Rác thải nhựa có tác hại nghiêm trọng đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống xung quanh và sức khỏe cộng đồng. Trước thực trạng này, các ban, ngành, địa phương và đặc biệt là thế hệ trẻ của tỉnh đang tích cực xây dựng, triển khai những việc làm thiết thực, hành động cụ thể để từng bước làm thay đổi thói quen, nhận thức của mọi người về rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.
Nói đến các sản phẩm từ nhựa, ni lông rất tiện ích vốn đã quen thuộc trong cuộc sống thường ngày của mỗi gia đình, nhưng với đặc tính khó phân hủy đang gây ra nhiều hệ lụy có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và môi trường sống. Nhiều việc làm để hạn chế việc sử dựng túi nilong và các loại túi, chai nhựa đã được các em học sinh cụ thể hóa thông qua việc đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền trong các buổi học ngoại khóa góp phần chung tay bảo vệ môi trường.
Không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền mà bằng việc làm thực tế câu lạc bộ Thiện Nguyện trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc với dự án giảm thiếu sử dụng chai, bình nhựa đựng nước bằng bình thủy tinh nhỏ gọn đã được chính các em học sinh thực hiện. Ngoài bình, chai nhựa các vận dụng từ nhựa khác như ống hút, thìa nhựa, hộp nhựa, túi nilon cũng được câu lạc bộ thường xuyên vận động bạn bè thay thế, hạn chế dùng và thu gom để đúng nơi quy định phát huy vai trò thế hệ trẻ trong giảm thiểu rác thải nhựa.
Việc sử dụng những mặt hàng, sản phẩm trong các siêu thị dùng túi nilon đã không còn xa lạ với người dân nhưng hiện nay thay vì đựng trong túi nylon, rau được gói cẩn thận trong lá chuối thu hút sự chú ý và đồng tình, ủng hộ của người tiêu dùng qua sự thay đổi này mang ý nghĩa bảo vệ trường, hạn chế đồ dùng bằng nhựa.
Xác định phân loại rác tại hộ gia đình là khâu quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, các cấp Hội Phụ nữ xây dựng mô hình “Tổ phụ nữ phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình”. Hàng tháng, phân công thành viên tuyên truyền để các hộ gia đình thực hiện tốt nội quy như: 100% hộ gia đình có thùng, sọt đựng rác thải; phân loại rác vô cơ, rác hữu cơ và sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, để rác đúng nơi quy định. Sau bước đầu thực hiện đa số các hộ gia đình đã có sự chuyển biến về nhận thức không còn tình trạng bỏ rác bừa bãi và được phân loại riêng biệt.
Nói không với rác thải nhựa là một vấn đề không chỉ ngày một ngày hai có thể làm được và quan trọng là sự chung tay của cả cộng đồng. Qua mỗi việc làm cụ thể gắn liền giữ tuyên truyền và trách nhiệm của thế hệ trẻ sẽ tích cực thay đổi thói quen sử dụng, hạn chế các vật liệu bằng nhựa chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của chính mình./.
Tiến Trang