Cập nhật: 26/11/2018 16:51:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Là một huyện trung du, Tam Dương đã phát huy lợi thế địa hình đồi núi thấp, dần trở thành điểm sáng về phát triển nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc. Đặc biệt, trong 20 năm kể từ khi tái lập huyện đến nay, giá trị sản xuất trồng trọt của huyện đã tăng lên 5 lần, từ 19 triệu đồng/ha đến 95 triệu đồng/ha/năm. Trên địa bàn huyện hình thành được vùng trồng trọt sản xuất hàng hoá tập trung với tổng diện tích hơn 460 ha. Huyện xác định sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap là một trong những hướng đi chính tạo bước phát triển nông nghiệp bền vững.

Định hướng cùng quyết tâm của Lãnh đạo huyện Tam Dương đã tạo đà cho các xã, thị trấn trên địa bàn xây dựng nhiều vùng sản xuất rau an toàn VietGap. Tại xã Vân Hội - một trong những vùng chuyên canh rau của huyện, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm tuyên truyền, vận động các hộ thay đổi phương thức sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm rau đảm bảo chất lượng, từng bước xây dựng thương hiệu rau an toàn Vân Hội.

Tháng 2/2017, Hợp tác xã Rau an toàn Vân Hội xanh được thành lập đã xây dựng vùng trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap đầu tiên trên địa bàn xã, với diện tích ban đầu 5ha. Đến cuối năm 2017, Hợp tác xã đã thu hút thêm đông đảo hộ tham gia và mở rộng diện tích trồng rau VietGap lên 10ha. Hiện nay, Hợp tác xã có 45 hộ thành viên. Tất cả các hộ đều thực hiện chung một quy trình chăm sóc đối với từng loại cây trồng, đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng an toàn và sự đồng đều.

Tuân thủ yêu cầu canh tác, kĩ thuật chăm sóc cây trồng theo tiêu chuẩn VietGap, diện tích rau của gia đình ông Nguyễn Văn Nam luôn đạt chất lượng ổn định. Do đó, giá trị kinh tế từ trồng rau an toàn cũng cao hơn hẳn; ước tính, mỗi hecta cho thu nhập từ 500 đến 600 triệu đồng/năm, tăng từ 10 đến 15% lợi nhuận so với trước đây.

Chỉ sau chưa đầy 2 năm được thành lập, Hợp tác xã Rau an toàn Vân Hội xanh đã từng bước xây dựng được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường cho sản phẩm của các hộ thành viên. Một trong những yếu tố góp phần tạo nên bước tiến ấy là Hợp tác xã luôn thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm soát quy trình chăm sóc cây trồng của từng hộ thành viên, nhất là đối với rau ăn lá.

Trung bình một ngày, HTX thu mua từ 500 đến 800kg rau của các hộ thành viên. Sản phẩm mang thương hiệu Rau an toàn Vân Hội xanh đã có mặt ở nhiều siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh cùng không ít bếp ăn nhà trường. Niềm tin của người tiêu dùng là thước đo quan trọng đánh giá chất lượng cũng như giá trị của sản phẩm. Những người nông dân đã mạnh dạn thay đổi phương thức canh tác, từ tự do đến thực hiện theo nguyên tắc như ông Nguyễn Văn Nam hiểu rằng, chính người trồng rau cần có trách nhiệm đầu tiên trong việc xây dựng và giữ gìn thương hiệu mình góp phần tạo dựng.

Sản xuất nông nghiệp sạch đang trở thành phong trào lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn huyện Tam Dương. Cùng với xã Vân Hội, nhiều địa phương khác cũng đã xây dựng được vùng trồng rau, củ, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Tiêu biểu có thể kể đến như xã Kim Long. Hiện nay, xã có 5ha sản xuất rau, củ, quả an toàn. Hợp tác xã Rau an toàn Vĩnh Phúc là đơn vị quản lí chất lượng, đồng thời bao tiêu sản phẩm của các hộ thành viên thuộc vùng trồng 5ha này. Để đảm bảo năng suất, chất lượng cây trồng, ngay từ khâu chọn giống, phân bón đến kĩ thuật chăm sóc, Hợp tác xã đều có yêu cầu cụ thể với các hộ thành viên. Đặc biệt, HTX còn xây dựng cơ chế thưởng phạt để khuyến khích các hộ thực hiện tốt quy trình VietGap.

Thay đổi thói quen canh tác đối với những người nông dân đã có nhiều thế hệ trong gia đình gắn bó với làm nông nghiệp truyền thống không phải là chuyện một sớm một chiều. Và chính lợi ích từ trồng rau an toàn VietGap mang lại đã từng bước thay đổi thói quen ấy.

Cũng giống như gia đình ông Ngoạn, ông Nam, các hộ sản xuất rau trong vùng trồng VietGap đều thực hiện theo đúng hướng dẫn kĩ thuật của HTX, chỉ phun thuốc sinh học và dùng biện pháp thủ công để phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Những bình bẫy ruồi vàng đục quả được treo đồng loạt ở khắp các ruộng. Bằng cách này người trồng vừa không phải dùng thuốc, vừa kiểm soát được dịch hại, nâng cao hiệu quả đối với việc chăm sóc và bảo vệ cây trồng.

Sản phẩm trong vùng trồng rau an toàn VietGap ở Kim Long đa dạng và phong phú theo mùa vụ, đảm bảo các loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng cùng tập quán canh tác của người dân; trong đó, hai sản phẩm chủ lực của vùng là mướp hương và su su lấy quả. Mướp hương được trồng vào vụ hè thu, từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Thời điểm này đang ở vụ đông xuân, HTX tổ chức cho các hộ thành viên tập trung trồng bầu và su su lấy quả. Trung bình mỗi năm, HTX thu mua khoảng 300 tấn rau, củ, quả ở các vùng trồng VietGap của xã Kim Long, huyện Tam Dương. Nhằm tạo đầu ra ổn định cho các hộ thành viên, HTX không ngừng tìm kiếm và mở rộng thị trường.

Giải quyết được bài toán đầu ra ổn định cho sản phẩm, người nông dân sẽ bớt được nỗi lo “được mùa mất giá, được giá mất mùa” như khi canh tác tự do. Điều quan trọng nhất hiện nay là người trồng phải thực hiện đúng cam kết đảm bảo chất lượng sản phẩm mình làm ra. Khẳng định được thương hiệu nông sản của vùng trồng và chinh phục được những thị trường khó tính trong nước như các tập đoàn: Vineco, FLC hay chuỗi cửa hàng, siêu thị uy tín, những sản phẩm rau an toàn Tam Dương còn có cơ hội xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Hình thành và phát triển các vùng trồng rau an toàn ViệtGap đã đưa sản xuất nông nghiệp Tam Dương xác lập vị trí trên bản đồ nông sản tiêu biểu Vĩnh Phúc. Cũng từ sự thay đổi tư duy, phương thức canh tác, lấy chất lượng, uy tín làm tiêu chí số 1, những người nông dân Tam Dương đã tự tin đóng góp vào quá trình xây dựng thương hiệu nông sản Vĩnh Phúc. 

Tuyết Minh

Tệp đính kèm