Du lịch bền vững cần được xây dựng dựa trên nền tảng cái cộng đồng có, không nên trên cái cộng đồng cần, từ đó phát huy được tối đa nguồn lực địa phương.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/Minh Trang
Đó là ý kiến được nêu lên tại Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ nhất với chủ đề “Phát triển du lịch bền vững ở miền Trung và Asean” do Viện Khoa học xã hội (KHXH) vùng Trung Bộ tổ chức trong 2 ngày 8 và 9/6.
Nhiều lực cản khiến du lịch phát triển thiếu bền vững
Theo PGS.TS Bùi Đức Hùng, Viện trưởng Viện KHXH, từ năm 2001 đến nay, du lịch miền Trung đã đạt được nhiều kết quả khả quan, trở thành một trong những vùng động lực về du lịch của cả nước và tạo tiền đề cho phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, kết quả này còn ẩn chứa nhiều yếu tố rủi ro, đe dọa đến khả năng phát triển dài hạn.
Theo bà Đỗ Thu Trang (Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dù được lồng ghép vào định hướng phát triển tổng thể về kinh tế-xã hội ở nhiều địa phương, nhưng do thiếu sự thống nhất trong khai thác các nguồn lực nên du lịch của vùng đứng trước nguy cơ phát triển kém bền vững.
Quá trình phát triển các ngành công nghiệp và thuỷ sản đã làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn với ngành du lịch và cho đến nay, sự xung đột về lợi ích giữa các ngành chưa được giải quyết ổn thoả.
Nhiều bãi biển, khu du lịch, di sản thiên nhiên bị xâm hại mạnh bởi rác thải, nước thải và khí thải từ các nhà máy đóng tàu tại khu vực Thọ Quang (Đà Nẵng), nhà máy điện tại Vĩnh Tân (Bình Thuận) hay nạn khai thác thuỷ sản theo kiểu tận diệt tại đầm phá Tam Giang (Thừa Thiên-Huế). Nghiêm trọng nhất là sự cố ô nhiễm môi trường biển ảnh hưởng nghiêm trọng đến 4 tỉnh miền Trung.
Nhiều dự án quốc tế hỗ trợ du lịch bền vững ở miền Trung đã được triển khai, song còn một số bất cập do thiếu cơ chế hợp tác giữa các đối tác quốc tế.
Bà Đỗ Thu Trang dẫn chứng dự án “Du lịch bền vững và có trách nhiệm tại miền Trung Việt Nam” do ILO và UNESCO thực hiện tại Quảng Nam và Thừa Thiên- Huế, “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” do EU tài trợ, “Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mekong mở rộng” do ADB tài trợ... chồng chéo về nội dung cũng như địa bàn thụ hưởng, thiếu sự điều phối chung trong xây dựng dự án và năng lực cán bộ địa phương còn bất cập, chưa theo kịp yêu cầu về tiếp nhận dự án. Các chính sách phát triển du lịch miền Trung cũng chưa tạo ra sự liên kết toàn vùng.
Hiện đã có có quy hoạch du lịch vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ... nhưng lại thiếu quy hoạch, chính sách tổng thể về phát triển du lịch cho toàn khu vực miền Trung. Điều này làm cản trở tính liên tục của “không gian du lịch. Mặt khác, những định hướng và chính sách về du lịch đang triển khai tại 2 khu vực này khá tương đồng về sản phẩm (du lịch biển và du lịch văn hoá) và các chương trình xúc tiến du lịch. Vì vậy, đã tạo ra sự cạnh tranh lẫn nhau giữa các địa phương trong vùng, theo bà Trang.
Xây dựng du lịch dựa trên nền tảng văn hoá riêng
Để khắc phục điểm yếu của vùng là do chính sách phát triển và quản trị du lịch, bà Đỗ Thu Trang đề xuất các địa phương nên lập một cơ quan điều phối chung toàn khu vực, xây dựng cơ chế phối hợp trong trao đổi thông tin và cùng hành động thực hiện phát triển du lịch cho toàn vùng.
“Xây dựng các kế hoạch hành động có sự giám sát chặt, trong đó quy định chi tiết về lịch trình thực hiện, quyền lợi và trách nhiệm của các bên tham gia, kinh phí tổ chức thực hiện và các chỉ tiêu cụ thể để có đánh giá tiến độ của kế hoạch. Các kế hoạch này cần có sự tham vấn công khai đối với ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp và các bên hữu quan khác”, bà Trang nói.
Chia sẻ kinh nghiệm từ đất nước mình, ThS. Christina G. Aquino (Đại học Lyceum Philippines, Manila, Philippines) cho rằng nhân lực luôn là nhân tố quan trọng nhất quyết định đến sự thành công của ngành du lịch.
Bà Christina cho biết ngay từ ban đầu, Philippines đã xác định tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 nên đã đưa vào chương trình đào tạo ngay từ bậc mầm non, tiểu học, bước sang các bậc phổ thông và đại học đều có những quy định, tiêu chí đánh giá, đòi hỏi người dân phải có trình độ ngoại ngữ nhất định.
Bên cạnh đó, một mấu chốt nữa là sự phối hợp đồng bộ giữa 3 bên Nhà nước-doanh nghiệp-người dân, 3 bên cùng hợp tác và giám sát lẫn nhau rất chặt chẽ, từ đó vừa có thể duy trì được năng lực của cộng đồng vừa bảo tồn được tài nguyên thiên nhiên.
Đặc biệt, mô hình phát triển du lịch bền vững dựa vào người dân địa phương là câu chuyện được nhiều đại biểu đề cập đến. Các tác giả Bùi Đức Hùng, Trịnh Thị Thu (Viện KHXH Trung Bộ), TS. Chu Mạnh Trinh (Ban Quản lý khu bảo tồn biển Cù lao Chàm) đã chia sẻ về trường hợp bảo tồn cua đá Cù lao Chàm, một điển hình đang thực hiện khá thành công tại Cù lao Chàm (Hội An, Quảng Nam).
Theo đó, với hình ảnh “con cua đá được gắn nhãn sinh thái” thể hiện nỗ lực của cộng đồng đối với bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường. Ngày nay khách du lịch đến với Cù lao Chàm không chỉ để thưởng thức cảnh quan thiên nhiên, văn hoá mà còn đến để biết cách ứng xử của người dân với cua đá như thế nào.
Sáng kiến “Tổ cộng đồng bảo vệ và khai thác hợp lý cua đá Cù lao Chàm” đã và đang góp phần vào phát triển du lịch bền vững tại địa phương. Nhiều địa phương khác như khu bảo tồn biển Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quốc đã và đang học tập mô hình này để triển khai tại địa phương của mình.
Từ đó, các chuyên gia đã chỉ ra rằng sáng kiến bảo vệ cua đá cho thấy du lịch bền vững cần được xây dựng dựa trên nền tảng cái cộng đồng có, không nên trên cái cộng đồng cần, từ đó phát huy được tối đa nguồn lực địa phương. Chính sự tham gia của cộng đồng trong việc tạo ra và bảo vệ các giá trị văn hoá riêng từ mỗi thôn, mỗi làng sẽ tạo nên sự phát triển bền vững.
Theo Minh Trang/chinhphu.vn