thương mại toàn cầu đang mất đà vì nhiều lý do và tăng trưởng kinh tế yếu hơn vào năm 2019 là gần như chắc chắn.
Căng thẳng thương mại Mỹ Trung có thể gây ra những tác động tiêu cực cho kinh tế toàn cầu trong năm 2019
Triển vọng kinh tế dường như không còn là màu hồng đối với nhiều nước trong năm 2019. Sự phục hồi thương mại thế giới tương đối năng động bắt đầu vào cuối năm 2016 hiện đang bị đe dọa bởi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, cùng với việc tăng cường bảo hộ ở nhiều nền kinh tế. Có thể leo thang xung đột thương mại khi các quốc gia trả đũa lẫn nhau bởi các biện pháp bảo hộ đã trở thành một trở ngại lớn đối với thương mại và đầu tư trên toàn thế giới. Một số nhà kinh tế thậm chí nói rằng một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu mới đang diễn ra.
Công bố Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu vào cuối tháng 11 vừa qua, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 dự kiến đạt 3,5%, giảm 0,2% so với mức dự báo được đưa ra hồi tháng 9/2018.
Trước đó không lâu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng công bố bản cập nhật báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (World Economic Outlook), đưa ra nhận định nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,7% trong năm 2018 và 2019, giảm từ mức dự báo tăng 3,9% đưa ra cách đây 3 tháng.
Hãng tư vấn Oxford Economics nhận định, kinh tế thế giới năm tới có thể giảm tốc mạnh hơn dự kiến một phần do chính sách tiền tệ thắt chặt và sự sụt giảm khả năng thanh toán nợ. Oxford Economics dự báo kinh tế thế giới sẽ giảm tốc từ mức tăng trưởng 3,1% năm nay xuống còn 2,8% vào năm 2019 và 2,7% năm 2020. Theo hãng này, những “cơn gió ngược” từ sự giảm dần chính sách kích thích tài khóa và tiền tệ cùng với tình trạng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung sẽ kiềm chế đà tăng trưởng trong năm 2019.
Joseph Incalcaterra, nhà kinh tế trưởng về ASEAN tại HSBC Global Research cho biết, sự thật là chu kỳ thương mại toàn cầu đã chậm lại bất kể những gì đang xảy ra với căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, do sự giảm tốc dần trong chu kỳ công nghệ và các đơn đặt hàng bán dẫn. Có một số dấu hiệu dịch chuyển năng lực sản xuất sang Việt Nam, Malaysia và Thái Lan, nhưng điều này khó có thể bù đắp cho sự giảm tốc thương mại rộng lớn hơn. Mặc dù sự sụt giảm giá dầu gần đây đã giúp nâng cao chi tiêu của người tiêu dùng ở các nền kinh tế nhập khẩu dầu, Mỹ và Trung Quốc đang nối lại đàm phán, nhưng HSBC lưu ý trong số Tạp chí kinh tế châu Á mới nhất rằng điều đó cũng không đủ để đưa tăng trưởng kinh tế của khu vực trở lại đúng hướng. Báo cáo cho biết, chu kỳ thương mại toàn cầu dường như sẽ hạ nhiệt hơn nữa, thêm một lực cản cho tăng trưởng xuất khẩu châu Á. Ben May, Giám đốc nghiên cứu vĩ mô toàn cầu tại Oxford Economics cũng đồng ý rằng “giai điệu ảm đạm” của năm nay có thể kéo dài khi các nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ chậm lại đồng thời vào năm 2019.
“Sau khi tăng trưởng từ 3% trở lên trong năm 2017 và 2018, nền kinh tế toàn cầu có vẻ sẽ đạt mức tăng trưởng yếu hơn vào năm 2019 - quan điểm cơ bản là tăng trưởng 2,8%”, Ben May nhấn mạnh.
“Ngấm đòn” xung đột thương mại Mỹ-Trung
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung nổ ra từ nửa đầu của năm 2018, song phải đến 2019 mới là lúc nền kinh tế thế giới thực sự “ngấm đòn” từ những tác động tiêu cực của nó.
Chỉ số theo dõi hoạt động thương mại toàn cầu (Global Trade Tracker) của hãng tin Bloomberg cho thấy sự suy giảm, khi quá trình các doanh nghiệp khẩn trương xuất khẩu hàng hoá trước thời điểm mức thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc có hiệu lực, đã dần chậm lại. Và khối lượng thương mại được dự báo sẽ giảm hơn nữa, ngay cả khi 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới tìm ra giải pháp để giảm căng thẳng, với việc nhiều doanh nghiệp lên tiếng cảnh báo về tình trạng gián đoạn thương mại vẫn tiếp diễn.
Trước mắt, đã có nhiều doanh nghiệp phải hứng chịu tác động từ cuộc chiến trên mặt trận kinh tế này. Chẳng hạn, GoPro Inc. sẽ chuyển phần lớn hoạt động sản xuất camera dành riêng cho thị trường Hoa Kỳ ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc trước mùa hè năm sau. Được biết, GoPro Inc. là một trong số những nhà sản xuất đồ điện tử có tiếng đầu tiên quyết định di dời khỏi đất nước đông dân nhất thế giới. Còn công ty hàng đầu trong lĩnh vực vận chuyển FedEx Corp mới đây đã phải hạ dự báo lợi nhuận của mình, bên cạnh việc giảm mức vận chuyển hàng hóa đi quốc tế bằng đường hàng không.
Ngoài ra, các số liệu mới nhất càng làm cho nỗi lo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm tiếp theo bị trì trệ do tình hình thương mại thêm phần rõ nét. Sự lạc quan của người tiêu dùng Mỹ về tương lai của nền kinh tế đang ở mức thấp nhất từ đầu năm. Tình hình các doanh nghiệp nhỏ cũng không mấy triển vọng, khi mức độ lạc quan về sự cải thiện của nền kinh tế rơi xuống mức thấp nhất trong 2 năm qua. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp cũng dự báo, lợi nhuận thu về trong năm 2019 sẽ thấp hơn.
Thêm vào đó, IMF dự báo khối lượng giao dịch thương mại sẽ giảm xuống mức 4% trong năm 2019, từ 4,2% năm nay và 5,2% vào năm 2017. Tổ chức này cũng cảnh báo, các rào cản thương mại đang ngày một rõ nét hơn.
Kể cả châu Âu cũng không tránh khỏi tác động tiêu cực của căng thẳng thương mại. Theo Hiệp hội Chế tạo máy và thiết bị Đức (VDMA), dù ngành sản xuất máy móc, thiết bị - lĩnh vực chủ chốt của quốc gia này - được dự báo đạt giá trị cao kỷ lục, ở mức 228 tỷ euro trong năm nay, song căng thẳng thương mại sẽ là một trong số những lý do khiến tăng trưởng chậm lại. Sản lượng ước tính sẽ tăng khoảng 5% theo giá trị thực tế trong năm 2018, mức cao nhất kể từ năm 2011, trước khi tăng trưởng giảm xuống còn 2% ở năm tiếp theo.
Có thể nói, câu hỏi lớn nhất hiện nay là liệu Washington và Bắc Kinh có thể tìm được tiếng nói chung vào ngày 1/3 sắp tới hay không. Nếu thành công, bóng đen bao phủ nền kinh tế thế giới sẽ được gỡ bỏ. Nhưng, từ giờ cho đến đó, rủi ro căng thẳng thương mại kéo dài sẽ tiếp tục kìm hãm các doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh, mà hệ quả vĩ mô là làm chững lại nền kinh tế toàn cầu.
Theo An Bình/Chinhphu.vn