Cập nhật: 04/12/2018 17:16:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bảo hiểm y tế là giải pháp hữu ích giúp người dân giảm bớt gánh nặng trong suốt quá trình khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe của mình. Hiện nay, việc cung ứng các nguồn kinh phí hỗ trợ cho việc sử dụng thuốc đối với người bị nhiễm HIV dần hạn chế gây ra nhiều khó khăn, do vậy bảo hiểm y tế sẽ là giải pháp tốt nhất giúp duy trì điều trị. Đặc biệt, việc Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ thanh toán đầy đủ các dịch vụ điều trị HIV/AIDS, ARV vào năm 2019 mở ra nhiều cơ hội cho người bệnh HIV/AIDS được chăm sóc, điều trị.

Có bảo hiểm y tế các chi phí khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, tiền thuốc cùng nhiều dịch vụ y tế khác được thanh toán giúp cho việc điều trị của người dân trở nên bớt khó khăn. Đối với người bệnh HIV/AIDS trước đây việc điều trị sử dụng thuốc chủ yếu được hỗ trợ từ các nguồn quỹ quốc tế được duy trì cấp phát hàng năm. Tuy nhiên, thực hiện mục tiêu 90-90-90 các nhà tài trợ cũng thông báo lộ trình cắt giảm viện trợ thuốc ARV tiến tới kết thúc viện trợ. Bên cạnh đó, nguồn ngân sách đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế, trong khi việc điều trị cho người nhiễm HIV cần liên tục, suốt đời. Do vậy, năm 2016 Chính phủ đã ban hành Quyết định 2188/QÐ-TTg quy định về việc thanh toán thuốc ARV từ nguồn BHYT và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng vi-rút HIV. Cùng các văn bản khác, quyết định 1125/QÐ-TTg ngày 31-7-2017, thời điểm thanh toán thuốc ARV từ quỹ BHYT từ 1/1/2019. Đây được coi là chính sách hữu ích cho người đang điều trị HIV khi có thẻ bảo hiểm và nhận được nhiều hưởng ứng từ người nhà và bản thân người bệnh.

Với quy định mới về thanh toán bảo hiểm y tế cho người bệnh HIV/AIDS các cơ sở y tế đi đôi với duy trì hoạt động cấp phát thuốc, tư vấn cũng đã tích cực vận động gia đình, người bệnh tham gia bảo hiểm. Tại trung tâm y tế huyện Sông Lô hiện đang cấp thuốc, điều trị cho 127 bệnh nhân hiện nay đã có 100% sử dụng bảo hiểm y tế, các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ y tế đã được chuẩn bị theo quy định mới.

Công tác điều trị cho người bệnh HIV/AIDS tại Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đại đa số nhận thức của cộng đồng, người nhiễm HIV có nhiều chuyển biến. Số người được quản lý, duy trì điều trị đạt hơn 1020 người, trong đó có 870 người sử dụng ARV so với năm 2016 tỷ lệ bảo hiểm chỉ đạt 52% thì năm 2018 đã đạt 95% điều này đang tạo cơ hội đạt được mục tiêu 100% người bệnh HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế.

Với những chính sách phù hợp hỗ trợ người bệnh HIV/AIDS sẽ tạo ra cơ hội giúp gia đình, bản thân họ tiếp tục duy trì việc điều trị, sử dụng các dịch vụ y tế, giảm đi gánh nặng kinh tế. Do vậy, ngoài việc tuyên truyền tham gia bảo hiểm thì mỗi người bệnh vượt qua rào cản tự ti, chủ động tham gia bảo hiểm y tế để tự bảo vệ sức khỏe của chính mình và gia đình đó chính là giải pháp bền vững hỗ trợ quá trình điều trị và góp phần tái hòa nhập cộng đồng.

Tiến Trang

Tệp đính kèm