Cập nhật: 04/09/2017 10:21:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tiền trường, gồm các khoản học phí và nhiều khoản thu ngoài học phí, dồn vào đầu năm học là gánh nặng đối với nhiều gia đình, gây ra tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế và xã hội. Năm nay, bên cạnh một số những chính sách về học phí, miễn học phí, từ đầu năm học, ngành giáo dục đã ban hành các quy chế, quy định nhằm chấn chỉnh nghiêm túc công tác thu chi tài chính, đóng góp đầu năm học.

Ngay khi năm học sắp bắt đầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có công văn yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp công lập cam kết thực hiện giá dịch vụ giáo dục năm học 2017-2018. Bộ GD-ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp công lập trực thuộc T.Ư thực hiện mức thu học phí năm học 2017-2018 không vượt mức trần học phí quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2-10-2015 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.

Đối với các khoản thu ngoài học phí, Bộ GD-ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục tiết giảm chi phí hoạt động, hạn chế thu các khoản thu ngoài học phí, đồng thời phải cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo; xây dựng và công bố công khai chuẩn chất lượng đầu ra đối với sinh viên; xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ đảm bảo công khai, minh bạch, có cơ chế để cán bộ, giảng viên, người lao động, sinh viên và các tổ chức khác tham gia giám sát toàn bộ hoạt động của nhà trường.

Đối với các bậc học phổ thông, Bộ GD-ĐT đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư quán triệt thực hiện thu học phí theo đúng quy định ban hành cho năm học 2017-2018 như đã báo cáo Bộ GD-ĐT; yêu cầu địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông cam kết và nghiêm túc không thu các khoản thu ngoài học phí trái quy định trong trường học. Văn bản của Bộ GD-ĐT nêu rõ: Các địa phương tự chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm đối với đơn vị, cá nhân cố ý vi phạm.

Chính sách miễn học phí đối với giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được bắt đầu thực thi từ năm học này với mục đích bảo đảm mọi đối tượng trong độ tuổi đều được tiếp cận với giáo dục, hạn chế tình trạng bỏ học và tăng tỷ lệ trẻ em đến trường ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các cơ sở đào tạo thực hiện giãn thời gian thu, thời điểm thu, tránh thu cùng một thời điểm đối với các trình độ đào tạo để hạn chế tối đa tác động của học phí đến chỉ số giá tiêu dùng.

Trong hướng dẫn thực hiện công tác thanh tra năm học 2017-2018, Bộ GD-ĐT yêu cầu các Sở GD-ĐT xây dựng kế hoạch thanh tra và tổ chức thực hiện thanh tra với một trong những nội dung cần tập trung là công tác thu chi tài chính. Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng đã ký công văn gửi thanh tra các sở GD-ĐT, yêu cầu: Trước mắt, cần tập trung thanh tra việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học mới, trong đó đặc biệt quan tâm thanh tra để kịp thời chấn chỉnh sai phạm (nếu có) trong việc dạy thêm học thêm, thu chi các khoản kinh phí đầu năm học và các vấn đề bức xúc mà xã hội quan tâm.

Tại Sở GD-ĐT Hà Nội, công tác quản lý thu chi đầu năm tiếp tục được tăng cường với yêu cầu các đơn vị trực thuộc nghiêm túc thực hiện đúng chỉ đạo về thu chi đầu năm. Ngoài những mức học phí thu theo quy định, các khoản thu khác được thực hiện theo Quyết định của UBND TP quy định về thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục công lập của TP Hà Nội, bảo đảm theo nguyên tắc thu đúng, chi đủ, đúng mục đích, phù hợp điều kiện kinh tế-xã hội, thu nhập trên từng địa bàn. Mức thu trên cơ sở dự toán chi phí và phải được thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ học sinh trên cơ sở tự nguyện.

Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết sẽ thành lập các đoàn kiểm tra tình hình thu chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục, kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm thu, thu các khoản trái quy định và sẽ xử lý nghiêm, kịp thời những hiệu trưởng thực hiện thu chi không đúng quy định. Bên cạnh đó, người dân người dân có thể phản ánh các hiện tượng thu chi không đúng quy định theo các đường dây nóng.

Về những khoản thu ngoài học phí, Sở GD-ĐT Hà Nội quy định: Đối với các khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu thu theo nguyên tắc không ép buộc hay bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh. Ngoài ra, Sở GD-ĐT cũng quy định cụ thể những khoản thu về đồng phục, quần áo thể dục, thể thao, phù hiệu; thu đóng góp kinh phí hoạt động của Ban đại diện Cha mẹ học sinh theo nguyên tắc công khai, dân chủ.

Năm học này, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ chú trọng tăng cường, kiểm tra giám sát để bảo đảm việc thu chi tài chính đối với việc tổ chức các mô hình dạy và học ngoại ngữ tại các cơ sở đào tạo được công khai, rõ ràng, minh bạch. Lãnh đạo Sở GD-ĐT nhấn mạnh: Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm làm rõ các khoản chi phí cho cơ sở vật chất, quản lý,… và được thể hiện trong quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế dân chủ trong trường học và đưa vào hệ thống sổ sách kế toán. Ban đại diện Cha mẹ học sinh của nhà trường cử đại diện cùng tham gia giám sát các nội dung liên quan đến việc thu chi.

Hy vọng rằng những chính sách, quy định, biện pháp quản lý cụ thể của Bộ GD-ĐT, ngành giáo dục địa phương đã đề ra sẽ phát huy hiệu quả, góp phần giảm bớt nỗi lo lắng về gánh nặng tiền trường đầu năm đối với các gia đình. Đồng thời, với sự vào cuộc nghiêm túc của các cơ quan quản lý, hoạt động thu chi trong nhà trường sẽ ngày càng minh bạch, người dân không còn bức xúc trước những khoản đóng góp sai quy định như những năm trước đây.

 

Theo LÊ HÀ/ nhandan.com.vn

Tệp đính kèm