Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 168/2017/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, có hiệu lực từ ngày 1.1.2018, cùng thời điểm Luật Du lịch có hiệu lực, đảm bảo quy định của Luật được thực hiện và áp dụng có hiệu quả trong cuộc sống.
Lần đầu tiên quy định việc tổ chức quản lý hoạt động du lịch mạo hiểm
Theo đó, Nghị định gồm VII chương, 33 điều, quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch về điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch; biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch đối với sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch; điều kiện công nhận điểm du lịch, khu du lịch; ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành; cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch; điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch của cơ sở lưu trú du lịch và nguồn hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động du lịch trên lãnh thổ Việt Nam và ở nước ngoài. Tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động du lịch trên lãnh thổ Việt Nam. Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, cơ quan khác, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến du lịch.
Tại Chương III quy định về Biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch đối với những sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch. Trong đó, Điều 8 quy định Sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch (được hiểu là hoạt động du lịch thể thao mạo hiểm- PV) khi có một hoặc một số hoạt động sau đây: Bay dù lượn, khinh khí cầu, nhảy dù, đu dây mạo hiểm hành trình trên cao; đi xe đạp, mô tô, ô tô địa hình trên núi, trên đồi cát, đi trên dây, leo núi, vách đá, đu dây vượt thác; lặn dưới nước, chèo thuyền vượt ghềnh thác, đi mô tô nước, lướt ván, ca nô kéo dù bay; thám hiểm hang động, rừng núi.
Tại Chương IV Điều kiện công nhận điểm du lịch, khu du lịch; Điều 13 về điều kiện công nhận khu du lịch quốc gia, quy định: Có ít nhất 2 tài nguyên du lịch, trong đó có tài nguyên du lịch cấp quốc gia; có ranh giới xác định trên bản đồ địa hình do cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Tỷ lệ bản đồ phụ thuộc vào yêu cầu quản lý và địa hình khu vực. Có trong danh mục các khu vực tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Có kết nối hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chất lượng cao, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống và các nhu cầu khác của du lịch, bao gồm: Có cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đáp ứng tối thiểu 500.000 lượt khách mỗi năm; hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng tối tiểu 300.000 lượt khách lưu trú mỗi năm, trong đó có cơ sở lưu trú du lịch được công nhận hạng từ 4 sao trở lên...
Liên quan đến Kinh doanh du lịch, tại Chương V, Mục 1 Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành, Điều 14, Khoản 1 quy định: Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là 100.000.000 đồng; Khoản 2 quy định: Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế là 250.000.000 đồng (kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam) và 500.000.000 đồng (kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài). Doanh nghiệp ký quỹ bằng đồng Việt Nam tại ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam và được hưởng lãi suất theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và ngân hàng nhận ký quỹ phù hợp với quy định của pháp luật. Tiền ký quỹ phải được duy trì trong suốt thời gian doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Một nội dung mới được quy định tại Nghị định này là tại Chương VI Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, Điều 30 về Nguồn hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, Khoản 1, điểm a quy định: Vốn điều lệ của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch do ngân hàng nhà nước cấp trong 3 năm đầu. Việc cấp vốn thực hiện sau khi Thủ tướng quyết định thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ; điểm b quy định: Hằng năm, ngân sách nhà nước bổ sung kinh phí bằng 10% tổng số thu ngân sách hằng năm từ nguồn thu phí cấp thị thực và các giấy tờ có liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài và 5% tổng số thu ngân sách hằng năm từ nguồn thu phí tham quan khu du lịch, điểm du lịch; điểm c, Nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện, hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; điểm d, Tiền lãi từ tiền gửi của Quỹ tại ngân hàng; điểm đ, Các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Nghị định cũng quy định chi tiết về việc cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch; điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ của cơ sở lưu trú du lịch...
Theo baovanhoa.vn