Quản lý rác thải nông thôn hay tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập chưa được giải quyết. Mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực, đổi mới cách làm nhưng thực tế vẫn chưa đạt hiệu quả cao.
Nhắc đến nông thôn, trong suy nghĩ của mọi người đây là nơi có môi trường không khí tốt, nhưng thực tế hiện nay trong quá trình phát triển thì từ đường làng, kênh mương, đồng ruộng với đủ loại rác thải thải sinh hoạt, bao bì, đồ dùng hỏng gây ô nhiễm môi trường. Tại mỗi địa phương, việc thu gom, xử lý rác thải được duy trì do hợp tác xã dịch vụ môi trường và tận dụng vai trò của các ban, ngành, đoàn thể với các mô hình tự quản. Tuy nhiên việc xử lý rác thải vẫn là chôn lấp và đốt thủ công, nhiều nơi xây lò đốt ngay tại địa điểm đã được quy hoạch. Tuy nhiên, theo thời gian các điểm tập kết rác thải đã quá tải, việc thu gom rác tại một số xã, thị trấn không hiệu quả. Trong khi đó ý thức của người dân chưa cao nên tình trạng vứt rác bừa bãi không đúng nơi quy định vẫn diễn ra.
Toàn tỉnh có trên 250 bãi rác, địa điểm tập kết rác thải ở mỗi xã, thị trấn nhưng nhiều nơi các bãi rác thải đã quá tải. Duy trì tần suất thu gom đạt 1-3 lần/tuần nhưng hoạt động của hợp tác xã, tổ thu gom cũng chỉ đáp ứng được hơn 70% lượng rác thải ra hàng ngày cùng với các điểm rác thải tự phát thường xuyên xuất hiện, khó khăn về người thu gom, mức thù lao thấp cũng dẫn đến việc hoạt động không hiệu quả.
Tuyên truyền, vận động xây dựng những phong trào, mô hình vệ sinh môi trường, gắn trách nhiệm, nêu cao tinh thần bảo vệ môi trường, thay đổi nhận thức của nhân dân là công việc thường diễn ra nhưng thực tế thì chính ý thức, nhận thức của người dân vẫn không đúng đắn. Mặc dù, được hỗ trợ về kinh phí môi trường từ tỉnh xuống xã, thị trấn nhưng ngay cả việc thu phí dọn dẹp cũng khó khăn tại mỗi hộ dân, hộ kinh doanh, tiểu thương trong chợ.
Ngay tại xã Lũng Hòa, đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 nhưng khi nhắc đến môi trường thì vẫn là bài toán rất khó cho chính quyền xã, việc quy hoạch địa điểm không đáp ứng được yêu cầu, tình trạng tràn ngập rác trở thành hình ảnh phổ biến. Thậm chí, ngay chính tuyến đường đi vào trụ sở làm việc của UBND xã là bãi rác mùi hôi khó chịu, ngoài rác sinh hoạt thì xác động vật chất cũng được người dân vứt tại đây.
Việc quản lý rác thải, vệ sinh môi trường còn nhiều bất cập xuất phát từ cơ sở hạ tầng đến ý thức nhân dân. Do đó, việc xác định hướng đi, cách làm cụ thể gắn trách nhiệm của người dân với ý thức bảo vệ môi trường sống xung quanh, đổi mới công nghệ xử lý, cách thức quản lý, hoạt động hợp tác xã, tổ thu gom sẽ giải quyết những tồn tại, hạn chế từng bước xây dựng môi trường nông thôn sáng, xanh sạch đẹp.
Tiến Trang