Cập nhật: 13/02/2018 14:49:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những năm gần đây, ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã góp phần giúp học sinh chủ động tiếp nhận kiến thức, hoàn thiện đầy đủ các kỹ năng.

Thầy và trò Trường THCS Liên Bảo (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) trong giờ học môn tin học.

Với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, nhiều phương tiện hỗ trợ dạy học ra đời, đã mang lại hiệu quả, giúp giáo viên có thể định hướng học sinh tiếp cận với nguồn tri thức phong phú, dễ hiểu nhất. Từ việc lên lớp bằng giáo án điện tử, dạy học bằng trình chiếu trên màn hình (Powerpoint), những năm gần đây còn xuất hiện thêm những thiết bị công nghệ dạy học hiện đại như: Bảng điện tử thông minh, sách giáo khoa điện tử, phần mềm thiết kế bài giảng E-learning... Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) Vĩnh Phúc Phạm Khương Duy cho biết: Hằng năm, Vĩnh Phúc thường xuyên tổ chức tập huấn về xây dựng bài giảng điện tử cho giáo viên ở tất cả các bậc học, giúp giáo viên có thể thành thạo ứng dụng CNTT vào dạy học, xây dựng tiết dạy sinh động, hiệu quả. Hiện nay, tất cả các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đều được trang bị đầy đủ phòng học máy tính, với hàng nghìn máy tính được kết nối mạng in-tơ-nét. Các bậc học từ mầm non đến THPT đều đã đưa các phần mềm thiết kế bài giảng trên thiết bị công nghệ vào giảng dạy tại tất cả các tiết học.

Trường THCS Liên Bảo (TP Vĩnh Yên) có hai phòng học máy tính, với hơn 100 máy tính cho học sinh; một phòng máy với 10 máy tính phục vụ công tác chuyên môn của giáo viên; 10 máy tính phục vụ công tác quản lý và 12 máy chiếu. Ngoài ra, nhà trường có một thư viện thông minh, lắp đặt ba máy tính được kết nối mạng in-tơ-nét phục vụ nhu cầu đọc, tìm hiểu kiến thức của học sinh. Ðể tạo hứng thú cho học sinh chủ động tiếp thu kiến thức, ngay từ đầu năm học, nhà trường xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT vào giảng dạy và đưa vào tiêu chí thi đua của cán bộ, giáo viên. Nhà trường khuyến khích giáo viên chủ động soạn bài giảng và tài liệu giảng dạy có ứng dụng CNTT. Hiện nay, phần lớn các giáo viên nhà trường thành thạo sử dụng máy tính và các phần mềm thiết kế bài giảng. Riêng trong học kỳ I năm học 2017-2018, nhà trường đã có 753 tiết học ứng dụng CNTT, cao gấp 5,5 lần so với quy định của Bộ GD và ÐT, có 12 trong số 13 môn học được giảng dạy bằng các thiết bị công nghệ; 100% số giáo viên sử dụng các thiết bị, phần mềm công nghệ vào giảng dạy. Ðặc biệt, trong học kỳ I năm học 2017-2018, nhà trường có 75 sản phẩm bài giảng được chia sẻ trên trang thông tin điện tử http://truonghocketnoi.edu.vn của Bộ GD và ÐT và trên trang thông tin điện tử của nhà trường, giúp cho các thầy giáo, cô giáo tham khảo và học hỏi kinh nghiệm. Cô giáo Triệu Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Liên Bảo cho biết: Ứng dụng CNTT vào dạy học giúp giáo viên nâng cao tính sáng tạo và trở nên linh hoạt hơn trong quá trình giảng dạy của mình. Cụ thể, các thầy giáo, cô giáo không chỉ bó buộc trong khối lượng kiến thức hiện có mà còn được tìm hiểu thêm về những chuyên ngành khác như tin học và học hỏi các kỹ năng sử dụng hình ảnh, âm thanh trong thiết kế bài giảng; chia sẻ bài giảng với đồng nghiệp, cùng nhau thảo luận và nâng cao chất lượng giáo án của mình. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên cũng đang gặp một số trở ngại như: Việc thiết kế các bài giảng điện tử cần được đầu tư về mặt thời gian, công sức, nhưng năng lực tin học của các giáo viên có hạn; các trang thiết bị công nghệ chưa được trang bị cân đối cho học sinh dẫn đến số học sinh được tiếp cận CNTT chưa đồng đều giữa các trường…

Em Nguyễn Thảo Anh, học sinh Trường THCS Liên Bảo chia sẻ: Các tiết học được ứng dụng CNTT đã giúp chúng em tiếp cận phương pháp dạy học mới hấp dẫn hơn phương pháp đọc và chép truyền thống. Chẳng hạn ở môn Sinh học, khi biểu thị quá trình tuần hoàn máu trong cơ thể người, mô hình minh họa trên máy chiếu kết hợp với hiệu ứng âm thanh sẽ giúp chúng em dễ hình dung hơn so với việc chỉ mô tả bằng ngôn ngữ nói. Ngoài ra, sự tương tác giữa thầy, cô giáo và học trò cũng được cải thiện đáng kể, học sinh có nhiều cơ hội thể hiện quan điểm của mình.

Giáo án điện tử và CNTT đã góp phần "làm mới" tiết học, tạo hứng thú, giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt. Ðể CNTT thật sự phát huy được hiệu quả trong đổi mới phương pháp giảng dạy, nhất là phù hợp chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng trang bị năng lực, phẩm chất cho học sinh Sở GD và ÐT Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu, các phần mềm dạy học và đào tạo bồi dưỡng nhân lực phục vụ cho công tác ứng dụng CNTT, nâng cao chất lượng giáo dục.

Bài và ảnh: ÐỨC HIỀN

Theo nhandan.con.vn

Tệp đính kèm