Cảnh sát giao thông là lực lượng thường xuyên tiếp xúc và làm việc trực tiếp với nhân dân. Đối tượng tiếp xúc của cảnh sát giao thông là những người tham gia giao thông đa dạng về lứa tuổi, nghề nghiệp, địa vị xã hội, khả năng nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật. Việc nâng cao văn hóa ứng xử, thay đổi thái độ làm việc có ý nghĩa quan trọng góp phần xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ.
Để kịp thời chấn chỉnh, hạn chế những hành vi thiếu chuẩn mực, không đúng quy định của ngành trong giải quyết công việc và giao tiếp ứng xử, lực lượng cảnh sát giao thông cùng với các cán bộ, chiến sỹ trong Công an tỉnh đã được tham gia lớp tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức về văn hóa ứng xử và đạo đức công vụ với nhiều nội dung thiết thực, ý nghĩa nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ chiến sỹ về tác phong làm việc, tính nhân văn trong các hoạt động nghiệp vụ, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức.
Không chỉ trực tiếp tiếp xúc với nhân dân tại trụ sở đơn vị, trong quá trình tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông trên đường, lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên tiếp xúc với người điều khiển phương tiện giao thông. Đặc biệt đối với các trường hợp vi phạm, đòi hỏi các cán bộ, chiến sỹ phải có thái độ nghiêm túc, đúng mực, vừa có tác dụng răn đe, vừa tuyên truyền đến người dân.
Những lời nói, hành động của cán bộ, chiến sỹ tưởng như đơn giản nhưng có tác động mạnh mẽ đến thái độ hợp tác và hành vi của người điều khiển giao thông. Sự thay đổi tích cực theo hướng chuẩn mực, đúng lễ phép, tác phong của người công an nhân dân đã tạo hiệu ứng tốt trong quần chúng nhân dân, từ đó góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
Thay đổi văn hóa ứng xử từ những việc làm cụ thể, thiết thực là yêu cầu quan trọng nhằm nâng cao ý thức chấp hành nghiêm điều lệnh, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, xây dựng nếp sống văn hóa cho lực lượng cảnh sát giao thông nói riêng và cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh nói chung, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp trong lòng nhân dân./.
Kim Liên