Dự kiến sẽ không còn 2 loại văn bằng đại học với tên gọi riêng biệt là bằng chính quy, Tại chức. Các cơ sở đào tạo sẽ phải thận trọng khi cấp văn bằng.
Thời gian gần đây, dư luận có nhiều tranh cãi về khoản 2, Điều 6 của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Theo đó, tại Điều 6 quy định, trình độ đào tạo của giáo dục đại học được thực hiện theo hai hình thức: tập trung và không tập trung.
Điều đó đồng nghĩa hình thức đào tạo chính quy và tại chức sẽ không còn ghi trên văn bằng nữa. Vấn đề này gây băn khoăn trong dư luận.
Dự kiến sẽ không còn 2 loại văn bằng đại học với tên gọi riêng biệt là bằng chính quy, Tại chức (ảnh minh họa)
Trước thắc mắc của xã hội, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, Luật Giáo dục Đại học năm 2012 quy định: “Chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, đại học gồm: mục tiêu, chuẩn kiến thức, kỹ năng của người học sau khi tốt nghiệp; nội dung đào tạo, phương pháp đánh giá đối với mỗi môn học và ngành học, trình độ đào tạo” và “Chương trình đào tạo theo hình thức giáo dục thường xuyên có nội dung như chương trình đào tạo theo hình thức giáo dục chính quy” (Điều 36).
Cơ sở giáo dục đại học chỉ được liên kết đào tạo trình độ cao đẳng, đại học theo hình thức giáo dục thường xuyên… với điều kiện cơ sở giáo dục được liên kết đào tạo bảo đảm các yêu cầu về môi trường sư phạm, cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện và cán bộ quản lý (Điều 37); và “Trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ trở lên” (Điều 54)…
Như vậy, Luật hiện hành đã quy định từ chương trình đào tạo (bao gồm cả chuẩn đầu ra) đến điều kiện dạy-học, chuẩn giảng viên… của hình thức giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên đều như nhau.
Hai hình thức này chỉ khác nhau ở khâu tổ chức đào tạo để phù hợp với điều kiện, nhu cầu học tập khác nhau của người học.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT)
Việt Nam đã ban hành Khung trình độ quốc gia (Kèm theo QĐ số 1982/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 của TTgCP) thống nhất quy định khối lượng học tập tối thiểu; yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm của người tốt nghiệp mỗi trình độ đào tạo.
Phát triển các quy định trên, với mục đích nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo trong xu hướng gia tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học và hội nhập quốc tế; đáp ứng nhu cầu của mọi người học tham gia giáo dục đại học, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học lần này dự kiến quy định: Các trình độ đào tạo của giáo dục đại học được thực hiện theo các hình thức là đào tạo tập trung, đào tạo không tập trung (sửa Điều 6).
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, cụm từ đào tạo tập trung hoặc không tập trung với hàm ý là hai hình thức chỉ khác nhau về phương thức tổ chức đào tạo; còn từ chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, cách thức tổ chức, kiểm tra đánh giá... đến chuẩn đầu ra đều phải được xây dựng và thực hiện đúng như hình thức tập trung.
Vì vậy, dự kiến sẽ không còn 2 loại văn bằng với tên gọi riêng biệt là bằng chính quy, bằng vừa làm vừa học (Tại chức) nữa. Điều này cũng phù hợp với thông lệ chung trên thế giới.
Dự thảo quy định này cũng hướng đến việc yêu cầu các trường đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn để người học được xã hội đánh giá bình đẳng như nhau khi theo học đại học với các hình thức đào tạo khác nhau.
Điều này càng quan trọng khi mô hình đào tạo của chúng ta đang hướng tới một nền giáo dục đại chúng, mở rộng đầu vào cho các học sinh có khả năng, có nhu cầu (tuyển sinh chính quy cũng có thể xét học bạ) nên đầu ra phải đạt chất lượng tiêu chuẩn, đối với cả hình thức đào tạo tập trung và không tập trung.
“Các cơ sở đào tạo thực sự quan tâm đến chất lượng đào tạo của cơ sở mình thì sẽ phải thận trọng khi cấp văn bằng. Tất cả văn bằng cấp ra là phải đạt chuẩn chất lượng”, bà Kim Phụng nhấn mạnh.
Theo Bích Lan/VOV.VN