Niệu quản lạc chỗ là một bệnh bẩm sinh ít gặp nhưng trên thực tế bệnh thường hay bị phát hiện muộn khiến người bệnh phải chịu đựng bệnh một thời gian dài gây mặc cảm, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống và tâm lý người bệnh khiến chất lượng cuộc sống giảm sút đáng kể.
Bình thường niệu quản đổ vào mặt sau bàng quang và hai lỗ niệu quản đó cùng với cổ bàng quang tạo ra vùng tam giác bàng quang. Tất cả những niệu quản tiếp khẩu lạc khỏi vùng quy định trên đều được gọi là niệu quản lạc chỗ. Có nhiều thể dị dạng niệu quản lạc chỗ, nếu phân theo vị trí, niệu quản lạc chỗ chia làm hai loại:
Niệu quản lạc chỗ trong bàng quang: Hai niệu quản vẫn tiếp khẩu vào bàng quang, nhưng một trong hai niệu quản hoặc cả hai niệu quản, tiếp khẩu ra ngoài vùng quy định về giải phẫu bình thường. Ở nam giới niệu quản có thể lạc chỗ vào niệu đạo, tuyến tiền liệt, túi tinh, ống dẫn tinh.
Niệu quản lạc chỗ ngoài bàng quang: Một trong hai niệu quản hoặc trong ba, trong bốn niệu quản phụ, tiếp khẩu ra phía ngoài bàng quang. Ở nữ giới, niệu quản có thể lạc chỗ vào vùng tiền đình, dưới cổ bàng quang, âm hộ, âm đạo, đôi khi vào cả tử cung.
Sơ đồ cấu tạo hệ tiết niệu.
Những dấu hiệu giúp phát hiện bệnh
Đái rỉ: Đái rỉ là triệu chứng chính trong bệnh niệu quản lạc chỗ. Trẻ bị niệu quản lạc chỗ ngay từ lúc mới sinh đã có hiện tượng nước tiểu rỉ liên tục ra tã, lót, ra quần. Nhiều trường hợp lúc trẻ còn nhỏ, gia đình thường nhầm là đái dầm, cho đến khi trẻ bắt đầu lớn có hiểu biết, triệu chứng này mới được nhận biết rõ và phát hiện.
Lượng nước tiểu luôn rỉ ra từ niệu quản lạc chỗ thường không nhiều. Khoảng 20-70ml, trẻ con thường ngày chỉ phải thay 2 lần quần, người lớn chỉ phải thay3- 4 lần gạc lót. Dấu hiệu này cũng giúp cho việc chẩn đoán phân biệt niệu quản lạc chỗ với rò bàng quang - âm đạo (nước tiểu dầm dề ướt sũng cả quần).
Đái thành bãi: Dù nước tiểu rỉ ra liên tục, người bệnh vẫn đái được thành từng bãi lớn hàng ngày với số lượng bình thường. Đây là dấu hiệu duy nhất có giá trị chẩn đoán chắc chắn.
Triệu chứng nhiễm trùng:
Nặng: Trong những trường hợp niệu quản cắm lạc chỗ vào trong bàng quang.
Nhẹ: trong những trường hợp niệu quản cắm lạc chỗ ngoài bàng quang.
Thăm khám thực thể
Khám kỹ lưỡng âm đạo, phía ngoài của bộ phận sinh dục, âm đạo, (vì gần hầu hết là bệnh nhân nữ) sẽ thấy lỗ tiếp khẩu của niệu quản lạc chỗ cắm vào vùng tiền đình, âm đạo, ở niệu đạo khó tìm hơn.
Dùng nghiệm pháp chất màu: Dùng nghiệm pháp chất màu để chẩn đoán, được dùng ở các cơ sở chuyên khoa.
Triệu chứng phụ: Còn phát hiện được lở loét ở vùng bẹn, đùi do nước tiểu gây ẩm ướt dài ngày là dấu hiệu gợi ý trong chẩn đoán.
Chẩn đoán
Việc chẩn đoán xác định dễ dàng và chỉ cần dựa vào các triệu chứng lâm sàng.
Chẩn đoán niệu quản lạc chỗ ở bên nào, cần tiếp tục một số phương pháp sau: Soi bàng quang (kết hợp với nghiệm pháp màu); Soi niệu đạo (kết hợp với nghiệm pháp màu); Niệu đồ tĩnh mạch.
Chụp ngược dòng từ lỗ tiếp khẩu của niệu quản lạc chỗ nếu như khi khám tìm thấy lỗ tiếp khẩu.
Biến chứng
Niệu quản lạc chỗ có thể gây lở loét, viêm nhiễm vùng đùi bẹn, sinh dục do nước tiểu làm ẩm ướt dài ngày. Nghiêm trọng hơn, dị dạng này có thể gây nhiễm trùng ngược dòng và dẫn tới hỏng thận phụ.
Lời khuyên của thầy thuốc
Niệu quản lạc chỗ tốt nhất là được phát hiện sớm ngay từ khi mới sinh hoặc còn nhỏ tuổi để tránh biến chứng và những ảnh hưởng tiêu cực cho cuộc sống người bệnh. Điều trị niệu quản lạc chỗ chủ yếu điều trị bằng phẫu thuật để giải quyết căn nguyên. Do đó cần đến khám các thầy thuốc chuyên khoa để có chỉ định điều trị đúng.
BS. Lê Sĩ Trung
Theo suckhoedoisong.vn