Cập nhật: 08/07/2019 16:29:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch trực tuyến nhưng đến nay vẫn chưa được khai thác hết bởi đây vẫn là cuộc chơi đầy thử thách với các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đa phần là nhỏ và vừa.

Du khách tìm hiểu thông tin trên thiết bị tra cứu thông tin tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. (Ảnh minh họa: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng đã mang lại hiệu quả kinh tế xã hội rộng lớn cho các ngành nghề trong đó có du lịch. Phát triển du lịch trực tuyến là xu hướng tất yếu.

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch trực tuyến nhưng đến nay vẫn chưa được khai thác hết bởi đây vẫn là cuộc chơi đầy thử thách với các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đa phần là nhỏ và vừa.

Xu hướng tất yếu

Theo Tổ chức Du lịch thế giới, hiện nay, khách du lịch đã bước sang một giai đoạn mới gọi là du lịch kết nối. Trong đó, khách du lịch chủ động tìm điểm đến, tìm tour, khách sạn, đặt vé máy bay và các dịch vụ liên qua. Khách cũng chủ động đăng bình luận, đánh giá về khách sạn, tour, chất lượng dịch vụ trong hành trình.

Đánh giá này được người đi sau tin cậy hơn thông tin từ các hãng chuyên khảo sát, xếp hạng, đánh giá du lịch chuyên nghiệp…

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình đánh giá Du lịch là ngành ứng dụng nhanh chóng công nghệ vào phát triển, nhất là phát triển du lịch trực tuyến.

Khoảng 10 năm trở lại, du lịch trực tuyến đã từng bước thay thế nhiều khâu trong du lịch truyền thống.

Thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho thấy, trong 5 năm trở lại đây, nhu cầu tìm kiếm các thông tin du lịch trên mạng tại Việt Nam tăng hơn 32 lần. Trong đó, mỗi tháng có hơn 5 triệu lượt tìm kiếm bằng tiếng Việt về các sản phẩm du lịch như tour trong nước, nước ngoài, đặt phòng khách sạn, vé máy bay…

Khách hàng bây giờ chỉ cần thông qua một cú nhấp chuột là có thể sắp sẵn hành trình tour, thanh toán bằng thẻ qua Internet…

Ông Vũ Thế Bình cung cấp kết quả nghiên cứu cuối năm 2018 của Hiệp hội Du lịch châu Á-Thái Bình Dương (PATA) và Oxford Economic do Google tài trợ cho thấy tỷ lệ các hộ gia đình tiếp cận du lịch trực tuyến của 12 nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thấp nhất là Ấn Độ 34%, cao nhất là Nhật Bản 93%, Việt Nam là 66%.

Ở khu vực này, việc lập kế hoạch đi du lịch và đặt phòng trực tuyến đã phổ biến với 80% các tour du lịch sử dụng các hoạt động trực tuyến. Chất lượng thông tin của các trang web du lịch ngày càng cao, tạo điều kiện cho người quan tâm đến du lịch truy cập.

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương có 30% người sử dụng internet thường xuyên truy cập các trang web du lịch. Tỷ lệ tổ chức du lịch trực tuyến tăng cao đã khiến khách du lịch đặt tour truyền thống giảm từ 82% năm 2015 xuống còn 47% năm 2017.

Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử năm 2019 cũng cho thấy, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử năm 2018 cao hơn 30% so với trước đó và sẽ tiếp tục duy trì tốc độ này trong những năm tới.

Quy mô giao dịch khoảng 8 tỷ USD. Trong đó, bán lẻ trực tuyến và du lịch trực tuyến chiếm tỷ trọng cao nhất trong toàn bộ thị trường thương mại điện tử Việt Nam.

Báo cáo Google và Temasek cũng cho thấy, quy mô du lịch trực tuyến Việt Nam năm 2018 đạt 3,5 tỷ USD (tăng trưởng 15%), dự kiến 2025 con số này sẽ lên tới 9 tỷ USD. Đặt vé máy bay, phòng khách sạn, tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ du lịch khác trên môi trường trực tuyến ngày càng tăng trưởng nhanh và thuận lợi cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, quy mô thị trường du lịch của Việt Nam mới đứng thứ 5/6 nước được xếp hạng trong khu vực Đông Nam Á và còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết.

Cuộc chơi đầy thử thách

Nắm bắt được xu thế chung toàn cầu, hầu hết các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đều phát triển du lịch trực tuyến ở nhiều mức độ khác nhau. Theo Hiệp hội Thương mại Điện tử (VECOM), các đại lý du lịch trực tuyến (Online Travel Agency - OTA) thương hiệu toàn cầu như Agoda.com, Booking.com, Traveloka.com, Expedia.com (bao gồm Trivago.com, Hotel.com) đang chiếm tới 80% thị phần ở Việt Nam.

Hiện mới chỉ có trên 10 công ty Việt Nam kinh doanh du lịch trực tuyến như: Ivivu.com, Chudu24.com, Mytour.vn, Tripi.vn, Gotadi.com, Vntrip.vn... Hầu hết các công ty Việt Nam phục vụ thị trường khách trong nước là chính và số lượng giao dịch còn khiêm tốn.

Theo tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International, doanh thu bán hàng du lịch trực tuyến tai Việt Nam sẽ duy trì mức độ tăng trưởng 12% trong giai đoạn 2015 - 2020.

