Làm thế nào để phát huy tối đa khả năng của con, giúp con đạt mục tiêu và đi đến thành công là câu hỏi được nhiều phụ huynh đặt ra khi đến tham gia hội thảo “Tài năng là thiên phú hay quá trình?” Hội thảo do IvyPrep Education (thuộc Tổ chức giáo dục Hoa Kỳ) tổ chức ngày 10/12, với sự tham gia của bà Phan Hồ Điệp, mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam, và các đại diện của IvyPrep.
Bà Phan Hồ Điệp, mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam, chia sẻ với các phụ huynh (Ảnh: BTC)
Công thức 10.000 giờ
Theo bà Nguyễn Thị An Quyên, Giám đốc điều hành IvyPrep Education, nhiều phụ huynh cho rằng, mỗi đứa trẻ thành công đều do tố chất sẵn có. Tuy nhiên, trong thực tế, hầu hết các tấm gương thành công đều đến từ một công thức chung, đó là sự nỗ lực và rèn luyện bền bỉ.
“Tại IvyPrep Education, trong suốt 15 năm qua, chúng tôi đã đào tạo hàng nghìn học viên và có cơ hội nhìn thấy thành công của các em. Có nhiều bạn học sinh với xuất phát điểm rất bình thường, thậm chí gia đình còn không tin bạn có thể đi du học thành công, nhưng các em đã đạt được các suất học bổng giá trị để đi du học tại Mỹ,” bà Quyên nói.
Chia sẻ với các phụ huynh tại hội thảo, bà Quyên cho biết, dựa trên những kết quả nghiên cứu thần kinh học hiện đại của Tiến sỹ Douglas Fields (Giám đốc Phòng thí nghiệm Sinh học Thần kinh Phát triển tại Viện Y học Quốc gia Bethesda ở Maryland, Hoa Kỳ) và nghiên cứu trực tiếp ở những nơi đào tạo tài năng trên thế giới, các nhà khoa học đã tìm ra sự phát triển của các chất bọc sợi thần kinh myelin trong não bộ những người thành công có hàm lượng cao hơn so với người bình thường.
Vẫn theo những nghiên cứu này, vỏ bọc sợi thần kinh myelin được kích thích phát triển nhờ tập luyện, và nó sẽ càng phát triển hơn nếu người tập luyện thực sự đam mê và được hướng dẫn, tiếp lửa bởi một người khác giỏi hơn.
Cũng theo bà Quyên, có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một người muốn trở thành bậc thầy trong một lĩnh vực nào đó cần có ít nhất 10.000 giờ luyện tập.
“Sự bền bỉ mới chính là chìa khoá của sự thành công. Và đó cũng là lý do chúng tôi xây dựng triết lý giáo dục của IvyPrep là triết lý 10.000 giờ,” bà Quyên chia sẻ.
Đồng quan điểm này và chia sẻ từ câu chuyện thực tế của bản thân, bà Phan Hồ Điệp, mẹ của thần đồng Đỗ Nhật Nam cho biết, mọi quá trình học của Nam đều diễn ra chậm rãi, từ từ, chia nhỏ. Nam hay có lộ trình 3 tháng, hay 6 tháng để thực hiện một mục tiêu, nhưng nếu không đạt được thì sẽ quay lại từ đầu.
“Mỗi ngày, con đều đề ra những mục tiêu cho ngày hôm nay, hoặc ngày hôm sau, từ những việc rất nhỏ, như nói lời cảm ơn, nói một bài thuyết trình… Buổi tối, Nam ngồi kiểm điểm lại xem mình đã thực hiện được chưa, gặp những khó khăn gì,” bà Điệp chia sẻ.
Cũng theo bà Điệp, việc chia nhỏ các mục tiêu giúp các việc làm của con có chủ đích hơn và con cũng kiên trì hơn.
