Thừa Thiên-Huế đẩy mạnh thu hút đầu tư và sớm đưa các dự án du lịch trọng điểm vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả, đưa du lịch, dịch vụ thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn.
Di tích cố đô Huế về đêm. (Ảnh: TTXVN)
Trong 5 tháng đầu năm 2019, tỉnh Thừa Thiên-Huế đón 2,11 triệu lượt khách du lịch, trong đó có hơn 1 triệu lượt khách quốc tế, tăng 14,46% so với cùng kỳ năm 2018.
Hàn Quốc dẫn đầu thị trường khách quốc tế đến Huế, chiếm từ 27-29%, tiếp theo là Pháp, Thái Lan, Anh, Đức... Doanh thu du lịch của tỉnh đạt 1.935 tỷ đồng.
Theo Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế, khách du lịch đến địa phương này tăng mạnh trong những tháng đầu năm do tỉnh tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, du lịch đặc sắc như Festival Nghề truyền thống Huế 2019; Lễ hội "Lăng Cô - Vịnh đẹp thế giới"; Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số các tỉnh vùng biên giới Việt Nam-Lào, khu vực miền Trung, Tây Nguyên năm 2019.
Riêng Festival Nghề truyền thống Huế 2019 đón 400.000 lượt khách, cao gấp hơn 2,3 lần so với kỳ lễ hội trước đây, công suất buồng phòng các khách sạn bình quân trên 97%, các khách sạn từ 3-5 sao đạt 100%.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel), Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC thực hiện nhiều dự án phát triển du lịch trên địa bàn.
Vietravel đang phát triển sản phẩm, dịch vụ trọng điểm của công ty, quảng bá, xúc tiến mạnh mẽ các dòng sản phẩm miền Trung, du lịch nội địa nói chung tới Huế.
Hiện Vietravel đã thực hiện việc tài trợ không hoàn lại cho tỉnh Thừa Thiên-Huế hệ thống chiếu sáng nghệ thuật khu vực Kỳ Đài và tiếp tục đầu tư hệ thống chiếu sáng hai bờ sông Hương trong năm 2019.
Khách du lịch Nhật Bản tham qua chùa Thiên Mụ, địa điểm du lịch nổi tiếng của thành phố Huế. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)
Vietravel tiếp tục nghiên cứu, tiến hành dự án xây dựng Bảo tàng Văn hóa Ẩm thực tại Huế; đầu tư dự án khách sạn cao cấp, dịch vụ du lịch tại Thừa Thiên-Huế.
FLC nghiên cứu đầu tư các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; khu du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế ven biển; phát triển đô thị theo hướng hình thành các khu đô thị thông minh, hiện đại trên địa bàn tỉnh.
FLC còn tài trợ thực hiện các đồ án quy hoạch; nghiên cứu mở mới đường bay của Hãng Hàng không Bamboo Airways đến Thừa Thiên-Huế; hỗ trợ một số hoạt động phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Từ nay đến cuối năm 2019, ngành Du lịch Thừa Thiên-Huế tiếp tục triển khai một số hoạt động, thúc đẩy đề án "Huế - Kinh đô ẩm thực" đồng thời thực hiện các nhiệm vụ của dự án sinh thái du lịch thông minh nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch và phát triển du lịch địa phương.
Tỉnh đẩy mạnh liên kết chặt chẽ, hiệu quả với các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng như thị trường khách trọng điểm và tiềm năng.
Thừa Thiên-Huế đẩy mạnh thu hút đầu tư và sớm đưa các dự án du lịch trọng điểm vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả, đưa du lịch, dịch vụ thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn.
Năm 2019, ngành Du lịch Huế đưa ra chỉ tiêu phấn đấu đạt từ 4,5-4,7 triệu lượt khách, tăng khoảng 8% so với năm 2018 (trong đó, khách quốc tế chiếm từ 40-45%), doanh thu du lịch phấn đấu đạt từ 4.700-4.900 tỷ đồng./.
Theo Quốc Việt (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/thua-thienhue-phat-trien-du-lich-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon/571468.vnp