Ngày 2/3, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Ngô Đức Mạnh đã có buổi tiếp Hiệu phó trường đại học danh tiếng số 1 nước Nga, Đại học Tổng hợp quốc gia Lomonosov (MGU), Sergey Sakhrai, trong đó hai bên đã thảo luận và đề cập đến những hướng hợp tác mới mẻ, đặc biệt là cơ hội cho sinh viên Việt Nam được học tập tại ngôi trường danh tiếng này.
Đại sứ Ngô Đức Mạnh và Hiệu phó MGU Sergey Sakhrai (thứ hai từ trái sang) cùng các cán bộ Đại sứ quán tại buổi làm việc. (Ảnh: Tâm Hằng/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, do MGU là trường trực thuộc Chính phủ, không thuộc Bộ Giáo dục và Khoa học Nga, do đó MGU không có trong danh sách các trường đại học tham gia chương trình đào tạo với Việt Nam.
Là cựu sinh viên MGU, Đại sứ Ngô Đức Mạnh đánh giá cao chất lượng đào tạo của trường và trên cương vị mới hiện nay ông muốn thúc đẩy mở rộng khả năng sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam được theo học ở cơ sở đào tạo đa lĩnh vực và chất lượng cao nhất nước Nga này.
Đại diện Phòng công tác lưu học sinh Đại sứ quán tham dự cuộc gặp, bà Nguyễn Thị Kim Thu cũng nêu vấn đề mở rộng cơ hội học tập tại MGU cho sinh viên Việt Nam, trước mắt là cho học viên cao học.
Đáp lại, ông Sakhrai cho biết, trong lịch sử MGU có đầu vào thuộc hàng cao nhất tại Nga, chỉ những học sinh có thành tích học tập xuất sắc nhất cả nước mới có thể được tuyển chọn vào đây.
Ông Sakhrai cho biết cần phải có những thỏa thuận riêng để sinh viên Việt Nam có cơ hội được học tại MGU.
Hiện tại, chỉ có một số ít nghiên cứu sinh và sinh viên Việt Nam học theo diện trả tiền và phải thi đầu vào, song trường sẵn sàng mở cửa cho những sinh viên Việt Nam tài năng, có những thành tích đặc biệt trong học tập và nghiên cứu.
Tuy nhiên ông Sakhrai cũng nhấn mạnh đây phải là những sinh viên được tuyển chọn kỹ càng trên cả nước để đảm bảo đủ năng lực theo học tại MGU.
Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục các cuộc gặp làm việc để xúc tiến triển khai vấn đề này, rất có thể là vào năm tới.
Mặt khác, ông Sakhrai cho biết thực hiện định hướng xuất khẩu giáo dục mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đề ra, MGU và các trường đại học chuyên ngành thành viên đang mở rộng và đa dạng hóa hợp tác trong đào tạo, ví dụ liên danh với các trường đại học uy tín ở nước ngoài, trao đổi giảng viên thỉnh giảng và đã tiến hành thành công nhiều dự án, trong đó có biên bản ghi nhớ về hợp tác với trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Học viện Báo chí và Tuyên truyền...
Ông Sakhrai gợi ý về triển vọng mở một trường đại học luật liên danh với MGU, hai bên sẽ tham gia theo tỷ lệ 50-50 và tận dụng cơ sở vật chất sẵn có.
Một ý tưởng rất hữu ích nữa cũng lần đầu tiên được hai bên đề cập đến, đó là dự án hỗ trợ kiến thức pháp luật cho sinh viên Việt Nam.
Khoa luật MGU vốn đã có cổng thông tin hỗ trợ cho các sinh viên Nga, nơi giảng viên, và cả sinh viên giỏi của Khoa sẵn sàng giải đáp các khúc mắc về pháp luật.
Giờ đây qua một thỏa thuận giữa Khoa và Đại sứ quán, các sinh viên Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia để được trợ giúp miễn phí về pháp luật trong các vấn đề nảy sinh khi theo học tại Nga.
Số sinh viên Việt Nam đang theo học ở Liên bang Nga mỗi năm tăng thêm gần 1.000 người và sự hỗ trợ chuyên gia, thực tiễn và hữu hiệu như vậy thực sự sẽ rất có ích cho chính các em và cho cả cơ quan quản lý.
Đại sứ Ngô Đức Mạnh rất hoan nghênh và đánh giá cao ý tưởng này, và cam kết sẽ chỉ đạo xúc tiến ngay trong thời gian tới.
Tại cuộc gặp hai bên cũng thảo luận một số định hướng hợp tác chuyên môn khác như kinh tế, kiểm toán.
Với đội ngũ chuyên gia đầu ngành của MGU và sự hỗ trợ tổ chức của Đại sứ quán, các hoạt động như diễn đàn, hội nghị, tham vấn đã được hai bên nhất trí thúc đẩy trong thời gian tới đây nhằm góp phần tăng cường hợp tác và củng cố quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga./.
Theo (TTXVN/VIETNAM+)
https://www.vietnamplus.vn/co-hoi-cho-sinh-vien-viet-nam-tai-dai-hoc-hang-dau-nuoc-nga-mgu/490640.vnp