Không chỉ là địa phương giàu truyền thống lịch sử cách mạng của dân tộc, Vĩnh Phúc nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa vùng đồng bằng Sông Hồng với các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, địa hình tự nhiên tạo nên nhiều cảnh quan hấp dẫn để phát triển du lịch như: núi Tam Đảo, nơi có khu du lịch Tam Đảo- điểm nghỉ dưỡng lý tưởng dành cho du khách; hồ Đại Lải, Bò Lạc, Vân Trục, Thanh Lanh, Xạ Hương, đầm Vạc,… là những tài nguyên du lịch quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho Vĩnh Phúc.
Công ty cổ phần đầu tư Lạc Hồng Vĩnh Phúc là một trong những doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh khá thành công tại Vĩnh Phúc. Sau khi hoàn thiện dự án khu đô thị Chùa Hà Tiên trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên trên diện tích 6ha với hàng trăm biệt thự, khu nhà phố liền kề có cảnh quan môi trường sinh thái lý tưởng cho người dân sinh sống, công ty tiếp tục đầu tư sang lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng. Trong đó, công ty đã đưa vào sử dụng hệ thống cáp treo Tây Thiên tại khu danh thắng Tây Thiên, huyện Tam Đảo với tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng, hàng năm phục vụ gần 400 nghìn lượt khách tham khu danh thắng Tây Thiên.
Hiện nay, công ty đang hoàn thiện khu tổ hợp dịch vụ cao cấp, ẩm thực, nhà hàng, khách sạn tại thị trấn Tam Đảo có tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng, hứa hẹn là nơi nghỉ dưỡng cao cấp đối với du khách. Theo bà Đặng Thị Như Quỳnh, Giám đốc chi nhánh công ty cổ phần đầu tư Lạc Hồng Vĩnh Phúc cho biết: nhận thấy tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch của Vĩnh Phúc, công ty tập trung mọi nguồn lực đầu tư đối với lĩnh vực này. Trong quá thực hiện các dự án, công ty luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi của lãnh đạo tỉnh và các sở ngành, chính quyền địa phương.
Những năm qua, Vĩnh Phúc đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh việc phát huy tốt các lợi thế về địa lý gần thủ đô Hà Nội và các đô thị lớn thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vĩnh Phúc phát huy tốt lợi thế về tài nguyên du lịch được thiên nhiên ban tặng, tỉnh đã tập trung chỉ đạo làm tốt công tác lập và quản lý quy hoạch xây dựng, đồng thời, rà soát lại các quy hoạch đã được duyệt theo đúng quy định. Đến nay, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch 6 khu du lịch dịch vụ trọng điểm của tỉnh là khu du lịch Tam Đảo, khu Danh thắng Tây Thiên; khu vực Núi Sáng Sơn; khu phía Bắc hồ Đại Lải,…
Để tạo bước đột phá phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, Vĩnh Phúc luôn chú trọng ưu tiên nguồn vốn đầu tư công, nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch. Giai đoạn 2011-2017, tổng số vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho lĩnh vực du lịch gần 2.200 tỷ đồng. Bên cạnh đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước, tỉnh chủ động dành quỹ đất cho các dự án du lịch để thu hút đầu tư. Từ năm 2011-2017, toàn tỉnh có 36 dự án DDI đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng số vốn cam kết là 20.600 tỷ đồng, trong đó, đã thực hiện 11.300 tỷ đồng, đạt 55% số vốn cam kết đề ra. Đã có nhiều dự án đầu tư hiệu quả như dự án Flamigo Đại Lải, đạt tiêu chuẩn 5 sao với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 4.600 tỷ đồng; dự án Tam Đảo II của Tập đoàn SunGroup với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 gần 3.000 tỷ đồng; dự án FLC Vĩnh Thịnh, giai đoạn 1 đã đi vào hoạt động, tổng mức đầu tư đã thực hiện khoảng 600 tỷ đồng.
Với sự ưu tiên đầu tư phù hợp hiệu quả, lượng khách du lịch đến với tỉnh luôn có sự tăng trưởng. Năm 2011, du lịch Vĩnh Phúc chỉ đón trên 1,7 triệu lượt khách, trong đó có 24.700 lượt khách quốc tế. Đến năm 2017, du lịch Vĩnh Phúc đã đón 4,4 triệu lượt khách, tăng 2,5 lần so với năm 2011, trong đó có 33.500 lượt khách quốc tế. Tổng lượng khách du lịch đến với tỉnh Vĩnh Phúc từ năm 2011 đến hết năm 2017 là hơn 20 triệu lượt người, khách nội địa chiếm 99,12%; số ngày lưu trú bình quân khoảng 1,5 ngày. Trong vòng 3 năm trở lại đây, lượng du khách đến tham quan và du lịch tại Vĩnh Phúc luôn giữ tốc độ tăng trưởng bình quân 15%, đem lại hiệu quả đáng kể về việc tăng nguồn thu cho ngân sách, mở rộng quan hệ giao lưu, tăng thu nhập cho người lao động trong ngành và góp phần nâng cao mức sống cho người dân địa phương ở những khu, điểm du lịch. Với sự gia tăng nhanh về lượng khách du lịch mang đến sự tăng trưởng ổn định về doanh thu du lịch. Trong năm 2017, doanh thu du lịch đạt 1.420 tỷ đồng, tăng 10,33% so với cùng kỳ. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Vĩnh Phúc đón 2,55 triệu lượt khách tham quan du lịch, trong đó khách quốc tế trên 17 nghìn lượt. Tổng doanh thu du lịch đạt trên 1.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.
Để từng bước đưa du lịch Vĩnh Phúc phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong những năm tới tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền, quán triệt và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chương trình hành động số 41 của Tỉnh ủy và kế hoạch 829 của UBND tỉnh để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận và bước đột phá mới nhằm thúc đẩy du lịch của tỉnh phát triển đúng hướng, nhanh và bền vững. Tỉnh tập trung các nguồn lực để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về du lịch của địa phương, ưu tiên thu hút chọn lọc các dự án đầu tư du lịch cao cấp và các sản phẩm, dịch vụ đa dạng, đồng bộ, có sức hấp dẫn và tính cạnh tranh cao. Đồng thời, phát triển du lịch bền vững trên cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, gắn khai thác với bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc./.
Lê Minh