Cập nhật: 22/11/2018 16:56:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

U tuyến giáp là bệnh lý phổ biến ở nữ giới, người bệnh khi phát hiện có khối u ở cổ gây khó chịu hoặc thậm chí khó thở hay nuốt nghẹn. Bệnh đa số là lành tính nhưng cũng có số ít những trường hợp tiến triển thành ung thư tuyến giáp. 

U tuyến giáp hay còn gọi là bướu nhân tuyến giáp là những khối u chứa đầy chất rắn hoặc chất lỏng hình thành trong tuyến giáp (một tuyến nhỏ nằm trước vùng cổ và ngay trên xương ức). Những khối u này nó sẽ làm thay đổi cấu trúc và chức năng của tuyến giáp. U tuyến giáp thường gặp ở nữ giới hơn nam giới, tỷ lệ gặp ở giới cao gấp 5 lần so với nam giới. Lứa tuổi thường gặp nhất là từ 35 tuổi trở lên. Điều đáng lưu ý là nguyên nhân dẫn đến bệnh bướu nhân tuyến giáp thường không rõ ràng, chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố có liên quan.

Đa phần những bệnh nhân bị u tuyến giáp khi nhỏ thường ít có biểu hiện rõ ràng mà chủ yếu được phát hiện là qua siêu âm. Phải đến khi khối u trở nên quá lớn thì bệnh nhân có thể tự cảm thấy sưng to ở phần cổ, khối u đè vào khí quản hoặc thực quản gây khó thở, nuốt nghẹn.

Theo các bác sỹ chuyên khoa nội tiết cho biết, 95% bệnh nhân bị bướu nhân tuyến giáp là lành tính, ung thư chỉ chiếm tỷ lệ dưới 5%. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyên người bệnh không được chủ quan và bỏ qua việc kiểm tra thăm khám. Tất cả các bệnh nhân khi có biểu hiện nuốt nghẹn, sờ thấy có khối vùng cổ hay nói khàn nên đi khám bác sỹ nội tiết để được chẩn đoán bệnh một cách chính xác.

Để phòng tránh ung thư tuyến giáp, các bác sỹ khuyến cáo những người nếu thấy bất thường ở vùng cổ, thấy nuốt nghẹn, nói khàn, khi sờ vào vùng cổ thấy đau; những người tiền sử gia đình có người bị mắc ung thư tuyến giáp hoặc mắc các bệnh lý về tuyến giáp thì nên đi khám tuyến giáp thường xuyên. Đối với những bệnh nhân đã có nhân tuyến giáp mà chưa được chẩn đoán là ung thư tuyến giáp và chưa có chỉ định phẫu thuật của bác sỹ thì cũng nên đi khám để được chọc tế bào tuyến giáp định kỳ 6 tháng/1 lần. Với những bệnh nhân đã được phẫu thuật thì nên tái khám định kỳ 3 tháng/lần để được bác sỹ theo dõi và điều chỉnh thuốc, tránh trường hợp bị suy giáp./.

Mai Hương

Tệp đính kèm