Mục tiêu của việc xây dựng chợ ở nông thôn là để góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tiêu thụ các loại nông sản và nhằm tạo sự thay đổi cho bộ mặt nông thôn vùng quê. Thế nhưng, nhiều năm qua không ít chợ trên địa bàn tỉnh xây xong nhưng không phát huy được công năng, hiệu quả. Điều này, không chỉ gây nên tình trạng lãng phí tiền của Nhà nước, mà còn gây bức xúc trong nhân dân.
Không tập trung theo đúng nơi quy định, bày hàng hóa tràn lan ra hành lang đường giao thông, vứt rác bừa bãi… đó là thực trạng đã và đang diễn ra nhiều năm nay ở chợ Nhạo Sơn, huyện Sông Lô. Được biết, để đáp ứng nhu cầu buôn bán, giao thương của người dân địa phương, năm 2004 xã Nhạo Sơn đã đầu tư xây dựng chợ với diện tích 720m2, tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ đồng. Năm 2006, chợ hoàn thành đi vào hoạt động, với 31 ki ốt và nhà trung tâm. Để về đích xây dựng nông thôn mới năm 2013, Nhạo Sơn được UBND tỉnh đầu tư 1,6 tỷ đồng xây dựng giai đoạn II của chợ gồm: nâng cấp các ki ốt, xây dựng nhà vệ sinh, nhà ban quản lý, tường rào và hệ thống sân, đường vào chợ. Điều đáng nói là mặc dù ở vị trí thuận lợi, có đầy đủ cơ sở vật chất, nhưng nhiều năm nay chợ này vẫn rơi vào tình trạng đìu hiu, thưa thớt. Hàng ngày, chỉ có số ít hộ dân trong xã đến bán hàng, chủ yếu là rau củ quả, thịt, cá, trứng quanh cổng chợ.
Đặc biệt, do được đầu tư đã lâu, lại không có người sử dụng nên không ít hạng mục của chợ đã rơi vào tình trạng xập xệ, xuống cấp. Trong đó, hầu hết hệ thống cửa sắt của các ki ốt đã rỉ xét, hư hỏng, nền ẩm mốc không thể sử dụng.
Không chỉ chợ Nhạo Sơn mà hiện nay nhiều chợ Nông thôn mới cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Chính tình trạng người dân không vào chợ để buôn bán đã gây ra nhiều hệ lụy. Trước hết là gây lãng phí công trình; cùng với đó, là tình trạng người dân bày hàng hóa ngay sát đường giao thông để bán rất dễ gây ra tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm và đặc biệt tại các khu chợ này thường xuyên xảy ra tình trạng mất an toàn giao thông.
Trước thực trạng trên chính quyền các địa phương cũng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát huy hiệu quả của chợ, tuy nhiên nhiều năm liền vẫn chưa thể cải thiện tình hình.
Thiết nghĩ, đã đến lúc các cấp ủy và chính quyền các địa phương, cùng các ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ tìm giải pháp thích hợp, nghiên cứu kỹ để điều chỉnh chợ như thế nào cho phù hợp, phát huy được hết công năng. Cùng với đó, đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tiểu thương vào buôn bán tại những chợ mới xây; đồng thời, phải quyết liệt trong việc xử lý dứt điểm không để chợ tạm, chợ cóc tồn tại./.
Trường Giang