Trong xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới hiện nay, mục tiêu đặt ra không chỉ chú trọng truyền thụ kiến thức mà còn hướng đến phát huy phẩm chất, năng lực của học sinh. Ðiều đó đòi hỏi đội ngũ giáo viên cần vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học (PPDH) tích cực. Tuy nhiên, để đội ngũ giáo viên có thể linh hoạt, áp dụng phối hợp các PPDH tích cực phù hợp trong mỗi bài học đang còn nhiều vấn đề đặt ra.
Học sinh Trường tiểu học Trung Chải (Sa Pa, Lào Cai) học tập gắn với lao động trong chăm sóc vườn hoa.
Thực tế những năm qua, ngành Giáo dục đã triển khai nhiều phương pháp, mô hình đổi mới theo hướng dạy học tích cực, phát huy phẩm chất, năng lực học sinh theo yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Trong đó, mô hình trường học mới là bước khởi đầu khá quan trọng trong việc thay đổi tư duy, PPDH từ thụ động sang hướng tích cực. Mô hình đã tập trung vào các yếu tố đổi mới thông qua hướng dẫn học sinh tự học trên cơ sở bộ sách giáo khoa giữ nguyên kiến thức như thông thường nhưng phương pháp chuyển từ tập trung trình bày kiến thức sang hướng dẫn hoạt động học cá nhân và học tương tác để tìm tòi, phát hiện kiến thức mới. Mặt khác mô hình xây dựng các tập thể học sinh tự quản, đổi mới không gian lớp học để hỗ trợ các hoạt động giáo dục... Giáo viên chuyển từ vai trò là người truyền đạt kiến thức (giảng bài) sang là người tổ chức, hướng dẫn, theo dõi, hỗ trợ hoạt động học dựa theo sách giáo khoa và sách giáo viên...
Theo Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Ðào tạo) Nguyễn Ðức Hữu, bản chất mô hình trường học mới là PPDH tích cực lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm. Ðánh giá của Bộ GD và ÐT cho thấy đến hết năm học 2016 - 2017, ngoài 1.447 trường tiểu học ở tỉnh, thành phố triển khai mô hình trường học mới, đã có hơn năm nghìn trường tiểu học, THCS không thuộc diện hỗ trợ của các dự án triển khai theo mô hình trường học mới. Ðiều này giúp thay đổi, đáp ứng yêu cầu đổi mới PPDH tích cực phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh theo yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Tại tỉnh Ðiện Biên, theo Phó Giám đốc Sở GD và ÐT Nguyễn Mạnh Quân, kết thúc năm học 2016 - 2017, toàn tỉnh đã có 154 trong tổng số 180 trường tiểu học triển khai mô hình trường học mới. Khi áp dụng mô hình trường học mới đồng nghĩa với PPDH thay đổi phát huy được sự sáng tạo, tương tác giữa người dạy và người học, giúp đỡ nhau phát triển kỹ năng cơ bản, hình thành phẩm chất, năng lực, nâng cao giá trị giáo dục học sinh trong các hoạt động học tập. Khảo sát, đánh giá của Ngân hàng Thế giới cho thấy, mô hình trường học mới đã tác động thay đổi nâng cao chất lượng trường học qua việc thay đổi của giáo viên và học tập tích cực của học sinh. Ðiển hình là việc học sinh cải thiện khả năng giao tiếp và tính sáng tạo, tự tin bảo vệ quan điểm của mình, biết chia sẻ, quan tâm đến anh chị em, bạn bè, phát triển hơn các giá trị đạo đức như tôn trọng người lớn tuổi, giúp đỡ bạn bè... Trong khi đó phụ huynh đã tích cực tham gia vào các hoạt động học tập của con em mình.
Ngoài mô hình trường học mới, Bộ GD và ÐT cũng triển khai nhiều mô hình dạy học tiên tiến, phương pháp của một số nước có nền giáo dục phát triển đạt hiệu quả như: Dạy học theo phương pháp "bàn tay nặn bột"; dạy học gắn với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, di sản văn hóa; giáo dục kỹ năng sống, môi trường an toàn, thân thiện, lành mạnh, giáo dục đạo đức, lối sống,… Tuy nhiên, việc thực hiện mô hình trường học mới nói riêng, việc triển khai các hoạt động đổi mới PPDH tích cực nói chung trong những năm qua còn bất cập, hạn chế, thậm chí gây dư luận không tốt trong xã hội. Nguyên nhân bởi quá trình triển khai nóng vội vượt tầm kiểm soát của cơ quan quản lý. Khi triển khai những mô hình mới còn máy móc, thiếu linh hoạt, không phù hợp với điều kiện thực tiễn. Trên thực tế, hiện năng lực nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên còn yếu, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
Để chuẩn bị tốt nhất cho chương trình, sách giáo khoa mới, khi triển khai các mô hình, PPDH tích cực cần bảo đảm một số điều kiện cần thiết, phù hợp thực tiễn, không nóng vội. Bộ GD và ÐT sẽ rà soát, đánh giá, chỉ ra các bất cập và đưa ra các giải pháp trong quá trình triển khai phương pháp, mô hình trường học mới; tăng cường tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý; chỉ đạo, giám sát, hỗ trợ việc áp dụng PPDH tích cực. Giáo viên thực hiện việc chuyển đổi từ truyền thụ kiến thức một chiều sang tổ chức, hướng dẫn học sinh cách học, tự học, thúc đẩy các nhóm và từng cá nhân học sinh hoạt động tích cực; tạo môi trường sư phạm thân thiện, dân chủ, hợp tác giữa các thành viên trong lớp học, nhà trường và cộng đồng nhằm phát triển các phẩm chất, năng lực của học sinh. Các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện tốt việc đổi mới nội dung, PPDH, trong đó, đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất; đồng thời tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.
Theo TS Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng GD và ÐT, hiện nay, dựa vào cách thức học sinh đạt được kiến thức và kỹ năng, có hai nhóm PPDH khác nhau. Trong đó, các PPDH thụ động tồn tại từ lâu là giáo viên giảng bài (giải thích, minh họa…) từ đó học sinh tiếp thu kiến thức chủ yếu thông qua hoạt động nghe, nhìn, ghi chép và ghi nhớ. PPDH tích cực là trên cơ sở giáo viên gợi mở, động viên, cố vấn, hướng dẫn... học sinh tìm tòi, tranh luận, tích cực tự học, ứng dụng kiến thức và được khuyến khích trải nghiệm, huy động vốn kiến thức, kinh nghiệm sống trong ứng dụng thực tiễn. Một trong những khó khăn của giáo viên là việc lựa chọn PPDH nào để có thể đạt được kết quả tốt nhất với từng bài học cụ thể trong đổi mới. Vì vậy, ngành Giáo dục cần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên thông qua tập huấn, khuyến khích sáng tạo trong PPDH tích cực của mỗi giáo viên mới đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Theo TUYẾN TRUNG VÀ NHUNG NGUYỄN
nhandan.com.vn