Cập nhật: 29/08/2017 14:21:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để việc triển khai chương trình mới có hiệu quả.

Địa phương chưa đủ điều kiện áp dụng chương trình mới. Giáo viên nơi thừa, nơi thiếu. Cơ sở vật chất chưa đồng bộ. Chuẩn ngoại ngữ chưa đạt... Đó là hàng loạt những vấn đề khiến ngành giáo dục còn rối bời trước thềm năm học mới.

Lùi thời gian áp dụng chương trình mới

Đó là đề xuất của rất nhiều địa phương đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trước chủ trương sẽ áp dụng đại trà chương trình giáo dục phổ thông bắt đầu từ năm 2018. Với rất nhiều thay đổi về chương trình, sách giáo khoa phổ thông, số môn học, tiết học và phương pháp giảng dạy,... lãnh đạo nhiều tỉnh cho rằng, cơ sở vật chất, giáo viên ở địa phương chưa thể “kham” nổi.

Là giáo viên trẻ, vào nghề được 10 năm và cũng đủ kinh nghiệm để có độ “chín” trong nghề, tuy nhiên cô Phạm Thị Hương, giáo viên Văn ở TP Vinh (Nghệ An) vẫn rất lo lắng với việc áp dụng chương trình mới vào năm sau. Cô Hương cho rằng: “Có quá nhiều thay đổi, về thời lượng và việc phân bổ chương trình không nói, nhưng chỉ riêng việc có thêm nhiều môn học mới, yêu cầu về đổi mới phương pháp dạy, lồng ghép kỹ năng sống và các hoạt động trải nghiệm cùng với cách đánh giá học sinh mới cũng làm giáo viên hết sức lo lắng. Giáo viên cần có thời gian để thẩm thấu, thấm nhuần và được bồi dưỡng. Có như vậy việc truyền tải đến học sinh mới có thể hiệu quả được”.

 

Không chỉ có giáo viên, rất nhiều phụ huynh cũng hoang mang khi con mình sẽ trở thành những “lứa” đầu tiên áp dụng chương trình mới. Chị Trần Thị Bình (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) có con gái 5 tuổi sẽ vào lớp 1 năm 2018, bày tỏ lo lắng: “Chương trình và sách giáo khoa mới rất tốt nhưng thời gian học của các con vẫn thấy khá nhiều và còn nặng. Hơn nữa, không chỉ cơ sở vật chất ở miền núi, vùng sâu là khó khăn đâu. Ngay ở Hà Nội, nhiều khu chung cư, các trường “top” mỗi lớp còn đông đến 60 - 70 học sinh, có trường không đủ lớp phải bắt các con thay ca học vào thứ bảy, chủ nhật thì giáo viên làm sao mà cho các con trải nghiệm được”.

Đó cũng là “tâm tư” của rất nhiều lãnh đạo ngành giáo dục địa phương. Bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang cho biết, nếu áp dụng ngay trong năm 2018 tức là thầy và trò chỉ còn đúng một năm để chuẩn bị. “Liệu một năm đó, điều kiện cơ sở vật chất, đặc biệt là giáo viên có đáp ứng được yêu cầu của đổi mới hay không?”, bà Giang đặt câu hỏi. Vị lãnh đạo Sở cũng cho rằng, Bộ GD&ĐT nên triển khai từng nội dung chứ không nên làm đồng loạt cùng một lúc khiến các địa phương, đặc biệt những vùng khó khăn không thể kham nổi.

Thừa Thiên - Huế là tỉnh có số lượng giáo viên khá đông: 17.000 người. Chính vì vậy việc đào tạo giáo viên để thích hợp chương trình mới chỉ trong một năm là rất khó với địa phương này. Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh, ông Phạm Văn Hùng cho rằng: “Bắt đầu lộ trình thay đổi từ năm 2018 là hơi gấp. Bộ GD&ĐT nên xem xét lùi lại, việc lùi lại là để địa phương có khoảng thời gian vật chất cần thiết để triển khai bồi dưỡng giáo viên. 17.000 giáo viên của tỉnh là con số không nhiều nhưng để “thấm”, “hiểu” và “chín” được không thể ngày một ngày hai”.

Đồng tình quan điểm này, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định cũng cho rằng, Bộ GD&ĐT cần công bố điều kiện tối thiểu của các địa phương khi bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới. Nếu địa phương nào còn quá nhiều khó khăn, không đủ điều kiện để áp dụng ngay thì nên cho lùi lại. Vị này cũng đánh giá, hiện chất lượng giáo dục phổ thông vẫn… chấp nhận được. Chưa đến mức cấp bách để phải đổi mới ngay.

Đừng để đổi mới rồi lại... sửa

Nói về vấn đề này, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, có chương trình tốt là một phần, triển khai tốt để đạt được mục tiêu mới là phần quan trọng.

Ông Bình cho rằng: “Một lần làm là một lần khó. Chúng ta phải chuẩn bị chương trình, phương pháp, thầy, cô trọn vẹn. Một điều rất thử thách nữa là chuẩn bị điều kiện cơ sở. Có lẽ chúng ta phải xem xét rất kỹ điều này. Không thể tiếp tục triển khai để lại đổi mới và sửa. Chúng ta nên làm thật chậm, thật kỹ, thật trọn vẹn”.

Đó cũng là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đối với lãnh đạo Bộ GD&ĐT qua một số cuộc làm việc liên quan vấn đề chương trình mới. Phó Thủ tướng cho rằng, việc đổi mới là cần thiết, tuy nhiên việc đổi mới một lần để áp dụng cho nhiều năm nên cần làm cho kỹ lưỡng. “Nếu thấy địa phương chưa đủ điều kiện bảo đảm chất lượng thì có thể lùi. Tuy nhiên, tinh thần của chương trình mới là có rồi nên ngay bây giờ phải mang tinh thần đổi mới vào dạy chương trình cũ, kết hợp tập huấn giáo viên chứ không nhất thiết phải chờ chương trình mới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Để gỡ “nút thắt” giáo viên, theo Phó Thủ tướng, ngành giáo dục cần điều chỉnh ngay vấn đề thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở địa phương, giải quyết vấn đề cử nhân thất nghiệp nhiều để nâng cao chất lượng đầu vào sư phạm. “Không một ngành nào biết trước nhu cầu thị trường tốt bằng ngành giáo dục. Thế nhưng làm sao mà thừa nhiều giáo viên đến thế? Các ngành khác, hỏi vì sao thừa còn khó trả lời, nhưng với ngành giáo dục, có ai trả lời được là tại sao vẫn không dự báo được?”, ông Đam đặt câu hỏi.

Thừa nhận những bất cập, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong năm học mới 2017 - 2018, ngành giáo dục sẽ tập trung giải quyết ba nhóm nhiệm vụ, trong đó có việc rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Đồng thời, đẩy nhanh việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên.

Ngoài ra, ông Nhạ cho biết với chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT sẽ chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để việc triển khai có hiệu quả .Trong đó, tập trung vào công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới.

 

 

Theo MAI KHANH/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm