Cập nhật: 21/09/2018 11:56:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Lượng khách đến Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) tăng mạnh hằng năm gần đây không chỉ tạo sức ép lớn đến hệ thống hạ tầng của huyện đảo, mà còn ảnh hưởng không nhỏ môi sinh, môi trường và sự phát triển bền vững của địa phương. Đây thật sự là bài toán khó cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong việc điều chỉnh quy hoạch cũng như hoạch định các chính sách phát triển cho huyện đảo tiền tiêu này.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Côn Đảo được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2015, mục tiêu đến năm 2030, Côn Đảo sẽ là điểm du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa - lịch sử - tâm linh chất lượng cao, đón khoảng 300 nghìn lượt khách mỗi năm với 40% là khách quốc tế. Tuy nhiên, qua thống kê của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm 2017, Côn Đảo đã đón hơn 240 nghìn lượt khách, và chỉ trong sáu tháng đầu năm 2018, Côn Đảo đã đón hơn 153 nghìn lượt khách; dự kiến cả năm 2018, sẽ đón khoảng 300 nghìn lượt khách. Như vậy, lượng khách đến với Côn Đảo đã vượt so với quy hoạch đề ra trước cả 10 năm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ: “Địa phương đang rất lo lắng, bởi đến năm 2019, hoặc chậm nhất là đến năm 2020, số lượng du khách đến Côn Đảo sẽ vượt so với quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thực tế hiện nay, hạ tầng du lịch của Côn Đảo chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của du khách. Đặc biệt, nhu cầu cung cấp điện, cung cấp nước, xử lý nước thải, xử lý rác sinh hoạt và các hạ tầng thiết yếu khác đang trở nên quá tải đối với huyện đảo tiền tiêu này”.

Phá vỡ quy hoạch về lượng du khách nhưng Côn Đảo lại không đạt các chỉ tiêu về lượng khách quốc tế đến với đảo. Trong khi khách quốc tế là đối tượng mà du lịch Côn Đảo hướng đến. Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sáu tháng đầu năm 2018, chỉ có 2.218 lượt khách quốc tế đến Côn Đảo, với doanh thu rất ít ỏi, khoảng 14 tỷ đồng.

Thống kê cho thấy, lượng khách đến với Côn Đảo tăng nhanh, nhưng hầu hết là khách nội địa, bình dân, với mức chi tiêu thấp, chỉ đạt 4,7 triệu đồng/người, trong đó, phần lớn là khách du lịch đến từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ do thời gian gần đây, khu vực này mở nhiều tuyến tàu khách kết nối với Côn Đảo.

Sự gia tăng ồ ạt khách du lịch đến Côn Đảo không chỉ tạo sức ép nặng nề lên hệ thống hạ tầng, nhất là hệ thống điện - nước, mà còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái tự nhiên của đảo. Đặc biệt, Vườn quốc gia Côn Đảo với hệ động, thực vật phong phú, cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do ô nhiễm môi trường cùng những tác động tiêu cực do con người gây ra.

Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo Nguyễn Khắc Pho cho biết: “Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến Côn Đảo ngày càng tăng, với mỗi ngày có trung bình từ 10 chuyến bay và ba tới bốn chuyến tàu khách từ miền tây Sóc Trăng tới. Bên cạnh những đóng góp về mặt kinh tế, góp phần thúc đẩy ngành du lịch - thương mại trên đảo phát triển thì cũng đã và đang gây rất nhiều áp lực đối với việc bảo tồn, giữ gìn hệ sinh thái tự nhiên của đảo. Đặc biệt, khi Vườn quốc gia Côn Đảo đã được công nhận là khu Ramsar của thế giới và là Ramsar biển đầu tiên của Việt Nam”.

Trước những áp lực rất lớn về sự quá tải của lượng khách du lịch đến Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo các sở, ngành địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch, giải pháp nhằm hỗ trợ huyện Côn Đảo xử lý những hệ lụy do sự phát triển quá “nóng” về lượng du khách ra đảo ngày càng tăng hiện nay.

Tuy nhiên, với việc các hãng tàu vẫn đang tiếp tục đăng ký mở các tuyến từ Vũng Tàu và các tỉnh miền Tây Nam Bộ ra Côn Đảo như hiện nay thì mọi giải pháp của địa phương đều chỉ có tính chất tạm thời.

Bài và ảnh: ANH TUẤN, NGUYỄN NAM 

Theo nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm