Cập nhật: 23/03/2018 10:42:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Việc chỉ chọn 6 tác phẩm để học bắt buộc đối với môn Ngữ văn trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã vấp phải sự phản đối của các nhà văn, nhà giáo.

Một trong những vấn đề được các nhà văn, nhà giáo thảo luận sôi nổi tại cuộc Tọa đàm khoa học góp ý chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn diễn ra sáng 22/3 do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức là có nhất thiết chỉ chọn 6 tác phẩm học bắt buộc hay không.

 

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; Tổng Giám đốc VOV phát biểu tại cuộc tọa đàm

Phát biểu tại cuộc tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cho biết: Ngày 19/1/2017, Bộ GD-ĐT đã công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn để xin ý kiến toàn xã hội trong 2 tháng.

Theo kế hoạch, sau khi tiếp thu ý kiến các cấp, ngành, các nhà giáo, giới chuyên môn và toàn xã hội, chương trình sẽ được điều chỉnh, hoàn thiện và ban hành để chuẩn bị cho việc thay sách giáo khoa dự kiến bắt đầu từ năm 2019.

Sẽ gây khó khăn cho khâu tổ chức giảng dạy, đánh giá, thi cử

Đóng góp ý kiến cho môn Ngữ văn trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà giáo Phạm Quang Long, trường ĐH Khoa học và Xã hội Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Dự thảo chương trình môn Ngữ văn mới đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới, vừa kế thừa và phát huy được những yếu tố tích cực của chương trình hiện thời; tích hợp các nội dung liên môn một cách  hợp lý.

Ngoài ra, chương trình cũng nhấn mạnh đến việc phát huy phẩm chất, năng lực của học sinh ở từng cấp học; phân hóa theo xu hướng và sở thích của học sinh qua việc bố trí các chuyên đề tự chọn.

 

Các đại biểu tham dự cuộc tọa đàm

Tuy nhiên, điểm không ổn nhất là những người soạn thảo đã tách phần giáo dục Ngôn ngữ với Văn học thành ra những phần tách bạch nên làm nhòe đi đặc trưng của môn Ngữ văn. Trong đó, phần cảm thụ văn chương, từ rung động thẩm mỹ để khơi dậy những khát vọng hướng tới cái đẹp, cái thiện đến sự hình thành nhân cách qua môn học Ngữ văn hơi bị nhẹ so với những tri thức và những yêu cầu về mặt ngôn ngữ học.

Về nội dung chương trình, ban soạn thảo chỉ quy định 6 tác phẩm bắt buộc, còn lại là do những người biên soạn sách giáo khoa, sách tham khảo, người dạy có quyền tự chọn theo cách hiểu và sự yêu thích, mục đích của mình. Sáu tác phẩm được chọn chỉ có riêng Truyện Kiều thuộc thể loại thơ Nôm, còn 5 tác phẩm còn lại là loại khác.

Theo nhà giáo Phạm Quang Long, về nội dung, những tác phẩm đó phù hợp nhưng lại đơn điệu về thể loại. Phần còn lại được chương trình giới thiệu như những gợi ý mà không bắt buộc. Đối với những tác phẩm dài cũng không gợi ý nên trích đoạn nào, dạy những nội dung gì.

 

Nhà giáo Phạm Quang Long phát biểu

Về nguyên tắc, nhà giáo Phạm Quang Long cho rằng, cách lựa chọn nội dung “mở” này không phù hợp, thiếu nhất quán bởi tính pháp lệnh không rõ ràng, tính chuẩn mực của nội dung chương trình chưa xác định (chỉ bắt buộc 6 tác phẩm còn lại do người viết sách và người dạy tự chọn) sẽ gây khó khăn cho khâu tổ chức giảng dạy, đánh giá, thi cử.

Bởi chương trình hướng dẫn chỉ nêu yêu cầu đánh giá mục tiêu cần đạt mà không quan tâm đúng mức đến nội dung ngữ liệu, phương thức đạt tới mục tiêu là không hợp lý bởi độ mở như những người soạn thảo chương trình nêu ra ở đây tiềm ẩn nhân tố khó kiểm soát. Ý định của chương trình là tạo thêm biên độ cho sự sáng tạo nhưng đó là những ý tưởng mang tính logic hình thức hơn là những căn cứ thực tiễn.

Lựa chọn tác phẩm tiêu biểu ở từng cấp học nên phù hợp với lứa tuổi

Đồng ý với quan điểm trên, GS.TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, Nghệ thuật Trung ương nhận định: Cả một nền văn học hơn 10 thế kỷ (chưa kể đến văn học dân gian Việt Nam) mà chỉ có 6 tác phẩm bắt buộc là điều khó chấp nhận.

 

GS.TS Đinh Xuân Dũng

Nếu chỉ dừng lại 6 tác phẩm bắt buộc mà phần còn lại chỉ là gợi ý, tự chọn tác phẩm tương tự thì khi tốt nghiệp, chắc chắn rằng, năm nào cũng chỉ thi trong 6 tác phẩm bắt buộc đó vì sẽ khó có văn bản nào khác ngoài 6 tác phẩm  được tất cả các bộ sách giáo khoa lựa chọn. Học sinh không học sẽ không thi được.

Đề xuất chọn lựa tác phẩm giảng dạy cho học sinh, theo Đinh Xuân Dũng, từ lớp 1 đến lớp 8 hoặc 9, có thể lựa chọn văn bản hay xuất sắc, hợp lứa tuổi, không cần theo tiến trình văn học dân tộc. Song từ lớp 9 hoặc 10 đến lớp 12, chương trình cần sắp xếp theo tiến trình lịch sử văn học qua việc lựa chọn các tác phẩm tiêu biểu. Bởi vì từ lứa tuổi 15 đến 18, các em cần hiểu biết văn học theo tiến trình của nó. Qua đó, giúp các em hiểu được sự vận động phát triển của tư duy, tâm hồn con người Việt Nam và hiểu được cả lịch sử dân tộc qua văn học.

Theo ông Đinh Xuân Dũng, nếu đếm thử các văn bản gợi ý cho mỗi lớp học sẽ có khoảng từ 16-25 tác phẩm. Vì vậy, “phần cứng” của chương trình cần chọn cho từng lớp học, mỗi lớp từ 5-6 tác phẩm (tức là chiếm khoảng 1/4 đến 1/5 chương trình văn học ở mỗi lớp. Như vậy, sau 12 năm học văn học ở phổ thông, các em có được vốn hiểu biết khoảng 60 tác phẩm xuất sắc của hơn 10 thế kỷ văn học. So với hàng nghìn tác phẩm hay, tốt thì tỷ lệ đó còn rất khiêm tốn.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Bá Thành, ĐH Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm, nếu chỉ chọn 6 tác phẩm là bắt buộc học, còn lại là tự chọn thì sẽ tạo nguy cơ loạn về sách giáo khoa. Mỗi trường, mỗi địa phương sẽ lựa chọn và biên soạn theo cách của mình. Các kỳ thi quốc gia về môn Ngữ văn sẽ khó đạt được sự thống nhất về định hướng đề thi.

Nếu tác phẩm bắt buộc chỉ chiếm từ 2-3% toàn bộ chương trình môn Ngữ văn thì sẽ không đảm bảo yêu cầu định tính và định lượng./.

Theo Bích Lan/VOV.VN

Tệp đính kèm