lớn mà thiên nhiên ban tặng khi trời mưa bão. Song vài năm trở lại đây, cửa biển sông Roòn lại trở thành cửa tử đối với không ít tàu thuyền của ngư dân. Nhiều ngư phủ cả đời gắn bó với biển cả, với những con tàu giờ đứng trước cửa biển sông Roòn với lòng đăm chiêu, trĩu nặng bởi tốc độ cát vùi lấp cửa sông, cửa biển một cách ồ ạt.
Nhiều tàu thuyền của ngư dân bị sóng, cát đánh hư hỏng ngay nơi cửa biển sông Roòn buộc phải đưa đi sửa chữa.
Cách đây vài năm, cửa biển ở bến sông này rộng hơn 100m với mực nước rất sâu, cùng lúc có hai đến bốn tàu thuyền lớn có thể vào ra. Nhưng giờ những ụn cát từ biển đưa vào như những mũi tên ngầm tạo thành yết hầu đánh tan cả những con tàu 400 đến 700CV. Do cát bồi lấp với tốc độ nhanh nên nhiều tàu thuyền của bà con ngư dân khi vào tránh, trú hoặc cập bến chuyển hàng nhưng sau đó không thể ra. Nhiều tàu thuyền bị sóng, cát đánh gãy chân vịt, bị vỡ mạn tàu, có tàu vĩnh viễn bị cát và sóng biển vùi lấp.
Theo thống kê, trong năm 2015 và 3 tháng đầu năm 2016 đã có gần 40 tàu thuyền của ngư dân gặp nạn ngay ở cửa biển bến sông Roòn. Ngư dân Hoàng Đình Nam than thở: “Tàu đi trên biển bao la suốt hàng chục ngày trời không hề hấn gì nhưng khi vô chạm đến đất liền thì lại gặp nạn vì cát, vì sóng”.
Những thiệt hại của ngư dân do gặp nạn vì cát ở cửa sông này rất lớn, chẳng hạn như tàu của anh Nguyễn Xuân Hồng, ở thôn Đông Cảng, xã Cảnh Dương do bị mắc cạn nên động cơ phát lửa cháy cabin tàu, thiệt hại gần 300 triệu đồng… Do cửa sông Roòn bị cát vùi lấp, nên để tránh nạn, nhiều ngư dân khi tàu đầy tôm cá lại phải neo trên biển, sau đó thuê thuyền nhỏ ra vận chuyển thủy hải sản vào bờ. Thậm chí nhiều ngư dân khi tàu vào bờ phải chạy đi xa vào các âu thuyền của các tỉnh khác để neo đậu.
Ông Cao Xuân Đố, chủ doanh nghiệp sửa chữa tàu thuyền gần cửa Roòn cho biết: “Do cửa sông Roòn bị cát vùi lấp, tàu không thể vào ra để sửa chữa, vì vậy trước đây, cơ sở này luôn tấp nập tàu thuyền, nhưng nay nhiều ngày, nhân công chỉ ngồi nhìn biển. Trong khi đó, nhiều tàu của ngư dân khi cập bến muốn tu sửa để ra khơi an toàn lại phải chạy lòng vòng đến nơi khác, tốn thêm rất nhiều chi phí”.
Mở đường ra biển lớn
Trong các xã ven biển dọc dải đất miền Trung, xã Cảnh Dương nằm dưới chân đèo Ngang, tỉnh Quảng Bình có lẽ là xã về đích nông thôn mới đầu tiên. Nói chuyện với chúng tôi, cụ Nguyễn Đình Hải cười khà khà: “Trong chiến tranh, giặc đánh phá ngày đêm cắt quốc lộ 1A, đánh phá bờ biển cửa Roòn hòng ngăn tàu chở lương thực, quân nhu cập cảng để đưa vào miền Nam, nhưng nhân dân trong vùng đều chung khí tiết: Xe chưa qua nhà không tiếc. Giờ không có lý do gì vì cát bồi lấp mà để hàng ngàn tàu thuyền cùng ngư dân xót xa nhìn biển”.
Sau vài lần tổ chức họp dân, họp làng, hàng ngàn hộ dân xã Cảnh Dương phối hợp cùng với một số hộ dân ở xã Quảng Phú và Quảng Xuân, tỉnh Quảng Bình quyết định làm đề án rồi tự đóng góp tiền hằng tháng để “Nạo vét thông luồng cửa biển Roòn” để ngư dân mở đường ra biển. Theo đó, mỗi hộ ngư dân có tàu thuyền đóng góp trung bình hàng tháng 400 ngàn đồng, ngoài ra các chủ vựa tàu cá, hải sản đóng góp thêm hàng chục triệu đồng để nạo vét cát. Để có đường ra biển, ngư dân nơi đây đã tự đóng góp hàng chục tỷ đồng để thông luồng cho tàu bám biển.
Ông Cao Quý Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết, “xã Cảnh Dương có 8.700 nhân khẩu với hơn 70% làm nghề biển, trung bình mỗi năm bà con thu về từ biển 46 tỷ đồng. Nhưng kinh tế là một chuyện, còn lại lòng yêu biển của bà con nơi đây có thể nói ít đâu bằng”.
Có nhiều dòng họ, ngôi làng nơi đây, bà con luôn xem biển, đảo như quê hương thứ hai của mình. Cụ Trần Văn Thanh, một ngư phủ hơn 50 năm đi biển chủ yếu ở vùng đảo Hoàng Sa cho biết, theo gia phả của dòng họ, đến đời cụ Thanh là đời thứ 13 đi biển đánh cá ở vùng đảo Hoàng Sa. Theo cụ Thanh: “Hoàng Sa, Trường Sa của tổ tiên mình, ông bà mình để lại từ gần cả ngàn năm trước, vì vậy tui dặn con cháu cứ vùng biển của mình mình đến, mình không đi không đến họ lại tưởng mình sợ, rồi dần dần vắng ngư dân mình họ sẽ coi như nghiễm nhiên là của họ”.
Chia tay bà con ngư dân ở Cảnh Dương, chúng tôi ra về khi mặt trời dần xuống, nghe tiếng đục tiếng bào của ngư dân đang đóng những con tàu mới với công suất lớn hơn, hiện đại hơn để ngày đêm bám biển, tôi chợt nghĩ, hàng ngàn ngư dân nơi đây tự đóng tiền mở đường ra biển với khát vọng làm giàu, khát vọng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng nơi biển cả thật đáng ngưỡng mộ, trân trọng. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và các bộ, ngành liên quan cần nhanh chóng vào cuộc với ngư dân để giải quyết tình trạng bồi lấp biển nơi đây.
Theo Dương Sông Lam/cand.com.vn