Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Đàm Thanh Thế cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, cả nước đã phát hiện bắt giữ, xử lý 88.229 vụ vi phạm buôn lậu, hàng giả, số thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) đạt hơn 7.427 tỷ đồng, khởi tố 887 vụ và 889 đối tượng.
Đây là một nội dung thông tin tại Họp báo chuyên đề của Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) chủ đề “Kết quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2018" ngày 31/7.
Đại diện cơ quan chức năng cung cấp thông tin tại họp báo. Ảnh:VGP/Huy Thắng
Tại cuộc họp báo, đại diện các cơ quan chức năng đã giải đáp, cung cấp thêm thông tin tới các phóng viên về hoạt động đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại thời gian qua.
Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết: Lực lượng quản lý thị trường tiếp tục mở rộng phạm vi kiểm tra chuỗi siêu thị Con Cưng trên toàn quốc, đồng thời tiếp tục điều tra, xác minh, xem xét xử lý hành chính hoặc hình sự.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nguyễn Trọng Tín cho biết, ngày 21/7, Tổ công tác chuyên trách 334 đã cùng với Chi cục Quản lý thị trường TPHCM tiến hành kiểm tra đối với 3 cửa hàng thuộc chuỗi siêu thị Con Cưng gồm: Cửa hàng số 833-835 (đường Hồng Bàng, Quận 6, TPHCM) và Cửa hàng số 78 (Tôn Thất Tùng, Quận 1, TPHCM); cửa hàng số 424 (đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TPHCM).
Qua kết quả kiểm tra sơ bộ ban đầu, Tổ công tác chuyên trách 334 và Chi cục Quản lý thị trường TPHCM phát hiện tới 7 hành vi vi phạm. Một là, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu nhưng tại thời điểm kiểm tra các cửa hàng chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ (vi phạm Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP, có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa nhập lậu). Hai là, kinh doanh hàng hóa có nhãn ghi sản xuất trong nước “Made in VietNam” nhưng ngôn ngữ trình bày về xuất xứ của hàng hóa không phải bằng tiếng Việt. Ba là, kinh doanh hàng hóa mà sử dụng nhãn giấy dán mang nội dung khác đè lên nhãn gốc in trên sản phẩm. Bốn là, kinh doanh hàng hóa là túi nilon đựng sữa ghi sử dụng công nghệ Đức nhưng không ghi xuất xứ của hàng hóa, không có nội dung thể hiện hợp chuẩn QCVN 12-1:2011/BYT. Năm là, kinh doanh hàng hóa là mỹ phẩm trên nhãn không thể hiện số công bố lưu hành có dấu hiệu là kinh doanh hàng hóa chưa được phép lưu hành theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm. Sáu là, kinh doanh nhiều loại hàng hóa có nhãn không ghi đầy đủ các nội dung theo quy định. Bảy là, các cửa hàng đang thực hiện rất nhiều chương trình khuyến mại nhưng chưa xuất trình được các giấy tờ có liên quan theo quy định.
Đại diện Cục Quản lý thị trường cho biết đã tiến hành tạm giữ đối với tang vật có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục thẩm tra, xác minh, làm rõ và xử lý theo đúng quy định. Hiện, Cục Quản lý thị trường sẽ tiến hành thanh kiểm tra triệt để hơn đối với chuỗi siêu thị Con Cưng ở các địa phương có chi nhánh trên cả nước. Ông Tín cho biết, lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục làm việc với Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) để kết luận chính xác , xem xét xử lý hành chính hoặc hình sự.
Còn ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế cho biết thêm, cơ quan thanh tra của Bộ này đã có nhiều đợt ra quân đấu tranh chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, phát hiện xử lý 41 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực mỹ phẩm, dược phẩm, xử phạt hơn 2 tỷ đồng. Còn kiểm tra an toàn thực phẩm phát hiện tỉ lệ sai phạm khoảng 19% ở các mức độ khác nhau.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Nhiên, quá trình đấu tranh với hàng giả, hàng kém chất lượng còn gặp không ít khó khăn với những bất cập từ chính các quy định khó thực hiện. Các cơ quan chức năng đang soạn thảo các quy định mới dần thay thế để tạo thuận lợi hơn trong hoạt động đấu tranh chống hàng giả, gian lận.
Về triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Đàm Thanh Thế cho biết: Ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia và Kế hoạch công tác năm 2018 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý, các bộ ngành xây dựng, sửa đổi, bổ sung và đề xuất kiến nghị các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia sẽ tiến hành xây dựng các kế hoạch chuyên đề để triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chống buôn lậu thuốc lá, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; triển khai các kế hoạch của BCĐ 389 quốc gia về tăng cường đấu tranh đối với mặt hàng xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn để nhận diện các hiện tượng nổi cộm, các mặt hàng mới nổi để đấu tranh ngăn chặn. Tuyên truyền đến nhân dân không tiếp tay cho buôn lậu, tích cực tham gia tố giác tội phạm. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật, thay thế, điều chuyển người đứng đầu cơ quan, đơn vị có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu hoặc không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…
Theo Anh Minh/Chinhphu.vn