Viêm tuyến tiền liệt là một dạng bệnh thường xảy ra ở độ tuổi trung niên. Bệnh viêm tuyến tiền liệt gây ra các rối loạn chức năng sinh lý ảnh hưởng đến cuộc sống đời thường cũng như cuộc sống tình dục của đàn ông.
Tiền liệt tuyến là một tuyến đặc biệt chỉ có ở nam giới, chức năng chính của tuyến tiền liệt là sản xuất tinh dịch, giúp nuôi dưỡng, vận chuyển tinh trùng, bởi vậy, chúng ta có thể coi bộ phận này như một thứ bảo bối của tình yêu. Tuyến tiền liệt nam giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe sinh sản. Chính vì thế, mọi vấn đề về tuyến tiền liệt đều có thể khiến cho nam giới đứng trước nguy cơ bị vô sinh, hiếm muộn.
Ai có nguy cơ mắc bệnh?
Viêm tiền liệt tuyến là bệnh xảy ra ở nam giới trong độ tuổi trung niên, đặc biệt từ 60 tuổi trở lên, có thể phát triển cả ở người dưới 40; Những người mới bị viêm bàng quang hoặc đường tiết niệu; Phải đặt ống xông; Đang đi tiểu lại đột ngột dừng; Làm những nghề có chấn động hoặc rung nhiều; Lắc hoặc đi xe đạp liên tục; Những người có yếu tố nguy cơ cao bị viêm tuyến tiền liệt cũng là người có tuyến tiền liệt to, người hay bị sỏi thận, người hay bị nhiễm trùng đường tiểu và người có những bế tắc đường tiểu dưới như hẹp bao quy đầu.
Người viêm tuyến tiền liệt cần hạn chế đồ cay nóng.
Nhận biết viêm tuyến tiền liệt
Bệnh viêm tuyến tiền liệt rất khó phát hiện vì triệu chứng của nó có những điểm tương tự giống với một số bệnh như bệnh viêm nhiễm bàng quang hoặc niệu đạo. Viêm tuyến tiền liệt được chia thành 3 dạng với những triệu chứng điển hình khác nhau:
Viêm tuyến tiền liệt nhiễm khuẩn cấp tính: Các triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt nhiễm khuẩn cấp tính xuất hiện rất bất ngờ với các biểu hiện: sốt; rét; cảm giác giống như cảm cúm; tuyến tiền liệt, phần dưới thắt lưng hoặc vùng sinh dục có cảm giác đau; tiểu rắt; đi tiểu khó khăn; đau khi xuất tinh; thỉnh thoảng trong tinh dịch hoặc nước tiểu có máu.
Viêm tuyến tiền liệt nhiễm khuẩn mạn tính: Các triệu chứng ở dạng này gần giống với viêm tuyến tiền liệt cấp tính nhưng triệu chứng tiến triển chậm hơn. Đặc điểm của viêm tuyến tiền liệt mạn tính do vi khuẩn là viêm kéo dài kèm theo các cơn đau từng đợt cách quãng. Sốt nhẹ, thường hay đi tiểu đêm và kéo theo cả viêm bàng quang tái phát cũng là những biểu hiện thường thấy. Đau quanh háng, bụng dưới hoặc sau lưng. Đau dương vật hoặc tinh hoàn. Gặp khó khăn trong việc cương dương…
Trường hợp viêm tuyến tiền liệt mạn tính do vi khuẩn, nguyên nhân chủ yếu do nhiễm khuẩn từ dưới lên, kèm theo các bệnh hoa liễu sau các cuộc giao hợp. Chủng loại vi khuẩn gây viêm tuyến tiền liệt mạn tính thường là E.coli, ngoài ra còn các loại vi khuẩn khác có thể gây bệnh nhưng ít hoặc hiếm gặp hơn như clamydia, gonocoque, vi khuẩn lậu...
Biến chứng của viêm tuyến tiền liệt mạn tính tùy thuộc vị trí tổn thương viêm: nếu ổ viêm ở chỏm tuyến tiền liệt sẽ phát triển thành những tổ chức xơ, gây ra tiểu khó vì xơ cứng cổ bàng quang, nếu viêm ở vùng đáy sẽ gây ra những đợt viêm kịch phát, nguồn gốc của những đợt đau và chảy mủ không liên tục. Đôi khi bệnh nhân còn bị hoại tử, bị vôi hóa tuyến tiền liệt ở chỗ bị viêm nhiễm, xuất tinh ra máu.
Viêm tuyến tiền liệt mạn tính không do khuẩn: Biểu hiện và triệu chứng bệnh khá giống với viêm tuyến tiền liệt nhiễm khuẩn mạn tính, nhưng người mắc bệnh không bị sốt. Tuy nhiên, người bệnh có thể cảm thấy đau ở giữa bìu và hậu môn, trục trặc trong việc phóng tinh… Tính chất khác nhau chủ yếu của viêm tuyến tiền liệt mạn tính không do khuẩn là không thấy vi khuẩn khi làm xét nghiệm nước tiểu và trong dịch của tuyến tiền liệt. Đôi khi sẽ có các tế bào mủ trong nước tiểu.
Lời khuyên của thầy thuốc
Ngay từ khi mới phát hiện ra bệnh, cần nhanh chóng điều trị và áp dụng một chế độ sinh hoạt lành mạnh. Nhìn chung, cần tránh vận động mạnh, gây sức nén cho tuyến tiền liệt như đạp xe, cần uống nhiều nước, hạn chế rượu, cà phê và thức ăn cay nóng, đi tiểu đều.
Viêm tiền liệt tuyến không nhất thiết phải ngừng sinh hoạt tình dục, tuy nhiên, khi quan hệ tình dục mà xuất hiện những dấu hiệu như chảy máu, tổn thương cơ quan sinh dục hay quá trình xuất tinh bất thường thì cần đến ngay bác sĩ.
Thực hiện tốt một số khuyến cáo sau: Uống nước nhiều hơn có thể giúp làm sạch đường tiết niệu. Uống thêm nhiều nước, 8 - 12 ly mỗi ngày cho tới khi đi tiểu nhiều hơn bình thường. Điều này có thể giúp làm sạch đường tiết niệu. Tránh uống rượu và đồ uống có caffein. Caffein có thể thường làm buồn tiểu. Kiểm soát stress. Căng thẳng rất có liên quan đến các triệu chứng tiểu đau.
BS. Song Nhi
Theo suckhoedoisong.vn