Cập nhật: 20/02/2018 10:09:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Công tác khảo thí, kiểm định chất lượng giáo dục trong năm qua đã tiếp tục có nhiều đổi mới theo hướng thực hiện đánh giá năng lực người học và đi theo các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế, qua đó đã tạo ra tác động tích cực đến quá trình dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Các học sinh THCS viết những mục tiêu và ước mơ của mình trong năm học mới lên những quả bóng và thả cho bay cao, có thể thấy nhiều mục tiêu là thi đỗ vào các trường THPT. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Công tác kiểm định chất lượng giáo dục đã có tác động tích cực, tạo sự chuyển biến rõ rệt chất lượng giáo dục và đào tạo thông qua việc đẩy mạnh công tác tự đánh giá và tổ chức đánh giá ngoài các cơ sở giáo dục. Số lượng các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT hoàn thành tự đánh giá và số trường được đánh giá ngoài ngày càng tăng lên, hầu hết các trường đã hoàn thành tự đánh giá. Năm học 2016-2017, đã có 5.958 cơ sở giáo dục mầm non được đánh giá ngoài (tăng 1.471 cơ sở so với năm học trước); 5.179 trường tiểu học được đánh giá ngoài (tăng 1.398 cơ sở); 3.876 trường THCS đánh giá ngoài (tăng 879 cơ sở)…

Năm học 2017-2018, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng văn bản quy định về trường đạt chuẩn quốc gia và chuẩn công nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo hướng tích hợp để các địa phương thuận lợi trong việc triển khai thực hiện. Bộ GD-ĐT cũng sẽ ban hành bộ chỉ số đánh giá chất lượng giáo dục địa phương.

Công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học tiếp tục được chú trọng. Tính đến ngày 30-6-2017, có 246 cơ giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm hoàn thành tự đánh giá; 54 trường đã được đánh giá ngoài, trong đó có 30 trường được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng; 88 chương trình đào tạo đại học được đánh giá và công nhận bởi tổ chức kiểm định nước ngoài.

Bộ GD-ĐT đã ban hành quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo được xây dựng theo hướng tiếp cận xu hướng mới của Mạng lưới bảo đảm chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA), trong đó quy định rõ về việc sử dụng kết quả kiểm định chất lượng giáo dục. Theo Thông tư quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục tham gia kiểm định chất lượng nhưng chưa được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng bị hạn chế quyền tự chủ; nếu liên tục ba năm sau đó mà vẫn không thực hiện cải tiến chất lượng để được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng thì sẽ bị áp dụng chế tài hạn chế hoặc đình chỉ việc tuyển sinh.

Việc thẩm định và xác nhận các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục đại học được các Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục triển khai một cách độc lập. Hiện đã có 50% số cơ sở giáo dục đại học đã hoàn thành việc thẩm định và xác nhận điều kiện bảo đảm chất lượng.

Bộ GD-ĐT đề ra mục tiêu đẩy nhanh tiến độ kiểm định chất lượng giáo dục với chỉ tiêu đề ra là đến hết năm 2018 có 50% số trường đại học và 30% số trường cao đẳng sư phạm được kiểm định; đến hết năm 2020, tất cả các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm đủ điều kiện được kiểm định và công bố kết quả kiểm định.

Hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiểm định và đảm bảo chất lượng tiếp tục được đẩy mạnh. Ngoài việc tham gia các hội nghị, hội thảo của Mạng lưới chất lượng châu Á - Thái Bình Dương và Mạng lưới bảo đảm chất lượng ASEAN, Bộ GD-ĐT đã cùng với cơ quan Tiêu chuẩn chất lượng giáo dục Đại học Australia (TEQSA) ký kết bản ghi nhớ mở rộng hợp tác phát triển trong lĩnh vực bảo đảm chất lượng giáo dục. Bộ GD-ĐT cũng đã phối hợp Đại sứ quán Úc tổ chức hội thảo về bộ công cụ đánh giá chương trình đào tạo trực tuyến; phối hợp với Dự án SHARE hội thảo quốc gia lần thứ 5 về tác động của Khung trình độ quốc gia và tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng khu vực đối với giáo dục đại học Việt Nam.

Một số trường đại học đã tham gia xếp hạng quốc tế, không những khẳng định được thương hiệu mà còn làm cơ sở phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Năm học 2016-2017, Việt Nam có bốn trường đại học được URAP (Xếp hạng ĐH qua chất lượng học thuật - University Ranking by Academic Performance) xếp hạng (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh); ba trường đại học được SCImago (Tổ chức xếp hạng các cơ sở nghiên cứu khoa học) xếp hạng; năm trường đại học được QS University Rankings xếp hạng (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Huế, Đại học Cần Thơ).

Trong năm học 2016-2017, có thêm một trường đại học Việt Nam được chứng nhận 3 sao theo QS-Stars, nâng tổng số cả nước đã có ba trường được chứng nhận 3 sao theo QS-Stars là: Trường đại học Nguyễn Tất Thành, Trường đại học FPT, Trường đại học Tôn Đức Thắng.

Để tiếp tục cải tiến nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục và đào tạo, các chương trình đào tạo sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, trong đó, chú trọng kiểm định theo các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế, trên cơ sở đó phân tầng, xếp hạng, quy hoạch lại mạng lưới, giao quyền tự chủ và nâng cao hiệu quả đầu tư; tăng cường công tác tự đánh giá, đánh giá ngoài,…

Bên cạnh các thành tựu trong công tác kiểm định chất lượng, đã có nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác khảo thí được thực hiện để đổi mới mạnh mẽ cách thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo hướng phát triển năng lực người học, xây dựng được các hệ thống đánh giá bảo đảm công bằng, khách quan, chính xác, tin cậy, thuận lợi… Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được tổ chức thành công, được đánh giá là an toàn, nghiêm túc, bảo đảm khách quan, trung thực, giảm áp lực, giảm tốn kém đối cho người dân và xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh. Cùng với việc đổi mới phương thức thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi riêng nên kỷ cương trường thi được tăng cường, số thí sinh vi phạm quy chế giảm đáng kể so với những năm trước, số lượng cán bộ coi thi bị kỷ luật mạnh…

Công tác tuyển chọn, tập huấn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế tiếp tục được đổi mới đã góp phần đem về thành tích tốt hơn. Các đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic quốc tế môn Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Tin học năm 2017 đã đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay với tổng số 31 huy chương, trong đó có 14 huy chương vàng, 13 huy chương bạc, bốn huy chương đồng; cuộc thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật quốc tế dành cho học sinh trung học đạt kết quả cao, Việt Nam có 5/8 dự án đoạt giải (một giải Ba và bốn giải Tư).

Trong thời gian tới, công tác khảo thí sẽ tiếp tục thực hiện đổi mới theo hướng thực hiện đánh giá năng lực người học, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, bảo đảm công bằng, khách quan, chính xác, tin cậy, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho người dạy và người học.

 

Theo THANH XUÂN /nhandan.com.vn

Tệp đính kèm