Hầu hết các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã chủ động tham gia vào các đại lý du lịch trực tuyến nước ngoài như Agoda.com, Booking.com, Expedia.com. Nhiều công ty lữ hành lớn giới thiệu sản phẩm, thông tin cụ thể, giá cả, dịch vụ trên trang web của các thương hiệu quốc tế.

Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, chủ yếu là vừa và nhỏ có cơ hội cạnh tranh bình đẳng hơn với các doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp du lịch đã chú ý đến nhân sự công nghệ thông tin.

Đặc biệt, một số doanh nghiệp lớn có trung tâm tin học để phát triển và ứng dụng công nghệ cho doanh nghiệp mình như Saigontourist…

Nền tảng công nghệ đã hỗ trợ rất nhiều cho phát triển du lịch. Các công ty du lịch đều hướng tới để có công cụ tốt nhất, hỗ trợ khách tìm được sản phẩm, dịch vụ nhanh nhất.

Thế nhưng, các chuyên gia du lịch khẳng định rằng làm du lịch trực tuyến không phải chỉ dựng một website hoặc một ứng dụng trên di động là xong mà còn phải làm sao đó để thu hút khách hàng sử dụng sản phẩm của mình hiệu quả, tiện lợi nhất.

Đáp ứng nhu cầu giao dịch và tương tác với khách hàng, nhiều giải pháp công nghệ mới và ứng dụng di động đã ra đời như phần mềm ứng dụng du lịch thông minh (smart tourism) bằng công nghệ 360, thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và sử dụng ứng dụng trên màn hình tương tác.

Các công ty Tripi, Gotadi, Mytour.vn. giới thiệu ứng dụng di động tích hợp đặt phòng khách sạn, vé tàu xe, tự động gợi ý gói du lịch thông minh và cung cấp thông tin du lịch cho khách hàng.

Khách du lịch tham quan phố cổ Hội An. (Ảnh: TTXVN)

Nắm bắt thị hiếu khách hàng để phát triển

Vừa qua, một số địa phương có thế mạnh về du lịch đã hợp tác với Google triển khai chiến dịch quảng bá du lịch các điểm đến du lịch hàng đầu tại miền Trung trên nền tảng video lớn nhất thế giới YouTube và thư viện văn hóa nghệ thuật trực tuyến hàng đầu thế giới Google Art and Culture.Google sẽ thực hiện một bộ ảnh hơn 1.000 tấm giới thiệu cụ thể các danh lam thắng cảnh tuyệt mỹ, công trình văn hóa tiêu biểu của 4 tỉnh, thành phố gồm Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam trên Google Art & Culture (www.artandculture.google.com).

YouTube quốc tế sẽ đóng vai trò như một “đại sứ du lịch trực tuyến” nhằm chia sẻ những hình ảnh ấn tượng của Việt Nam đến với thế giới.

Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Hanoitourist cho biết muốn làm du lịch trực tuyến trước hết phải có dữ liệu tốt. Các nhà làm công nghệ và làm du lịch cần phối hợp để tiến hành số hóa các điểm đến du lịch cùng các dịch vụ liên quan như lưu trú, ăn uống, vui chơi, mua sắm… nhằm tạo điều kiện thuận tiện nhất để khách tạo ra hành trình phù hợp.

Việc số hóa dữ liệu liên quan đến điểm đến và các dịch vụ du lịch liên quan là điều quan trọng hàng đầu khi tiến hành thực hiện du lịch trực tuyến. Tiếp đó, các đơn vị du lịch phải tạo ra được nền tảng công nghệ để khách dễ dàng truy cập, tìm kiếm, so sánh để đưa ra quyết định hành trình.

Thêm vào đó, cần tạo sự kết nối giữa các dịch vụ đã mua trực tuyến với đơn vị quản lý sản phẩm để đảm bảo chất lượng như đã quảng cáo trên internet và các công cụ trực tuyến khác.

Ông Phùng Quang Thắng cũng nhấn mạnh: Khi tiến hành làm du lịch trực tuyến, nhân lực là quan trọng. Bởi lẽ, để phát triển du lịch trực tuyến, đòi hỏi phải từ đội ngũ quản lý nắm bắt được xu thế, hiểu tầm quan trọng của việc ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển, ý chí quyết tâm của lãnh đạo sẽ thuận lợi hơn trong công việc.

Thêm vào đó, việc triển khai du lịch dù là ở loại hình truyền thống hay online đều phải nắm bắt chắc chắn thị hiếu, nhu cầu, thói quen của khách. Với các công cụ trực tuyến, việc nắm bắt nhu cầu của khách dễ dàng, nhanh chóng hơn.

Các đơn vị lữ hành du lịch cần tùy hành vi của khách mà đưa ra ứng dụng phù hợp, đáp ứng mục tiêu của khách khi tìm kiếm dữ liệu cho chuyến đi. Ví dụ, khách Việt Nam thường hay so sánh về giá tour, dịch vụ, thường chọn giá rẻ nhất sau đó sẽ là số lượng các dịch vụ trong hành trình sau đó mới quan tâm đến chất lượng.

Với khách quốc tế, họ thường tìm hiểu để xem được khám phá, trải nghiệm những gì ở điểm đến hơn là xem giá. Việc thanh toán cũng khá quan trọng, khách quốc tế quen thanh toán trực tuyến, trả phí cho đơn vị trung gian làm nền tảng thanh toán còn khách Việt Nam hay chọn trả tiền mặt.

Theo Thanh Giang (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/phat-trien-du-lich-truc-tuyen-cuoc-choi-day-thu-thach/581018.vnp

Tệp đính kèm