Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh và nhiệm vụ của Ngành KHCN hàng năm, hoạt động KH&CN đã từng bước khẳng định vị trí, vai trò, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kết quả từ các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các thành tựu, tiến bộ KHKT đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Các hoạt động về kiểm định, đo lường tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm góp phần ổn định thị trường, hàng hóa được bảo hộ, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng. Các sáng kiến, đề tài khoa học từng bước được gắn kết với nhu cầu thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực.
Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; Kế hoạch ISO HCC năm 2017, 2018 và xây dựng kế hoạch chuyển đổi sang xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn quốc gia ISO 9001:2015 cho các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh. Thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, ngành KH&CN được HĐND tỉnh phê duyệt kinh phí gần 300 tỷ đồng, phân bổ cho 40 dự án do Sở Khoa học và Công nghệ, các cơ quan, đơn vị khác làm chủ đầu tư. Thông qua các dự án đầu tư tiềm lực khoa học công nghệ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức KH&CN đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước cũng như hoạt động của ngành, lĩnh vực. Trong đó, hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng, ứng dụng, chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu kiểm định, hiệu chuẩn các phương tiện đo cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.
Chất lượng công tác chăm sóc, khám, chữa bệnh cho nhân dân của ngành Y tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ tỉnh ngày càng được nâng cao. Chất lượng giáo dục, đào tạo tại các Trường THCS, THPT, Cao đẳng kinh tế, kỹ thuật, Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc được nâng lên. Hoạt động của các đơn vị trong nông nghiệp như: Chi cục thú y, Trung tâm giống cây trồng, Trung tâm kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng đất và vật tư nông nghiệp ngày càng hiệu quả.
Từ năm 2015 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các sở ngành địa phương triển khai một số mô hình về khoa học công nghệ, tiêu biểu như: sản xuất và ứng dụng thử nghiệm chế phẩm EMpro-1, Biomix1 vào xử lý môi trường chăn nuôi và bãi rác thải tập trung trên địa bàn tỉnh; Nghiên cứu ảnh hưởng của chế phẩm Biocatalys trong khẩu phần ăn đến một số chỉ tiêu về sinh sản, sinh trưởng, chất lượng thịt của đàn lợn nuôi tại Vĩnh Phúc; Nhân rộng mô hình xử lý rác thải nông thôn Vĩnh Phúc bằng lò đốt khí tự nhiên; Nghiên cứu xây dựng mô hình xử lý chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Ngoài ra, một số đề tài được nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn như: Ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo để lai giống bò B.B.B với đàn bò cái nền lai Zebu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò thịt trên địa bàn tỉnh; Ứng dụng khoa học công nghệ tuyển chọn và phát triển một số giống lúa thuộc nhóm Japonica chất lượng trên địa bàn tỉnh; Nghiên cứu, trồng thử nghiệm một số giống ớt thương phẩm nhập nội, hình thành chuỗi giá trị nhằm phát triển vùng nguyên liệu ớt phục vụ xuất khẩu trên địa bàn huyện Tam Dương; nghiên cứu xây dựng mô hình nhà kính, nhà lưới ứng dụng công nghệ cao; Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng cây măng tây xanh; sản xuất thử nghiệm một số giống rau, quả mới chất lượng cao như: dưa lê Hàn Quốc, dưa thơm, dưa vân lưới, cà chua cherry trong nhà màng cải tiến tại Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN Vĩnh Phúc. Một số đề tài đã đi sâu nghiên cứu, bảo tồn và phát triển về cây dược liệu quý như: Trà hoa vàng, Kim ngân hoa, Hoa tiên, Hoàng tinh hoa trắng, Củ dòm, sâm Bố chính, góp phần gìn giữ nguồn gen và thuốc quý cho bảo vệ sức khoẻ con người.
Công tác quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân được tăng cường. Các hoạt động sở hữu trí tuệ, phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được quan tâm. Ngành đã hướng dẫn, cung cấp, tra cứu thông tin, hướng dẫn cho 32 lượt đơn vị, cá nhân, cơ quan thực thi quyền về sở hữu công nghiệp; Triển khai hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho 13 sản phẩm đặc trưng và là sản phẩm của các đề tài nghiên cứu KH&CN của tỉnh.
Xây dựng phóng sự, bản tin tuyên truyền về Chương trình phát triển tài sản trí tuệ. Công tác Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng được chú trọng. Vĩnh Phúc đã có 180 cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện xây dựng, áp dụng và công bố phù hợp với hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001:2008. Các hoạt động dịch vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã đáp ứng được nhu cầu của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp không chỉ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc mà còn cung ứng dịch vụ trên địa bàn một số tỉnh lân cận, thông qua đó đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Công tác thông tin, thống kê khoa học và công nghệ là một trong những hoạt động quan trọng của ngành. Sở KH&CN đã chỉ đạo trung tâm thông tin biên tập, cập nhật tin bài lên website của Sở với hàng vạn tin bài nội dung phong phú, thiết thực hiện tại, Cổng thông tin điện tử của Sở có số lượng truy cập trên 28,1 triệu lượt, Trang hỏi đáp khoa học kỹ thuật có số lượng truy cập 42,9 triệu lượt người, là 2 trang có số lượng truy cập lớn nhất trong các trang và cổng thông tin trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Từ năm 2017 đến nay, Cổng thông tin điện tử của Sở đã biên tập và phát hành được 10 Bản tin KH&CN và được xuất bản trên Internet, giảm chi phí in và phát hành; xây dựng nhiều phóng sự tuyên truyền hoạt động KH&CN.
Bên cạnh đó, hoạt động của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ trong 3 năm qua đã thu được những kết quả quan trọng, thông qua việc triển khai các dự án vay vốn, giúp chủ đầu tư đẩy mạnh áp dụng kết quả nghiên cứu từ các đề tài khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, khai thác thế mạnh cây, con của các vùng miền, lợi thế của doanh nghiệp, hay các vấn đề mà thực tiễn hiện nay đòi hỏi như: tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Trong thời gian tới, ngành Khoa học và Công nghệ Vĩnh Phúc tiếp tục tận dụng nền tảng sẵn có, phát huy hiệu quả để tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đẩy mạnh phát triển tiềm lực KH&CN, năng lực cạnh tranh, đảm bảo quốc phòng an ninh, thúc đẩy tăng trưởng KT-XH của tỉnh.
Gần 150 đề tài khoa học công nghệ đã được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh từ năm 2017 đến nay đã bám sát định hướng của ngành và cung cấp nhiều luận cứ khoa học trong việc xây dựng các chính sách phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng. Đây cũng sẽ là tiền đề để ngành khoa học công nghệ Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu với các đề tài có tính khả thi cao, ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, góp phần phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh trong giai đoạn hội nhập./.
Ngọc Anh