Phụ huynh đặt câu hỏi cho các diễn giả. (Ảnh: BTC)
Trẻ biết hỏi “tại sao” sẽ thành công hơn trẻ chỉ biết vâng lời?
Bà Phan Hồ Điệp cho rằng, không chỉ con mà chính phụ huynh cũng phải kiên trì để đồng hành với con, cùng con luyện tập bền bỉ, không quá sốt sắng, đốt cháy giai đoạn để đạt mục tiêu.
Chia sẻ về quá trình học tiếng Anh của Đỗ Nhật Nam, bà Điệp cho biết, mỗi ngày Nam đều dành thời gian để học tiếng Anh. Ban đầu Nam học mỗi ngày một tiếng, sau học hai tiếng, sau tăng lên 3 tiếng. Khi quá trình học biến thành niềm yêu thích, Nam đã tự động học. Thói quen học tiếng Anh mỗi ngày được bà Điệp duy trì từ khi Nam học lớp một đến khi con lớn.
Bà cũng cùng con trao đổi các câu chuyện, gợi ý con có thể thay đổi kết chuyện, bàn về những chi tiết vô lý, những điều sáng tạo, những ý tưởng mới, khuyến khích con đặt câu hỏi.
“Tôi rất thích các bạn cha mẹ khuyến khích con đặt câu hỏi tại sao, con sẽ thành công hơn những bạn chỉ biết lắng nghe. Cha mẹ phải tạo cơ hội cho con đặt câu hỏi, để đứa trẻ chủ động, có tư duy phản biện,” bà Điệp nói.
Tự nhận bản thân mình là một người rất bề bộn, bà Điệp cho rằng chính việc đặt rõ các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn đã giúp bản thân luôn biết mình cần làm gì và không quá lo lắng hay sốt sắng trước những gì con đạt được.
Lấy ví dụ từ việc đi du học của Nhật Nam, bà Điệp cho biết Nhật Nam đã có ước mơ đi du học khi còn rất nhỏ. Nam cũng luôn có tinh thần sẵn sàng chuẩn bị đi du học ngay từ khi ở cấp một và cấp hai. Và thực tế, Nhật Nam đã đi du học khi mới học xong lớp 7.
Bà Điệp cho rằng nếu muốn con đi du học, phụ huynh nên bắt đầu càng sớm càng tốt, từ việc đầu tiên là khơi gợi ước mơ du học của con và hoạch định những kế hoạch để con có thể đạt mục tiêu đó.
Theo bà Đặng Ngọc Lan, Trưởng phòng Du học của IvyPrep, phụ huynh có thể bắt đầu nhen nhóm đam mê đi du học bằng cách cho con tiếp xúc với các anh chị cựu du học sinh, hoặc cho con trải nghiệm với thế giới và các đất nước khác thông quá các khóa du học hè.
Cũng theo bà Lan, ngoài yêu cầu về tiếng Anh thì để đi du học, điều học sinh Việt Nam yếu nhất là kỹ năng mềm. Trong khi đó, quá trình xét tuyển của những đại học tại Mỹ khá giống nhau, ngoài học tập còn yêu cầu các kỹ năng, hoạt động xã hội. Điểm số học tập trên lớp chỉ chiếm khoảng 30%, phần còn lại là yêu cầu về các kỹ năng mềm như khả năng thuyết trình, các hoạt động xã hội và trách nhiệm với cộng đồng…
“Ngay cả khi không xác định mục tiêu du học thì việc xây dựng các kỹ năng mềm cho con cũng là điều rất cần thiết trong xã hội hiện đại. Vì vậy, phụ huynh phải đồng hành cùng con, giúp con phát triển toàn diện thay vì chỉ tập trung vào điểm số,” bà Lan nói.
Theo PHẠM MAI (VIETNAM+)
https://www.vietnamplus.vn/cong-thuc-nao-vun-dap-tai-nang-va-xay-dung-thanh-cong-cho-con/479179.vnp