Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải dành sự quan tâm lớn cho lĩnh vực giáo dục với mong muốn sự nghiệp “trồng người” của quốc gia sẽ ngày càng hiệu quả.
Không chỉ là người “nói ít, làm nhiều”, người tích cực “cải tiến và hội nhập” khi góp phần tạo ra nhiều bước ngoặt cho nền kinh tế Việt Nam mà nguyên Thủ tướng Chính phủ còn dành sự quan tâm lớn cho lĩnh vực giáo dục với mong muốn sự nghiệp “trồng người” của quốc gia sẽ ngày càng hiệu quả. Những đóng góp, hỗ trợ và sự định hướng cho lĩnh vực giáo dục của ông đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải luôn đau đáu làm sao để chất lượng giáo dục nước nhà ngày càng tốt hơn.
Suốt cuộc đời hoạt động chính trị từ cấp thành phố đến Trung ương, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải luôn đau đáu nỗi lo: làm sao để chất lượng giáo dục nước nhà ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, ông dành sự quan tâm rất lớn với ngành giáo dục - đào tạo TPHCM.
Tiến sĩ Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở giáo dục - Đào tạo TPHCM cho biết, với cán bộ ngành giáo dục và đội ngũ giáo viên, học sinh các thế hệ, chú Sáu Khải là người gần gũi, thân tình. Dù khi đương chức hay lúc đã về hưu, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải luôn dành thời gian thăm hỏi về giáo dục địa phương.
Với những trường hợp giáo viên khó khăn, dạy giỏi hay học sinh nghèo vượt khó, ông luôn gần gũi, động viên và dành tặng các thầy trò những phần thưởng đặc biệt. Ông còn vận động xây dựng nhiều trường học ở vùng khó khăn với mong muốn trẻ em thành phố có điều kiện học tập tốt hơn.
Tiến sĩ Huỳnh Công Minh chia sẻ: “Thủ tướng Chính phủ công việc rất bề bộn, nhiều thứ phải lo lắng nhưng chú Sáu Khải luôn dành sự quan tâm đối với sự nghiệp giáo dục. Chú luôn căn dặn chúng tôi phải dạy người đến nơi đến chốn. Trước khi dạy chữ phải nhớ đến dạy người. Đó là tâm niệm mà chúng tôi nhớ hoài về tư tưởng, suy nghĩ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.”.
Không chỉ đồng hành, hỗ trợ giáo dục TPHCM phát triển mà nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải còn đề xuất nhiều chính sách thiết thực với mong muốn cải thiện chất lượng “trồng người”. Trong bài nói chuyện đầy tâm huyết trước Quốc hội về 20 năm đất nước đổi mới, ông canh cánh nỗi lo về sự chậm phát triển và vấn đề bao cấp tràn lan trong giáo dục.
Ngay sau đó, năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị quyết 05 về xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục, thể thao với những thay đổi mang tính đột phá. Cùng với nghị quyết mang hướng mở này và cơ chế tự chủ tài chính, tự chủ tổ chức, tự chịu trách nhiệm, không lâu sau, sự nghiệp giáo dục TPHCM đã có những bước phát triển vượt bậc đáng được ghi nhận.
Sinh thời, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng dành sự quan tâm rất lớn đối với lĩnh vực giáo dục đại học.
Có mặt tại lễ viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học quốc gia TPHCM xúc động nói: Đối với Đại học Quốc gia Thành phố, bác Sáu Khải như một người cha, người đồng chí, người anh thân thiết. Bác là người ban hành nhiều văn bản quan trọng, nghị định, quy chế về Đại học quốc gia. Bác còn là Chủ tịch Danh dự của Quỹ phát triển Đại học quốc gia TPHCM với tâm nguyện kêu gọi sự chung tay của cộng đồng để tạo sự phát triển bền vững cho một đại học uy tín của TPHCM. Mỗi khi làm việc, bác luôn căn dặn Đại học quốc gia TPHCM phải nỗ lực nghiên cứu khoa học để phục vụ đất nước, chuyển giao công nghệ phục vụ cộng đồng và xã hội.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Thành Đạt trải lòng: “Chúng tôi cảm thấy rất đau buồn. Cán bộ, giảng viên, viên chức, sinh viên và học sinh Đại học Quốc gia TPHCM nguyện nỗ lực hết sức mình để xây dựng và phát triển Đại học Quốc gia như lời bác Phan Văn Khải căn dặn”.
Ngay cả khi về hưu, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải vẫn chưa dứt mối quan tâm với ngành giáo dục - đào tạo TPHCM. Tuổi cao sức yếu nhưng có dịp là ông góp tiền và vận động mạnh thường quân chung tay xây trường, hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo.
Cố Thủ tướng góp tiền và vận động mạnh thường quân chung tay xây trường, hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo.
Rồi quay về Củ Chi, ông mạnh dạn đầu tư xây dựng Trường Tiểu học Tân Thông với mong muốn vô cùng đơn giản là để học trò nghèo quê mình không phải ngồi thúng học chữ như ông thời xưa. Ông còn gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng rồi lấy phần tiền lời tặng quà tết, hỗ trợ tiền cho giáo viên khó khăn.
Không phụ lòng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, đến nay Trường Tiểu học Tân Thông đã trở thành điểm sáng về chất lượng khi trở thành ngôi trường đầu tiên tại thành phố triển khai thí điểm mô hình trường học mới (VNEN).
Qua nhiều lần gặp gỡ, làm việc, ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM vô cùng tâm đắc với cách nghĩ, cách lo của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cho giáo dục.
Ấn tượng nhất vẫn là cách nói chuyện bình dị, thân thương của bác Sáu Khải khi nhắc đến các thầy cô, các thế hệ học trò: “Với giáo dục bác không nói điều gì to tát. Bác bao giờ cũng nói những chuyện nhỏ, những chuyện cụ thể, gần gũi nhưng tôi thấy tầm nhìn và định hướng, niềm hy vọng và sự trông đợi của bác đối với giáo dục là rất lớn. Khi còn làm ở Sở GD-ĐT TPHCM tôi luôn ghi nhớ điều đó. Phải làm sao cho trẻ con tốt hơn, đời sống giáo viên tốt hơn và đạo đức của học sinh ngày càng được nâng cao.”.
Làm sao để giáo viên an tâm bám nghề, làm sao để học trò nghèo học hành tới nơi tới chốn, làm sao để giáo dục không giậm chân tại chỗ là những mong muốn mà nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải luôn gửi gắm mỗi khi có dịp làm việc với lãnh đạo ngành giáo dục - đào tạo các địa phương. Sự quan tâm, sẻ chia của ông đã và đang góp phần tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng “trồng người” tại TPHCM./.
Theo Mỹ Dung/VOV.VN - TPHCM