Cập nhật: 01/03/2018 10:31:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày 28-2, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, theo báo cáo của Văn phòng Bộ Công an và Cục Hàng hải Việt Nam, trong tháng 2 (từ ngày 16-1 đến 15-2), cả nước xảy ra 1.583 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 726 người và bị thương 1.169 người. 

Vụ TNGT xảy ra khoảng 6 giờ 30 phút, ngày 27-2, thuộc địa phận xã Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) giữa xe khách BKS 51B - 224.50 với xe container BKS 77R – 00890, khiến phụ xe khách tử vong và hai lái xe bị thương nặng.

So cùng kỳ, TNGT giảm 180 vụ (10,21%), giảm 100 người chết (12,11%) và giảm 313 người bị thương (21,12%). Trong đó, TNGT từ ít nghiêm trọng trở lên xảy ra 786 vụ, làm chết 726 người, bị thương 354 người. So cùng kỳ, giảm 161 vụ (17%), giảm 100 người chết (12,11%) và giảm 92 người bị thương (20,63%).

Trong hai tháng đầu năm (tính từ ngày 16-12-2017 đến 15-2-2018), cả nước xảy ra 3.345 vụ TNGT, làm chết 1.506 người, bị thương 2.517 người. So hai tháng cùng kỳ, TNGT giảm cả ba tiêu chí về số vụ: giảm 120 vụ (3,46%), số người chết giảm 64 người (giảm 4,08%) và số người bị thương giảm 143 người, 5,38%).

Trong bảy ngày nghỉ Tết, cả nước xảy ra 218 vụ TNGT (chưa gồm 78 vụ và chạm) làm chết 195 người, bị thương 199 người; so bảy ngày nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu, số vụ giảm 150 vụ (41%), giảm tám người chết (4%), giảm 218 người bị thương (52%); không xảy ra TNGT đường thủy nội địa và TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan xe khách.

Theo báo cáo của các Ban ATGT địa phương, có 31 địa phương giảm số người chết do TNGT; trong đó, 29 địa phương giảm hơn 30% số người chết. Đặc biệt, có sáu địa phương không xảy ra TNGT dịp Tết là Kon Tum, Bắc Cạn, Bình Định, TP Đà Nẵng, Hà Giang, Sơn La và sáu địa phương không có người chết do TNGT là Bạc Liêu, Điện Biên, Ninh Bình, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Lào Cai. Tuy nhiên, vẫn còn 20 địa phương có số người chết do TNGT tăng, trong đó 19 tỉnh tăng hơn 20%.

Ủy ban ATGT Quốc gia đã công bố số điện thoại “đường dây nóng” để tiếp nhận các ý kiến phản ánh về TNGT, ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán; đồng thời chỉ đạo, phối hợp các cơ quan liên quan giải quyết, khắc phục kịp thời. Số lượt phản ánh về “đường dây nóng” đã giảm đáng kể so các tết trước, với hơn 150 lượt gọi, chủ yếu tập trung vào đợt cao điểm từ ngày 13, 14-2 và ngày 19, 20-2, thời điểm người dân về quê và trở lại làm việc sau Tết.

Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá, trật tự ATGT trong tháng 2 trên cả nước được duy trì ổn định, thông suốt, TNGT giảm cả ba tiêu chí so cùng kỳ; dịp nghỉ Tết Nguyên đán, TNGT giảm cả ba tiêu chí, không xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, ùn tắc giao thông kéo dài trên các tuyến trục chính ra vào Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tại các đầu mối giao thông chính giảm hẳn.

Năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết; việc đổi mới, cải tiến phương thức bán vé tạo thuận tiện cho hành khách, giảm áp lực cho hành khách khi mua vé. Các lực lượng nỗ lực cao nhất để bảo đảm không để người dân không về đón Tết với gia đình do không có phương tiện đi lại.

Công tác tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm trật tự ATGT được tăng cường lực lượng, phương tiện, tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây TNGT.

Nhằm bảo đảm trật tự ATGT và tiếp tục giảm TNGT, ùn tắc trong tháng 3, Ủy ban ATGT Quốc gia tiếp tục triển khai thực hiện Công điện số 240/CĐ-TTg ngày 21-2 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán; xây dựng và triển khai Kế hoạch tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn.

Đồng thời, xây dựng và triển khai Kế hoạch của Ủy ban ATGT Quốc gia thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 19-1 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô-tô, xe gắn máy, xe đạp điện; tổ chức các đoàn công tác kiểm tra tại các địa phương có các lễ hội quy mô lớn,...

 

Theo MINH TRANG/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm